Nhiều người cho rằng mục đích duy nhất của việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc là nhằm độc chiếm trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở Biển Đông. Nhưng thực tế, những giọt “vàng đen” đó chỉ là cái cớ để Trung Quốc mưu đồ tham vọng khác.
Theo quyết định thành lập “thành phố Tam Sa” phi lý và gây bất bình của Trung Quốc, phạm vi quản lý hành chính của thực thể này bao trùm trên diện tích lên tới 2 triệu km2, chiếm gần 2/3 trên tổng số diện tích 3,5 triệu km2 ở Biển Đông, trong khi dân số chỉ có khoảng hơn 900 người.
Trung Quốc tuy không nói ra nhưng đã khéo leo “tung hỏa mù” bằng cách lợi dụng “miệng lưỡi” của một số nhà hoạt động để tuyên truyền rằng mục đích “lấn chiếm” Biển Đông của Bắc Kinh là vì trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở vùng biển vốn có nhiều tranh chấp này.
Tuy nhiên, đây chỉ là cái cớ bề ngoài, là phần nổi của tảng băng chìm mà Trung Quốc đang tham lam hướng tới.
Vì theo đánh giá của các nhà khoa học, để có đủ công nghệ và tiềm lực khai thác “mỏ vàng đen” ở Biển Đông, Trung Quốc ít nhất cũng phải mất 20 năm nữa. Đó là chưa kể phải đổ “một đống tiền vàng” vào việc phát triển công nghệ khai thác dầu mỏ ở biển sâu và đào tạo đội ngũ kỹ sư đủ trình độ.
Quãng thời gian đó và số tiền bỏ ra đó tốn kém hơn nhiều so với việc nước này dốc sức vào việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng, vừa bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Vậy mưu đồ thực sự của Trung Quốc là gì?
Trên thực tế, mục tiêu thực sự của Trung Quốc là dọn đường cho việc trở thành một siêu cường hải quân trên thế giới.
Mặc dù trong hai thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã không tiếc tiền của khi liên tục tăng chi tiêu quân sự và quốc phòng ở mức hai con số nhằm đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa lực lượng quân đội hùng hậu của nước này, song thực tế đến nay, lực lượng hải quân của nước này vẫn chưa thực sự mạnh.
Hiện hải quân Trung Quốc vẫn chưa có tàu sân bay hiện đại và mới chỉ có 1 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn, 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 48 tàu ngầm thông thường. Tuy nhiên, tất cả các tàu này của Trung Quốc mới chỉ “hoạt động loanh quanh” ở những vùng biển gần bờ.
Trong khi đó, để trở thành một cường quốc hải quân như tham vọng đặt ra, bên cạnh việc tăng cường mua sắm các trang thiết bị hiện đại, còn một yếu tố cực kỳ quan trọng khác mà Trung Quốc không thể thiếu là phải có không gian cho các hoạt động diễn tập của hải quân.
Bởi muốn vươn ra biển lớn, hải quân Trung Quốc phải tiến hành rất nhiều cuộc diễn tập ở vùng biển sâu, những vùng biển hoàn toàn nằm trong phạm vi kiểm soát của Bắc Kinh, hòng né tránh sự “nhòm ngó” và thậm chí “phá bĩnh” của các nước vốn không ưa sự trỗi dậy đầy hung hăng của Trung Quốc.
Theo tính toán của Bắc Kinh, hải quân Trung Quốc không thể mạo hiểm cứ thế tiến ra biển lớn, tiến ra đại dương khi chưa có một ngày được huấn luyện, tập dượt. Trung Quốc không thể mạo hiểm “quăng tiền qua cửa sổ” khi mỗi chiến hạm hay tàu sân bay trị giá tới hàng tỉ USD. Và quan trọng nhất, Trung Quốc không muốn tiếp tục kéo dài thời gian phấn đấu trở thành cường quốc hải quân lớn.
Bởi vậy mà nước này đã trắng trợn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, rồi nhanh chóng nâng cấp thành “thành phố cấp khu vực” và thiết lập một đơn vị quân đội đồn trú, bất cấp luật pháp quốc tế cũng như sự phản đối của các nước trong và ngoài khu vực.
Nguồn: Dân Trí
__________________