Những công trình đã hơn 100 năm tuổi nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, thanh lịch giữa lòng Sài Gòn hiện đại và tấp nập.
Nhà hát cổ nhất
Ở TP.HCM có lẽ không ai không biết đến Nhà hát lớn thành phố. Nhà hát lớn do người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem.
Năm 1956, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát thành phố với 750 chỗ ngồi. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn–TP.HCM, toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài Nhà hát được phục chế lại như nguyên mẫu ban đầu.
Hiện nay, nhà hát là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn của TP.HCM.
|
Kiến trúc của Nhà hát lớn TP.HCM từ ảnh tư liệu
|
|
Nằm ngay tại trung tâm TP.HCM, kiến trúc của Nhà hát thành phố hiện nay không có nhiều thay đổi so với ban đầu
|
|
Kiến trúc mặt ngoài của Nhà hát thành phố
|
Khách sạn cổ nhất
Khách sạn Continental là khách sạn cổ nhất của đất Sài Gòn xưa với hơn 130 năm tuổi đời. Khách sạn nằm tại 132-134 Đồng Khởi, quận 1, được xây dựng năm 1880 do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Cho đến nay, tên khách sạn vẫn được giữ nguyên như những ngày đầu dù ngày giải phóng đã có lần đổi thành khách sạn Hải Âu. Continental có diện tích 3.430 m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng…
|
Khách sạn cổ nhất Sài Gòn trong một tấm ảnh cũ do khách sạn Continental cung cấp
|
|
Khách sạn Continental nhìn từ một góc đường
|
|
Một phòng họp báo bên trong khách sạn
|
Ngôi trường cổ nhất
Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM được xây dựng vào năm 1874 và hoàn thành 3 năm sau đó. Ban đầu, trường do người Pháp quản lý và có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseluop Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau.
Năm 1967, trường được trả cho người Việt mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ năm 1975 đến nay đổi tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Hơn một thế kỷ qua trường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu.
|
Cổng trường Lê Quý Đôn phía đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày trước
|
|
Cổng trường phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay
|
|
Một góc sân trường
|
|
Học sinh THPT Lê Quý Đôn giờ tan học
|
Nhà văn hóa cổ nhất
Cung Văn hóa Lao Động được xem là Nhà văn hóa cổ nhất tại TP.HCM. Năm 1866, với tên gọi Cèrcle Spertif Saigonnais, nhà văn hóa này có sân thể thao của quan chức người Pháp với những hồ bơi, sân quần vợt, phòng đấu kiếm và phòng nhảy đầm.
Trước đây, sân chơi được mở rộng hơn phục vụ cho cả giới quý tộc. Sau này, Nhà văn hóa được giao lại cho Liên đoàn Lao động TP.HCM và trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao và vui chơi giải trí cho công nhân lao động, lấy tên là Câu lạc bộ Lao Động, sau đổi thành Nhà văn hóa Lao Động, và rồi là Cung Văn hóa Lao Động.
Diện tích 2,8 ha, với 145 năm hình thành và phát triển, Cung Văn hóa Lao Động là Nhà văn hóa cổ và lớn nhất của TP.HCM.
|
Cung Văn hóa Lao động trước đây chỉ dành cho giới thượng lưu
|
|
Mặt trước và mặt sau của Cung Văn hóa Lao động hiện nay
|
|
Hiện nay, Cung văn hóa Lao động là nơi vui chơi luyện tập thể thao của nhiều bạn trẻ
|
Công viên lâu đời nhất
Thảo Cầm Viên do người Pháp xây dựng năm 1864, nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp Louis Pierre làm giám đốc đầu tiên. Mục đích xây dựng Thảo Cầm Viên để ươm cây giống trồng dọc các đại lộ Sài Gòn, đồng thời là nơi nuôi trồng những động thực vật vùng nhiệt đới mà các Thảo Cầm Viên của Pháp chưa có.
Động vật của Thảo Cầm Viên khá phong phú như: gà lôi, sếu, cu gáy, hồng hoàng, công, hươu, nai, cọp, khỉ, chồn hương, tắc kè, rùa, cọp xám, đóm đen, gà lôi xanh, chim cú lợn…
Hiện nay, công viên lâu đời này có hàng trăm động vật, hàng ngàn loài thực vật diện tích hơn 21.000 m2. Thảo Cầm Viên đã tròn 147 tuổi, số lượng động thực vật ngày càng tăng, nơi đây đã gắn bó với từng bước đi lên của TP.HCM và là một trong những công viên khoa học lớn nhất Đông Dương.
|
Mặt trước của Thảo Cầm Viên
|
|
Tượng ông Louis Pierre, giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên
|
|
Voi ở Thảo Cầm Viên
|
|
Con đường dẫn chính dẫn vào Thảo Cầm Viên
|
Đặng Sinh - Xuân Hường
Theo Bưu Điện Việt Nam