Nhất là khi biết con giờ là một thợ mộc lành nghề, nói năng đĩnh đạc, suy nghĩ chín chắn thì Nguyễn Đình Chiến, sinh năm 1968, quê Mộc Châu, Sơn La cảm thấy như được tiếp thêm nội lực để có quyết tâm hơn cho những ngày trở về.
Làm liều vì túng
Chiến là một trong số hàng trăm phạm nhân có mức án dài đang cải tạo ở trại giam Nam Hà. Tuy nhiên, anh ta lại là một trong số ít những kẻ đặc biệt may mắn bởi hai lần phạm tội về ma túy song vẫn được tha tội chết.
Lần đầu bị kết án 14 năm tù, cải tạo được gần một nửa thời gian thì Chiến được đặc xá. Lần thứ hai, Chiến lại “ngựa quen đường cũ”, bị kết án tử hình nhưng may mắn vẫn đến với anh ta để có cơ hội sống như bây giờ. Chiến bảo cũng tại gia cảnh thời điểm đó quá túng quẫn nên mới làm liều chứ cũng không tham gia vào đường dây nào cả.
Quê Chiến ở Bắc Ninh nhưng từ lúc sinh ra, Chiến chỉ biết có mảnh đất Mộc Châu, bởi điều kiện kinh tế ngặt nghèo nên cha mẹ anh ta chưa một lần dắt con cái về quê nhận họ hàng. Vẫn được học hành dù nhà đông anh em song việc tăng gia sản xuất vẫn là chính nên mấy anh em Chiến chẳng ai học qua cấp tiểu học. Đến tuổi trưởng thành, Chiến lấy vợ, công việc chính vẫn là làm ruộng, ngoài ra thi thoảng chạy xe ôm kiếm thêm.
Lần đầu tiên đi tù, thời điểm đó cả nhà Chiến như có “dớp”. Vợ sảy thai còn chưa lại sức thì hai người em trai chết vì đi đánh cá bằng kích điện. Đau đớn bất ngờ khiến bố Chiến đột quỵ.
Chỉ còn mình anh ta xoay sở và trong lúc túng quẫn, Chiến nghe lời ngon ngọt của đám nghiện trong vùng, đi mua ma túy về bán cho chúng. Chưa được bao lâu thì Chiến bị bắt.
Việc làm của Chiến cộng với những ngặt nghèo về kinh tế trong gia đình đã khiến bố Chiến không còn sức chống chọi với bệnh tật. Ngày Chiến hầu Tòa, ông bố mất trước đó mấy ngày. Nhìn vành khăn trắng trên đầu vợ, con, Chiến xót xa, ân hận.
Phạm nhân Nguyễn Đình Chiến
Tưởng sau lần đó, Chiến tỉnh ngộ, ai ngờ anh ta tiếp tục dính chàm. Trở về nhà vẫn nghề chạy xe ôm kiếm sống, Chiến như muốn quên đi quá khứ tội lỗi cho đến một ngày ế khách.
Cả ngày hôm đó (ngày 24/4/2004) đứng mãi mà chẳng có khách nào thuê chở, Chiến cố nán tới đêm thì được một người đàn ông nhờ chuyển hộ gói hàng tới bến phà Vạn Yên, cách đó khoảng 3km với tiền công là 4 triệu đồng.
Mấy năm sống trong tù đã dạy Chiến hiểu rằng chẳng có ai bỗng dưng hào phóng bất thường nếu như không có chuyện khuất tất nên đã hỏi người đàn ông kia về gói hàng. Biết không thể giấu, ông ta bảo đó là ma túy và năn nỉ Chiến giúp đỡ, sẽ ứng trước một khoản tiền để làm tin. 4 triệu đồng và một đoạn đường chỉ mất khoảng nửa tiếng đồng hồ đã khiến Chiến do dự.
Anh ta nhận gói hàng, giấu vào lưng áo rồi phóng xe vút đi nhưng chuyến hàng ấy đã không đến được điểm hẹn.
Những lá thư thức tỉnh
Bị Công an Mộc Châu bắt quả tang với 3 bánh heroin giấu trong người, Chiến không thể đổ tội cho ai khác ngoài chấp nhận bản án tử hình.
“Hôm bị bắt rồi bị đưa ra xét xử, biết mình khó tránh khỏi tội chết, em chỉ im lặng, không van xin gì cả vì cũng nắm sơ sơ được luật rồi”, Chiến kể. Nhưng lòng ham sống đã thôi thúc Chiến viết đơn kháng án với hy vọng “còn nước còn tát”.
Xử lần hai vẫn y án, Chiến buồn bã đếm ngược thời gian, chờ ngày thi hành án, trong lòng chỉ một nỗi ân hận chưa hoàn thành trách nhiệm làm con với cha mẹ. Đúng lúc đó thì cậu con trai đang học lớp 3 viết thư vào cho Chiến, thôi thúc anh ta viết thư xin ân xá.
Những lời lẽ thống thiết, đầy ân hận, sám hối của Chiến rồi cũng được chấp nhận. Được tha tội chết, Chiến không thể quên ngày 9/6/2005, được tái sinh lần nữa.
Về trại giam Nam Hà thi hành bản án chung thân, Chiến ít được gia đình thăm nuôi vì gia đình ở xa nhưng anh ta không lẻ loi vì cậu con trai vẫn đều đặn viết thư thăm bố. Trong thư, cậu bé kể chuyện gia đình, hàng xóm dù rất lộn xộn nhưng cũng đủ để Chiến biết được tình hình quê nhà và cảm động tới chảy nước mắt.
Chiến như tìm thấy mục đích sống nên từ một phạm nhân luôn tìm cách trốn việc, có thái độ chống đối, đã chăm chỉ làm việc, thậm chí còn hăng hái xin vào làm ở những nơi vất vả nhất như trồng rau, làm ruộng.
Kể về gia đình, anh ta khoe con trai giờ đã là một thợ mộc lành nghề. “Con trai tôi bảo chỉ đi làm thuê một thời gian nữa để tích cóp thêm kinh nghiệm, đợi khi nào tôi về sẽ mở xưởng mộc tại gia đình để bố con cùng làm. Tôi mừng lắm vì con mình thế là đã trưởng thành”, Chiến hào hứng.
8 năm trôi qua, chừng ấy thời gian đón Tết trong trại giam, với Chiến đó là cái giá phải trả mà anh ta phải chấp nhận. Chiến bảo dù sao thì anh ta vẫn là người may mắn bởi chẳng có mấy người đàn ông đi tù với mức án dài mà vợ con vẫn còn quan tâm, lo lắng.
Nhiều lần chứng kiến cảnh bạn tù vào trại chưa được bao lâu, vợ đã mang đơn vào đòi chia tài sản, đòi ly hôn, Chiến lại lo cho mình, sợ một ngày nào đó vợ con quay lưng thì không biết sẽ bấu víu vào đâu khi trở về.
“Tôi chỉ biết cầu mong vợ con tha thứ cho mình, chấp nhận tôi để tôi có cơ hội làm lại cuộc đời. Mà nếu vợ con tôi bỏ mặc thì tôi cũng phải chấp nhận vì lỗi là ở mình”, Chiến giãi bày. Thế nên còn được nhận thư của con trai là Chiến còn hy vọng và đó cũng chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để người bố tội lỗi như Chiến thêm quyết tâm hơn trên bước đường cải tạo. Mong sao Chiến vẫn tiếp tục nhận được thư của con trai, tôi thầm mong như thế khi chia tay phạm nhân này.
Theo : Dân Trí.