Không khó để tìm món ăn ngon của miền Bắc ở Sài Gòn, từ món ăn chơi như phở cuốn, nem chua chiên đến những món ăn chính như cơm Bắc, phở, miến, bún… Trong đó, bún là món ăn phong phú và đa dạng nhất với nhiều thể loại như: bún chả, bún ốc, bún đậu mắm tôm, bún mọc… mỗi món mang đến cho người ăn một hương vị ngon miệng khác nhau.
Bún chả
Bún chả là món ăn nổi tiếng của Hà Nội, mỗi khi nghe nhắc đến bún chả Hà Nội, người ta sẽ hình dung ra một món ăn đậm đà với các nguyên liệu quen thuộc như bún, thịt nướng, chả và nem. Bát bún chả hấp dẫn, thơm mùi quyến rũ của thịt và chả được nướng vừa chín tới. Nước mắm được pha vừa ăn, có vị béo của thịt, những lát đu đủ xanh, cà rốt đỏ ăn kèm có độ giòn, mềm cho bạn cảm giác ngon miệng.
Bún chả Hà Nội thường ăn kèm với các loại rau sống mang đậm hương vị của xứ Bắc như: xà lách, kinh giới, húng quế… các loại rau này khi ăn kèm với bún chả cho bạn cảm giác ngon miệng và đỡ ngấy hơn.
Có rất nhiều quán bún chả nổi tiếng ở Sài Gòn như: bún chả đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), khu sân bay đường Hồng Hà (quận Tân Bình), quán lề đường Nguyễn Văn Thủ (quận 1)…
Bún thang
Tuy không phổ biến như các loại bún, miến, phở khác của Hà Nội ở Sài Gòn nhưng bún thang cũng là một món ngon được nhiều người yêu thích. Với những người sành ăn, bún thang là sự hòa trộn của vị, sắc và hương.
Ăn bún thang một lần rồi sẽ nhớ mãi, nhớ bát bún nhiều màu sắc, nhớ vị cay nồng của ớt, tỏi, vị ngọt của xương trong nước dùng. Đó còn là mùi thơm ngào ngạt của bát nước dùng bốc khói nghi ngút hấp dẫn người ăn… Vì lẽ đó, món bún thang đã trở thành một món ngon đặc sản Hà thành hấp dẫn thực khách.
Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món bún hấp dẫn này tại quán Hà Thành, số 2 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, quán Thanh Thảo, 176/13 Lý Tự Trọng, quận 1 hoặc quán Chiều Hà Nội, 175 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình.
Bún mọc
Bún mọc được chế biến khá đơn giản, có thành phần chính là sợi bún nhỏ và mọc (tên gọi khác của người Bắc dùng để gọi giò sống). Phần mọc thường được chế biến thành 3 loại khác nhau như: giò sống vo thành viên nhỏ, nấu chín trong nước dùng; giò sống vo viên chiên vàng; giò sống trộn với nấm hương, vo viên nấu chín.
Bên cạnh phần mọc, người ta còn cho thêm một lát giò lụa, chả và một khúc sườn non. Thoạt nhìn thấy bún mọc có vẻ đơn giản nhưng lại thể hiện được sự tinh tế của người miền Bắc. Điều đó được chứng minh qua các thành phần của món ăn, được chế biến hoàn toàn từ thịt heo nhưng mỗi nguyên liệu lại mang đến cho người ăn một cảm giác ngon miệng khác nhau.
Nước dùng bún mọc có màu trong suốt, được nấu từ nước hầm xương nên mang lại vị ngọt thanh làm tăng thêm hương vị thơm ngon, đậm đà cho món ăn. Rau ăn kèm bún mọc là những loại rau như: rau muống chẻ, bắp chuối, giá, kinh giới, húng thơm… Đặc biệt, món ăn sẽ thêm thơm ngon và hấp dẫn khi được điểm xuyết thêm những lát hành hương được phi vàng óng.
Địa chỉ: Quán Như Ý - 26 đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP HCM.
Bún đậu mắm tôm
Bún đậu mắm tôm không phải món ăn sang trọng hay cầu kỳ nhưng vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Thành phần món ăn đơn giản với bún tươi, đậu phụ, mắm tôm, các loại rau sống. Dù thành phần của món ăn cũng đơn giản nhưng nguyên liệu phải được lựa chọn thật kỹ càng, nhất quyết là phải chọn bún lá chứ không phải loại bún rối, bún sợi to.
Mắm tôm được pha với các loại gia vị khác rất khéo léo, cho thêm chút nước mỡ rán đậu. Đậu phụ là thành phần ngon nhất của món ăn, chủ quán thường chỉ rán đậu khi có khách ăn, nếu rán sớm đậu sẽ bị nguội, khi rán lại dễ bị rỗng, ăn không ngon.
Ở Sài Gòn, bún đậu mắm tôm không nổi tiếng và nhiều hàng quán như các món bún khác của Hà Nội, nhưng vẫn thu hút được rất đông thực khách đến thưởng thức hương vị đậm đà của món ăn dân dã này.
Địa chỉ: 102B - Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM.
Bún riêu ốc
Bún riêu ốc là một món ăn bình dân của người miền Bắc rất được ưa thích ở Sài Gòn. Thành phần chính của món ăn là riêu cua, ốc. Những con ốc bươu to tròn được xào vàng ươm, nhìn thật hấp dẫn. Riêu cua được làm từ cua đồng, thịt cua được giã nhuyễn để miếng riêu vừa xốp, vừa thơm, cho vào miệng thì tan ra khắp đầu lưỡi nhưng không bị nát khi cho vào bát bún. Bên cạnh đó là các nguyên liệu quen thuộc như chả, đậu phụ và một miếng tiết lợn.
Nước dùng được nấu từ nước xương thêm vào nước luộc ốc, lấy nước trong và nêm thêm giấm bỗng. Một chút mắm tôm để nước có vị đậm đà. Bát bún riêu ốc có vị thanh thanh của giấm bỗng, màu đỏ của cà chua, màu vàng cùng vị giòn ngọt của ốc cùng với mùi thơm bốc lên làm cho bạn không thể cưỡng lại được. Đi kèm với bún là đĩa rau mang đặc trưng của người Bắc như kinh giới, húng lủi và rau muống.
Địa chỉ: Quán bún ốc Thanh Hải - 14/12 Kỳ Đồng, phường 7, quận 3, TP HCM.
Bún cá rô đồng
Bún cá rô đồng bình dị như chính tên gọi nhưng ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, dịu nhẹ mà nó mang lại. Nguyên liệu chính làm nên hương vị cho món ăn là những con cá rô đồng bình dị nơi sông nước miền quê. Món ăn dân dã, chế biến cũng không cầu kỳ, kiểu cách. Những con cá rô đồng sau khi bắt về được đánh vẩy, làm sạch ruột, rửa sạch. Dùng dao lóc xương, tách lấy phần thịt. Sau đó cho phần thịt cá vào chảo dầu chiên vàng.
Bún cá rô muốn ngon không thể thiếu nước dùng, đây là thành phần quan trọng, đem lại vị ngọt thanh cho người ăn. Người nấu cho phần xương và đầu cá vào ninh nước dùng, có thể cho thêm một ít xương heo vào ninh chung để nước dùng có vị ngọt hơn. Bên cạnh đó, người bán thường nướng một củ gừng hơi cháy vỏ, đập dập, thả vào nồi ninh cùng. Hương thơm của gừng tỏa ra làm nước dùng không tanh, mùi quyến rũ và làm ấm lòng người thưởng thức.
Bát bún nóng hổi, thơm ngon những lát cá được chiên vàng ươm lẫn trong màu xanh của hành lá, hương thơm của thì là nhẹ nhàng, quyến rũ người ăn. Ăn kèm bún cá rô đồng là đĩa rau cải con được chần sơ qua nước sôi, cái vị cay cay của cải non làm tăng thêm hương vị cho món ăn, không gây cảm giác ngấy khi thưởng thức.