Gỏi cá trích
Gỏi cá trích chắc chắn sẽ là lựa chọn đầu tiên của bất cứ du khách nào khi đặt chân tới Phú Quốc. Món gỏi ngon lành này được chế biến từ những con cá trích béo tròn, tươi ngon mới được bắt.
Cá được đánh vảy, làm sạch rồi lóc lấy phần thịt phi lê, trộn cùng dừa nạo, hành tây thái mỏng, hành tím và ớt thái sợi. Món nước chấm chính là điều làm nên sự đặc biệt của món gỏi này, nước chấm được làm từ loại giấm nuôi bằng trái ổi chín trên đảo nên sẽ có vị chua thanh cùng hương thơm nhẹ, hòa quyện với vị ngọt của cá tươi, giòn hăng của hành tây, tạo nên một món ngon tuyệt vời.
Mực trứng nướng
Mực trứng là những con mực to hơn ngón tay cái người lớn, dài gần bằng gang tay, có ở các vùng biển miền Trung, nhưng tập trung nhiều nhất là ở vùng biển Phú Quốc. Thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch là mùa mực trứng rộ nhất.
Mực trứng rửa sạch, ướp với muối ớt, dầu ăn để trong khoảng 15 phút cho ngấm đều gia vị. Sau đó xếp mực đã ướp lên vỉ và nướng trên bếp than hồng. Nướng thật đều hai mặt, khi thấy thân mực săn lại, căng lên, có màu vàng cùng hương thơm tỏa ra là mực đã chín. Ăn nóng với nước mắm hoặc muối tiêu chanh, kèm theo ít dưa leo và rau răm.
Bánh tét mật cật
Đây là món bánh “độc quyền” một trong những đặc sản Phú Quốc, của huyện đảo này. Thường người ta chỉ dùng lá mật cật để chằm nón lá, chẳng hiểu vì lí do gì mà dân ở đây lại dùng nó gói bánh tét thành đòn hình tam giác.
Lá mật cật hẹp, không to như lá chuối nên phải thật khéo léo. Và cảng phải cẩn thận vì bánh được cột bằng gân lá, chẳng thể nào mềm như lạt tre. Buộc chặt quá thì bánh chín không đều, lỏng quá thì bánh nong nước, nhão.
Cũng là chiếc bánh tét bình thường với nếp, nhân đậu xanh, thịt heo thôi nhưng gói bằng thứ lá đặc biệt này làm cho bánh cũng mang vẻ đặc biệt hơn.
Bánh mang màu xanh ngọc bích của nước cốt lá ngót và lá dứa ngon lành, thêm mùi thơm lừng khó cưỡng. Khi ăn, gạo quyện với nhân đậu xanh bùi, thịt mỡ béo, mùi lá dứa thơm, rất tuyệt vời.
Còi biên mai nướng
Cả con sò biên mai to, nhưng thịt nhão, không ngon, mọi tinh túy chỉ tập trung vào hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh con sò, gọi là “còi”.
Từ lóng thịt chắc này, người ta chế ra vô vàn các món nhưng đặc biệt ngon và giữ vị thì phải là coi biên mai nướng. Dù là nướng không hay nướng muối ớt thì cùng đậm đà. Vừa hàn huyên, vừa cầm từng xâu còi mai tươi hoặc ướp muối hạt to, đã được đâm nhuyễn vào đó mấy trái ớt đỏ tươi, nướng trên than hồng là trải nghiệm khó quên.
Người nướng phải khéo léo, không để lâu quá làm còi bị khô, cứng, chỉ cần vừa chuyển vàng là được. Khi ăn, còi biên mai kết hợp với chao, rau húng, diếp cá, xà lách, chuối chát, dưa leo…
Từng miếng còi giòn dai và ngọt quyện với cái mặn mòi của muối hột, cay xé lưỡi của ớt tươi và thơm đặc biệt của chao, rau thơm cho cảm nhận tròn vị khó tả.
Nhum Phú Quốc
Họ hàng với trai, sò… nhum có nhiều loại: nhum mỡ, nhum ta… Chả nhum-một món ngon khó quên. Cho thịt nhum tươi vào cái tô lớn, thêm một ít gia vị như tiêu, hành, nước mắm rồi đánh nhuyễn, sau đó đổ vào chảo dầu chiên. Khi miếng chả vàng ruộm, bốc mùi thơm, vớt ra, để ráo. Dùng với bánh đa (bánh tráng dày nhiều mè), rau sống, chuối chát xắt mỏng, sẽ cho một bữa ngon nhớ đời. Tuy nhiên, ngon nhất là làm mắm.
Bào ngư nướng
Bào nướng là món ăn khá đắc tiền ở Phú Quốc, tuy vậy nhưng ai đã đến thì đừng quên thưởng thức món này vì nó không những ngon mà còn rất bổ dưỡng. Những con bào ngư được đem lên từ đáy biển sâu và qua một số công đoạn chế biến mới trở thành món trông vô cùng hấp dẫn và cho thực khách thưởng thức.
[size=7]Bánh canh chả cá Phú Quốc[/size]
[justify]
[size=6]Bánh canh Phú Quốc hay bánh canh chả cá Phú Quốc là món ăn mà những du khách không thể bỏ qua khi đến Đảo Ngọc Phú Quốc.[/size]
Bánh canh Phú Quốc nổi tiếng trước hết là nhờ sử dụng cá thu hoặc cá nhồng được các tàu cá đánh bắt ngoài biển còn tươi. Loài cá này có hương vị đặc biệt, vừa ngon ngọt lại rất bổ dưỡng, phù hợp với khẩu vị của mọi lứa tuổi. Ngoài thịt cá, người ta còn cho vào tô bánh món chả cũng được làm bằng cá thu (cá nhồng) vừa mềm vừa dai, hương vị rất đặc biệt. Sợi bánh canh bột lọc Phú Quốc cũng được chế biến khá công phu. Trước tiên, người ta lấy khoai mì làm thành bột, nhào bột này với nước nóng rồi cán thành miếng dẹt, xắt thành sợi. Sau đó cho sợi bánh vào nồi nước sôi, dùng đũa to đảo vài lần thì vớt ra. Sợi bánh canh ngon phải đạt các tiêu chí: trong, trắng, mềm, dai… Nhưng như thế chưa đủ. Bí quyết để tạo ra tô bánh canh thơm ngon, đậm đà chính là nhờ nồi nước súp. Muốn có tô bánh canh ngon, nước súp phải được nấu bằng nước mưa thiên nhiên với xương ống và thịt heo bằm, cùng với xương cá thu được tận dụng sau khi đã lóc hết thịt cá. Cần lưu ý nồi súp lúc nào cũng phải được giữ sôi, hớt bọt liên tục để nước được trong.
Theo nhiều thực khách, sở dĩ món bánh canh cá thu Phú Quốc được ưa thích là do sự phối hợp hương vị giữa cá với thịt heo, giữa độ ngọt và béo, giữa gia vị và tài nêm nếm nước súp của chủ quán. Một ít sợi bánh canh, vài lát thịt cá thu trắng tinh, ít chả cá thu tươi, vài viên thịt heo bằm và mấy miếng cá thu chiên vàng, xắt thành từng miếng nhỏ; thêm vào hành lá, hành củ, rắc thêm ít tiêu và ngò; bên cạnh là chén nước mắm Phú Quốc cốt pha với chanh ớt khiến thực khách ăn no rồi vẫn còn vấn vương, chưa muốn dời chân.
Nhiều người còn cho biết họ “ghiền” món này bởi ngoài hương vị ngọt thơm của cá thu và nước mắm, sợi bánh canh bột lọc Phú Quốc còn tạo cảm giác dai dai, mềm mềm, rất khó quên. “Bánh canh bột lọc cá thu Phú Quốc phải ăn vào buổi sáng sớm, lúc tô bánh còn nóng hổi mới thưởng thức hết sự nồng nàn, lãng mạn của nó”.[/justify]
[justify] [/justify]