Ngữ văn vừa là môn học cơ bản trong nhà trường vừa là môn học rất gần gũi với đời sống con người. Thế nhưng có một thực trạng đáng buồn là ngày nay có không ít học sinh thờ ơ hoặc xem nhẹ môn văn mặc dù tất cả các em đều biết nó là môn học rất quan trọng. Tôi không dám nói là môn văn dễ học, cũng không nghĩ rằng nó quá khó. Chỉ cần các em chịu khó tìm tòi, chịu khó đọc sách, chịu khó nghe thầy cô giảng bài và có thêm một chút rung cảm thì có thể nói rằng văn học vô cùng thú vị, chứ không phải quá rắc rối, lằng nhằng như các em nghĩ.
Nghề nào cũng có những nhọc nhằn vất vả với bao chuyện buồn vui, dở khóc, dở cười, nghề thầy cũng thế. Bản thân tôi là một giáo viên dạy văn ở một trường cấp 3 trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió. Với 5 năm trong nghề chưa đủ để đúc kết ra những kinh nghiệm cốt yếu trong việc giảng dạy và hoc tập nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để lại trong tôi những khoảng lặng buồn của nghề thầy.
Đằng sau những phút giây thăng hoa của người thầy giáo đứng trên bục giảng là những trăn trở nhói lòng mà chỉ có những ai gắn bó với sự nghiệp trồng người như chúng tôi mới thấu hiểu hết. Một trong những tình huống cười ra nước mắt ấy là lúc chúng tôi chấm bài kiểm tra của học sinh.
Với đề bài phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao thì có em đã mở bài như sau: “Nam Cao sinh tra trong cuộc Cách mạng tháng Tám nhưng viết Chí Phèo trước khi Cách mạng tháng Tám xảy ra…”. Và, trong phần thân bài em viết : “Sau khi bị Thị Nở từ chối tình yêu, Chí Phèo đã quyết tâm vác xác đến sống ở nhà Thị Nở”.
Chuyện lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia không còn là chuyện lạ trong cách hành văn của không ít học sinh.
Hình minh họa.
Ai cũng biết Huấn Cao là nhân vật của nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” tuyệt mĩ , Huấn Cao có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp. Tôi cũng dạy cho các em khá kỹ về đặc điểm của từng nhà văn, chẳng hạn: Thạch Lam là con người đôn hậu, có biệt tài về truyện ngắn trữ tình, Nguyễn Tuân là một nhà văn lịch lãm, uyên bác, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, am hiểu Hán học và nhiều lĩnh vực khác. Nam Cao là đại biểu xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán, có phong cách độc đáo, rất thành công khi viết về đề tài người trí thức nghèo và người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám. Còn Nguyễn Huy Tưởng được biết đến là một nhà văn có thiên hướng khai thác đề tài lịch sử và có đóng góp nổi bật cho thể loại tiểu thuyết và kịch….Vậy mà có không ít học sinh đặt bút viết ra những câu văn hết sức ngờ nghệch như sau: “Huấn Cao sinh năm 1915 đã đẻ ra Chí phèo trong một cái lò gạch cũ và Nam Cao nhặt về nuôi”.
Trong một bài văn khác, tôi đã vô cùng sửng sốt khi thấy có học sinh mở bài thế này: “Nam Cao là một nhà thơ rất giỏi chữ Hán, hay đi tìm những vẻ đẹp trong quá khứ, chuyên viết kịch và truyện trữ tình”. Thậm chí có em còn diễn đạt hết sức phi lí, nực cười: “Nam Cao sinh ra trong một cái lò gạch cũ. Hai đứa trẻ sống ở phố huyện rất nghèo”.
Với lối hành văn như trên, tôi chỉ có thể nói rằng các em hoàn toàn không chú tâm vào bài học hoặc học hành hết sức qua loa mới viết ra những câu văn như vậy.
Tôi cũng có cảm giác các em nghĩ rằng, văn học là một môn có thể bịa, nghĩ gì viết nấy, bịa sao cũng được, miễn là có chữ trong bài.
Vậy nên mới có học sinh nói rằng” “Vũ Như Tô về quê xây Cửu Trùng Đài”, trong khi sự thật thì Cửu Trùng Đài được Vũ Như Tô mượn quyền uy của tên bạo chúa Lê Tương Dực xây dựng ở Thăng Long vào năm 1516-1517.
Ở một câu hỏi khác: “Hãy nêu các mâu thuẫn cơ bản trong vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng. Vì sao Vũ Như Tô rơi vào bi kịch không lối thoát?” thì lại có em không ngại ngần đặt bút viết ra những câu văn hoàn toàn khẳng định rất giật gân như sau: “Bá Kiến không cho Chí phèo gặp thị Nở nên Vũ Như Tô rơi vào bi kịch không lối thoát”.
Tôi nghĩ, có lẽ các em đã nhầm lẫn một cách tệ hại. Cả hai nhân vật Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và Chí phèo của Nam Cao đều mang trong mình những bi kịch không lối thoát, song bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của một kiến trúc sư thiên tài hoàn toàn lầm lạc trên con đường thực hiện khát vọng nghệ thuật cao cả. Còn Với Chí Phèo, đó là bi kịch của một con người tha hóa, bị xã hội cự tuyệt quyền làm người….
Cũng có lẽ khi thấy đề bài có hỏi đến bi kịch, một số học sinh không biết gì đã cho rằng bi kich của Vũ Như Tô cũng chính là bi kịch của Chí phèo. Hay trong suy nghĩ của các em, Nguyễn Huy Tưởng là tên gọi khác của nhà văn Nam Cao hoặc là các nhân vật Chí phèo, Vũ Như Tô, Bá Kiến, Huấn Cao…nằm trong một tác phẩm và có quan hệ mật thiết với nhau.
Trong một câu hỏi khác về kiến thức Tiếng Việt , tôi có yêu cầu các em hãy tìm và giải thích thành ngữ được dùng trong câu sau: “Ba mày và tao, chí thú tới vậy, bây giờ đầu hai thứ tóc vẫn sống nhờ vào đất nước, ông bà” – (Phan Tứ). Rất nhiều em đã chỉ ra được thành ngữ trong câu là “Đầu hai thứ tóc”.
Thế nhưng, chúng tôi không thể nhịn được cười trước cách giải thích rất ngây ngô và lằng nhằng: “Đầu hai thứ tóc là già rồi không lo làm ăn đi mà cứ sống nhờ vào đất nước, ông bà”, hoặc là: “ Đã lớn tuổi rồi, đã già rồi, đầu thì đã nhuộm tóc bạc nhưng mà sự nghiệp vẫn chưa vững chắc, vẫn còn ăn bám và ăn nhờ ở đợ ông bà, cũng có thể là chưa lập gia đình”.
Cũng câu hỏi này, một học sinh khác lại giải thích rất hài hước khiến chúng tôi vừa buồn cười vừa chua xót: “Đầu hai thứ tóc còn là hai màu tóc đối lập nhau, một người đã già và một người vẫn như xưa” hoặc thành ngữ trong câu là “mày và tao”
Chưa dừng lại ở đó, trong một câu khác cũng thuộc phần Tiếng Việt, đề bài yêu cầu hãy lựa chọn câu văn thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau và giải thích sự lựa chọn đó. Tôi xin phép được trích câu hỏi: “Nghe gọi, con bé giật mình. Nó ngơ ngác lạ lùng…”.
A. Anh không ghìm nỗi xúc động
B. Còn anh, anh không ghìm nỗi xúc động
C. Anh thì không ghìm nỗi xúc động
D. Mà anh không ghìm nỗi xúc động
Một học sinh đã trả lời thế này: “Em chọn câu A: Anh không ghìm nỗi xúc động và giải thích: “Vì con bé không biết ai gọi nó nên nó giật mình và anh thấy cô bé rất đáng thương nên anh không ghìm nỗi xúc động”.
Trong khi đó, B mới là phương án đúng vì câu văn có chứa thành phần khởi ngữ “còn anh” tạo được quan hệ với từ “nó” ở câu trước, giúp cho đoạn văn có được sự liên kết.
Bấy nhiêu trích dẫn trên cũng đủ để kết luận rằng, tình trạng ngày càng nhiều học sinh thờ ơ, xem nhẹ môn văn đã đến mức báo động.
Bản thân là một giáo viên trực tiếp giảng dạy, tôi thực sự rất buồn và lo lắng về sự vô cảm của các em đối với môn học được gọi là “nhân học” này. Tôi chắc rằng sau khi đọc xong bài viết này, nhiều người sẽ cho rằng giáo viên chúng tôi không biết dạy dỗ nên các em mới sáng tạo ra những câu văn mắc cười đến thế, chứ ít ai nghĩ rằng nguyên nhân chính là sự lười học, sự vô cảm của các em đã tạo ra những câu văn “bất hủ” ấy.