Đã có thêm hàng chục lá thư tố giác vợ chồng Phan Cao Trí, chủ hệ thống massage Tân Hoàng Phát, gửi đến cảnh sát. Những dòng chữ nguệch ngoạc, đầy tủi nhục của những cô gái trẻ cho thấy thêm sự man rợ của vợ chồng Trí.
Đến ngày 14/12, những lá thư tố cáo hành vi man rợ của cơ sở massage Tân Hoàng Phát đối với nhân viên vẫn lần lượt được gởi đến Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC14), Công an TP.HCM, khiến hồ sơ của vụ này thêm dày cộm, và danh sách nạn nhân cứ kéo dài thêm.
Mỗi lá thư, nét chữ là mỗi thân phận, nhưng có chung một nỗi tủi nhục đều bộc bạch rõ sự uất ức sau mỗi dòng kể lại những việc làm man rợ mà vợ chồng Trí và đàn em đã đầy đọa họ, những cô gái trẻ mới bước ra cuộc đời chỉ muốn có một việc làm mưu sinh.
“Quá dã man!”
“Mỗi lần tiếp nhận thêm đơn tố cáo, mỗi lần đọc lại nội dung, lại càng thấy nổi da gà vì những việc làm của Tân Hoàng Phát với nhân viên, quá dã man!”, một cảnh sát đang thụ lý hồ sơ nói.
Nhưng điều trớ trêu, những việc làm xem thường đạo lý, pháp luật của Tân Hoàng Phát đã tồn tại thời gian dài mà không hề bị phát hiện, cho đến khi PC14 vào cuộc. Ngay cả chính quyền địa phương vẫn tỏ ra ngơ ngác trước thông tin động trời sau khi vụ việc bị phanh phui.
“Trong thời gian làm việc một năm, tôi và nhiều cô gái bị giam lỏng, không cho ra ngoài, lúc nào cũng có người canh giữ. Chúng tôi bị ép buộc phải kích dục đối với khách hàng, nếu không sẽ bị đánh đập. Còn ai có ý định bỏ trốn liền bị đánh đập và lao động khổ sai”, cô Trần Thị Mây (*) kể lại trong đơn.
Vì không được ra ngoài, nên mọi nhu cầu mua sắm đồ dùng cá nhân đều phải mua lại của bà Yến (vợ của Trí) với giá cao hơn bên ngoài nhiều lần, nhưng đành cắn răng chịu đựng. Cuộc mưu sinh quá cực khổ như bị đày ải ở địa ngục, nên nhiều cô gái đã thực hiện các cuộc bỏ trốn.
Phan Cao Trí (ảnh nhỏ phải), Phan Viết Hậu (em vợ Trí, ảnh nhỏ trái), cùng số đàn em, khẩu súng dùng đe dọa nhân viên massage ở Tân Hoàng Phát và đơn tố cáo Trí. Ảnh: P.C
“Vào khoảng 2h một ngày trong tháng 8/2007, khi được chở về nhà sau một ngày làm việc mệt mõi, tôi lợi dụng lúc đàn em của ông Trí ngủ say, leo cửa sổ qua nhà bên cạnh để bỏ trốn. Nhưng không may bị trượt chân té từ lầu 2 xuống, khiến tôi bị chấn thương cột sống và bảo vệ của ông Trí bắt lại”, cô Nguyễn Thị Trâm (*) tường thuật.
Sau khi bị bắt, vừa té đau lại bị Phạm Viết Hậu (em vợ Trí, quản lý cơ sở massage Tân Hoàng Phát) đập liền vào mặt 3 phát khiến cô Trâm muốn ngất đi. Trâm được đưa đến bệnh viện sau đó và bị quản lý nghiêm ngặt hơn.
Quá hãi hùng với “ổ quỷ” Tân Hoàng Phát, Trâm xin phép được nghỉ làm, về quê. Nhưng đường về của Trâm và nhiều cô gái khác muốn thoát khỏi “ổ quỷ” này không hề đơn giản, lại phải đối mặt với lối hành xử du côn, đậm chất xã hội đen mà trước đây chỉ được thấy qua phim ảnh.
Đường về gian nan
Để thoát khỏi “ổ quỷ” Tân Hoàng Phát, mỗi nhân viên phải đóng tiền “chuộc người” 15 – 20 triệu động. Nhưng khi đã đóng đủ tiền cho Trí, nhân viên chưa hẳn đã thoát, mà còn phải trải qua thêm vài ngày lao động khổ sai trước khi bước ra khỏi “địa ngục”.
Sau khi xuất viện, Trâm trở lại làm việc được 15 ngày, rồi gọi mẹ lên xin về. Ông chủ Trí nói, nếu muốn nghỉ thì phải đóng 20 triệu và gọi cho Phan Quốc Cường (SN 1977, quản lý cơ sở massage 216, thuộc Tân Hoàng Phát) xử lý vụ này.
Trâm gọi mẹ mang tiền chuộc từ Đồng Tháp lên và đưa cho Cường. Sau khi nhận đủ tiền, Cường bảo mẹ Trâm về trước, còn cô vài hôm sau mới được về. Quá ngạc nhiên, mẹ Trâm vặn hỏi thì Cường quát rằng, Trâm vi phạm nội quy của Tân Hoàng Phát, nên phải ở lại lao động 5 ngày mới được về.
Nạn nhân của Phan Cao Trí và đơn thư tố cáo. Ảnh: P.C
Chẳng hiểu mình đã vi phạm điều gì, sau này hỏi ra, Trâm mới biết vì đã không xin phép Cường mà vượt cấp lên ông Trí nên bị phạt. Cô phải quét dọn nhà vệ sinh và làm lao công quần quật suốt 5 ngày cho cả tòa nhà 216, từ sáng sớm đến tận khuya.
Trâm không phải là trường hợp duy nhất, với Nguyễn Thị Hà (*), những ngày làm việc tại Tân Hoàng Phát là ký ức kinh hoàng trong cuộc đời cô gái 19 tuổi với những trận bị đánh đập, dọa bắn vào đầu và bị nhốt vào chuồng chó. Từ cầu xin, rồi dùng chính sinh mạng của mình để đe dọa tự vẫn ngay trong nhà của Trí, cô mới có cơ hội thoát thân, sau khi đã mềm mình vì bị đánh đập.
Cha của cô nhớ lại, “nó (Hà) đã cầu xin ông Hậu (Phan Viết Hậu, em vợ của Trí, làm quản lý – PV) cho nghỉ việc, nhưng không được, họ bắt phải đóng tiền chuộc. Nó điện thoại về, nói nếu cha không cứu con ra khỏi đó, chắc nó tự tử, chứ không sống nổi!”.
Rồi đến lượt cha của Hà ngược từ Hậu Giang lên nài nỉ Trí tha cho con mình. Ông phải đóng 15 triệu đồng để được chuộc đứa con mình về. Cũng như nhiều cô gái khác, sau bao nhiêu năm, tháng làm việc như trâu ngựa cho Trí, họ trở về với hai bàn tay trắng, thậm chí còn sinh nợ.
Thân phận của những cô gái trẻ nghèo sẽ chẳng biết ra sao nữa, nếu như sự can thiệp của cảnh sát chậm hơn thêm một khoảng thời gian.
Tuy nhiên, điều mà ai cũng thấy, nếu như chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn, thì đã chẳng có những thân phận bị đày đọa một cách man rợ như vậy, giữa thành phố được xem là văn minh nhất cả nước.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.