[size=6] [/size]
[size=6]Nhiều chủ nhà trọ đang áp dụng những chiêu trò để “hành” sinh viên thuê trọ nhằm kiếm thêm tiền, khiến không ít bạn sinh viên năm nhất chân ướt chân ráo lên thành phố lâm vào cảnh dở khóc dở cười.[/size]
Khi chủ nhà trọ muốn đuổi khách
Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đã khai giảng năm học mới. Nhiều tân sinh viên cùng lúc đổ về thành phố để nhập học khiến nhu cầu về nhà trọ tăng rất cao. Được dịp này, nhiều chủ nhà trọ lại giở hàng loạt chiêu trò để đuổi khéo các khách trọ là sinh viên cũ đi, để tìm người mới đến trọ với giá thuê cao hơn.
Hiện nay, nhiều sinh viên khi đi thuê nhà trọ thường không ký hợp đồng với chủ nhà trọ, mọi thứ liên quan đều chỉ thỏa thuận, giao kèo bằng miệng. Vì vậy, trong quá trình sinh viên thuê trọ, các chủ nhà trọ hay tự đặt ra những quy định, nhiều khi rất vô lý, và bắt khách thuê trọ phải thực hiện theo mà không cần phải trao đổi trước.
Chủ nhà trọ thường đi chốt tiền điện, nước vào cuối tháng. Mức tiền nhà, điện, nước được chủ trọ viết tay và nghiễm nhiên trở thành hóa đơn chuyển cho sinh viên thuê trọ.
“Có lần nhìn thấy số tiền điện nước chủ nhà đưa cho mà mắt mình tự nhiên to ra không cần đến dao kéo phẫu thuật”, Hoa – sinh viên năm 3 Đại học Sư phạm Hà Nội - tếu táo.
Hoa thuê trọ ở khu Cầu Giấy (Hà Nội) gần trường để tiện đi học. Ba năm đi ở trọ, Hoa đã phải chuyển nhà trọ vài lần và mỗi lần chuyển nhà trọ ấy là một lần cười ra nước mắt với cô sinh viên tỉnh lẻ đi học xa nhà.
"Hóa đơn" tiền nhà, tiền điện, tiền nước chỉ là những tờ giấy viết tay do chủ nhà trọ tự ghi.
“Có lần mình về quê nghỉ hè hai tháng, không hề dùng điện nước mà vẫn bị tính tiền như thường. Mình thắc mắc thì bà chủ nhà đưa giấy tờ viết định mức điện nước tháng trước, tháng sau ra trước mặt mình dọa nạt. Bực mình, khó chịu nhưng là con gái, quê ở xa lại không quen biết nhiều bạn bè để có thể can thiệp giúp đỡ nên mình đành ngậm ngùi trả số tiền không đáng phải trả đó và chuyển nhà trọ”, Hoa tâm sự.
Đây là một chiêu trò thường được nhiều chủ nhà trọ sử dụng để đuổi khéo những khách trọ cũ nhằm lấy phòng trống “đón” những tân sinh viên mới chân ướt chân ráo mới ra thành phố học tập. Một số chủ nhà trọ cho biết, họ thích cho những sinh viên mới lên thành phố học thuê trọ hơn, vì “tụi nó mới ở quê lên nên còn ngoan, không hay cãi như tụi sinh viên cũ nên dễ quản lý hơn”.
Đó là những trường hợp không có hợp đồng thuê trọ. Nhưng kể cả khi có hợp đồng thuê trọ đàng hoàng trong tay, nhiều sinh viên vẫn phải ngậm đắng nuốt cay bởi những quái chiêu của chủ trọ.
Lan - sinh viên năm hai Cao đẳng Sư phạm Hà Nội - kể lại: “Mình cùng bạn thuê trọ một phòng khá rộng rãi, thoáng mát nên hai đứa có dự định sẽ ở lâu dài, đỡ phải chuyển qua chuyển lại nhiều. Khi đến ở trọ, bọn mình đã làm hợp đồng đầy đủ với chủ trọ rồi, cứ nghĩ là sẽ yên ổn mà ở. Ai ngờ khi thuê trọ được một năm, sau đợt nghỉ hè, mình từ quê lên thì bị bà chủ nhà yêu cầu bắt buộc phải chuyển đi nơi khác với lý do “để sửa lại phòng cho tốt hơn rồi sau đó sẽ cho ở trọ tiếp”. Kỳ thực, mình biết bà chủ nhà đang muốn đuổi khéo mình đi để bà cho những người mới đến thuê trọ với giá cao hơn giá cũ trong hợp đồng mình đã ký. Biết bà ta làm như vậy là không đúng nhưng cũng không biết cãi thế nào cho được”.
Sinh viên muốn chuyển nhà trọ cũng vô cùng gian nan
Thực tế, nhiều sinh viên đã xác định khi phải thuê trọ thì “quyền lực” nằm trong tay chủ trọ. Sinh viên dù đúng vẫn không thể cãi được với những “luật rừng” mà chủ nhà trọ đưa ra.
Những bạn sinh viên trong các ví dụ kể trên thì bị đuổi đi không thương tiếc, nhưng ngược lại, nhiều bạn muốn chuyển đi thì lại gặp hàng loạt những khó khăn mà chủ nhà gây ra.
Loan - sinh viên năm 3 Đại học Thương mại – buồn rầu kể lại câu chuyện của mình. Hồi sinh viên năm nhất, Loan đi tìm các khu trọ ở cùng chủ nhà. Tìm được một phòng sạch sẽ, thoáng mát nên Loan khá ưng ý. Cô nghĩ ở với chủ nhà sẽ không phải lo trộm cướp và sẽ hạn chế bạn bè đến chơi để dành nhiều thời gian cho việc học.
Nhiều sinh viên phải liên tục chuyển chỗ trọ vì gặp phải những chủ nhà "quái ác".
Nhưng sau một vài tháng ở đây, Loan thấy có nhiều điều bất tiện khi ở cùng chủ nhà. Gia đình họ thường xuyên cãi lộn ầm ĩ cả ngày, lại nhiều trẻ con hay nô đùa nên nhiều khi Loan muốn tập trung học cũng không được. Bà chủ nhà thì hay để ý, xét nét nên Loan muốn chuyển đi chỗ trọ khác. Hết tháng, cô lên xin chuyển nhà với ông chủ và đã được đồng ý. Nhưng đến tối, bà chủ về và vào khuyên răn, năn nỉ Loan ở lại nhưng cô vẫn nhất quyết chuyển đi.
Sau buổi nói chuyện với chủ nhà, tưởng rằng đã xong chuyện, Loan và bạn cùng phòng đóng gói đồ đạc để chuyển phòng. Thế nhưng, khi hai người đang chuyển phòng thì bà chủ nhà nhất quyết ngăn cản, không cho chuyển đi.
Trong khi Loan đang lúi húi dọn đồ trong phòng, bà chủ nhà chạy đến chốt cửa ngoài, nhốt Loan trong phòng. Bà chủ nhà dọa: Nếu muốn chuyển đi phải đóng nguyên một tháng tiền trọ mới vì để phòng trống. Còn không thì chỉ được mang người ra khỏi nhà bà ta và để hết đồ đạc lại. Khi ấy, trong phòng Loan còn hai chiếc laptop, một bình ga, bếp ga và quạt… Không có hợp đồng, không đăng ký tạm trú, Loan thực sự bị đưa vào thế bí. Nếu không đưa tiền cho bà ta thì sẽ mất tất cả những đồ đạc có giá trị trong phòng.
Cuối cùng, Loan và bạn đành chấp nhận trả tiền ở trọ một tháng cho bà chủ nhà và ngậm ngùi chuyển đồ đạc đi.
Đi ở trọ là những câu chuyện chẳng bao giờ kể hết. Những câu chuyện trong bài viết chỉ là một vài trong số rất nhiều những nỗi khổ mà sinh viên gặp phải khi bị chủ nhà trọ "hành". Việc phải đối phó với hàng loạt những chiêu trò của chủ trọ cũng là những bài học đầu đời và là những kinh nghiệm xương máu cho các bạn sinh viên khi bắt đầu cuộc sống tự lập.