Trở thành tỷ phú, việc đầu tiên Lượng kêu thợ đến phá bỏ căn nhà lá, xây ngôi nhà lầu 3 tầng. Còn trong nhà, Lượng sắm sa lông bàn tọa sập gụ tủ chè, tivi, tủ lạnh máy điều hòa.
Căn nhà rách nát của ông Vĩnh “3 tỷ“.
[justify]Vung tay quá trán[/justify]
[justify]Tôi quen Lượng qua người bạn tên là Minh, chủ doanh nghiệp chế biến hàng nông sản xuất khẩu ở quận Bình Tân (tên của một số nhân vật trong bài này đã được thay đổi). Chiều hôm ấy, Lượng từ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang lên TP.HCM để kiểm tra sức khỏe.[/justify]
[justify]Tại quán nhậu Hồ Lô trên đường Trần Văn Kiểu, quận 6, sau vài lời giới thiệu của Minh thì câu đầu tiên Lượng nói với tôi là: "Nhờ anh giúp tui chỗ nào siêu âm, thử máu, nội soi, chụp "xi ti" tốt nhất thành phố mà đừng phải chờ đợi. Tốn kém bao nhiêu tui lo".[/justify]
[justify]Tôi hơi khó chịu vì câu nói nghe khá sốc, sặc mùi tiền. Mặc dù quần áo toàn hàng hiệu, điện thoại iPhone 5S, cổ đeo sợi dây chuyền vàng to đùng còn trên ngón tay áp út là một chiếc nhẫn vàng cũng to không kém nhưng kiểu cách ứng xử của Lượng vẫn mang đậm chất "đại gia Hai Lúa". Tôi hỏi bệnh gì đến nỗi phải làm những thứ đó thì Lượng lắc đầu: "Hổng có bệnh tật gì hết, lâu lâu tui muốn kiểm tra sức khỏe thôi".[/justify]
[justify]Hình như đoán được sự khó chịu của tôi, Minh khẽ nháy mắt. Hiểu ý, tôi gật đầu, dặn Lượng tuyệt đối không uống bia, chỉ uống nước lọc rồi bấm máy gọi bác sĩ Huy, Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin trên đường Trương Định, quận 3, TP.HCM. Sau khi gửi gắm, tôi nói với Lượng: "Xong rồi! 7h sáng mai ông cứ đến đó, sẽ có người đón tiếp nhưng nhớ nhịn đói để thử máu".[/justify]
[justify]Có lẽ vì phải uống nước lọc nên ngồi một lát, Lượng xin phép về khách sạn trước. Đợi Lượng đi khỏi, Minh nói: "Em chơi với nó từ lúc nó mới lập gia đình. Hồi đó vợ chồng nó nghèo nát xơ mướp. Thấy tội nghiệp, em kêu nó về làm với em. Công việc của nó là đi một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long thu mua mủ trôm. Hễ được vài tấn, nó điện thoại báo em biết, em điều xe xuống chở. Đâu khoảng 2 năm, nó xin nghỉ vì nó trúng 3 vé độc đắc, tổng cộng 4,5 tỷ đồng".[/justify]
[justify]Vẫn theo lời Minh, bữa đó trên đường từ Long Xuyên về huyện Tân Hiệp bằng xe gắn máy, giữa đường gặp mưa nên Lượng tạt vào trú đỡ dưới mái hiên của một ngôi nhà. Trời xui đất khiến thế nào mà có một con bé bán vé số cũng trú mưa. Thấy con bé chỉ còn 3 tờ vé số, lại thêm nó nài nỉ riết nên Lượng động lòng. Cứ nghĩ mua làm phước, ai dè chiều hôm sau cả 3 tờ vé số đều trúng giải đặc biệt.[/justify]
[justify]Minh nói: "Ngay tối đó nó gọi em, nó nói bắt đầu từ ngày mai nó thôi không đi thu mua mủ trôm nữa. Em hỏi sao vậy? Nó bảo giờ nó đổi đời rồi!".[/justify]
[justify]Trở thành tỷ phú, việc đầu tiên Lượng kêu thợ đến phá bỏ căn nhà lá, xây ngôi nhà lầu 3 tầng. Còn trong nhà. Lượng mua sa lông bàn tọa sập gụ tủ chè, tivi, tủ lạnh máy điều hòa chẳng thiếu thứ chi. Hai thằng con trai Lượng, bữa trước bữa sau mỗi đứa sắm ngay một chiếc xe gắn máy dòng Exciter 135 phân khối, lượn ngang lượn dọc, nẹt pô, đánh võng, bốc đầu ầm ĩ cả xóm.[/justify]
[justify]Nếu như trước đây mỗi sáng đi học, đứa con gái út đến trường bằng chiếc xe đạp cọc cạch thì bây giờ nó cỡi "con" Piaggio Liberty trị giá hơn 60 triệu đồng, còn vợ chồng Lượng thì khỏi nói: Cả hai bao nguyên chiếc ôtô du lịch 4 chỗ, lên TP.HCM đi shopping rồi trở về với quần là áo lượt, vòng vàng, đồng hồ, điện thoại di động đời mới. Minh nói: "Lúc nó mời em xuống dự tân gia, em phát choáng vì cách xài tiền của nó".[/justify]
[justify]Theo lời mấy người hàng xóm thì từ khi trúng số, ngày nào nhà Lượng cũng tổ chức ăn nhậu tưng bừng. Chỉ một cú điện thoại là đại lý bia cho người mang tới ngay, mà đâu phải ít. Lần nào cũng 3 thùng, 5 thùng… Minh nói tiếp: "Em hỏi: "Bộ mày không tính chuyện làm ăn gì nữa sao" thì nó cười. Nó bảo tao cực khổ lâu rồi, giờ phải hưởng thụ".[/justify]
[justify]Ngồi ăn không, núi cũng lở. Chỉ hơn một năm sau, số tiền trúng số lần lượt đội nón ra đi. Thoạt đầu, Lượng kêu thằng con trai bán bớt một chiếc xe gắn máy rồi đến đứa con gái, chiếc Liberty được thay bằng chiếc… xe đạp điện! Tiếp theo - nếu như trước kia 4 phòng ngủ trong nhà Lượng mỗi phòng đều có 1 tivi Plasma 42 inches thì bây giờ chỉ còn lại một chiếc duy nhất tại phòng khách. Cái dây chuyền "lòi tói" trên cổ Lượng rồi đến cái nhẫn cũng lặng lẽ biến mất.[/justify]
[justify]Sáng, trưa hoặc đầu giờ chiều, trước cửa nhà Lượng lúc nào cũng thập thò vài người bán vé số. Tất cả số tiền có được từ việc bán những đồ vật trong nhà, Lượng dồn hết vào vé số với niềm tin vận may sẽ lại mỉm cười thêm một lần nữa. Mà anh ta mua đâu có ít. Xế chiều, khi đài báo kết quả xổ số kết thúc, khoảng sân lát gạch men trước cửa nhà Lượng lại tràn ngập những màu xanh đỏ tím vàng của cả trăm tờ vé số.[/justify]
[justify]Như con bạc khát nước, mua 100 tờ không trúng thì mua 200, rồi 300 nhưng hình như ông "thần tài" đã quên béng đi rằng trên đời này, vẫn còn có một người tên… Lượng! Hôm vừa rồi gặp tôi, Minh cho biết Lượng đang kêu bán nhà, mà bán cái xác nhà vì tài sản tư trang xe cộ đã bay theo những tờ vé số: "Nó thất nghiệp nhưng nó mắc cỡ, không dám xin em cho làm lại vì đã có tiếng là "tỷ phú", giờ chẳng lẽ tiếp tục xách bao dứa đi mua mủ trôm!"[/justify]
[justify]Trúng số - nhất là trúng số độc đắc là niềm mơ ước của rất nhiều người vì chỉ trong tích tắc, cuộc đời họ thay đổi một cách kỳ diệu. Khi tiến hành lấy tư liệu để viết loạt bài này, tôi đã gõ cửa một số công ty xổ số kiến thiết ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… nhưng nơi đâu cũng từ chối cung cấp danh tính người trúng giải đặc biệt vì lý do bảo mật thông tin cá nhân theo yêu cầu của họ để tránh trấn lột, cướp bóc và những chuyện phiền phức khác. Vì vậy, tôi phải dò la từ những đại lý vé số, nơi kiêm luôn việc đổi số trúng.[/justify]
[justify]
[/justify][justify]Năm 1991, giải đặc biệt chỉ là 50 triệu đồng.
[/justify][justify]Tại một đại lý trên đường Châu Văn Liêm, quận 5, người chủ cho tôi biết về một nhân vật tên Vĩnh, ở một huyện vùng ven TP.HCM, cách đây mấy năm trúng 2 vé, tổng cộng 3 tỷ đồng. Phóng xe xuống đến nơi, trước mắt tôi là một căn nhà lầu nguy nga nhưng khi bấm chuông, chủ nhà cho biết ngôi nhà này họ mua lại của ông Vĩnh từ gần một năm nay.[/justify]
[justify]Hỏi ông Vĩnh hiện giờ ở đâu? Chủ nhà bảo tôi "qua 2 ngã tư, đến ngã tư thứ 3 thì rẽ trái, chạy thẳng một hồi gặp ngã ba, rẽ phải vào con đường đất, hỏi nhà ông Vĩnh trúng số ai cũng biết".[/justify]
[justify]Tôi đi theo hướng dẫn rồi khi người hàng xóm chỉ vào căn nhà của "ông Vĩnh 3 tỷ" thì tôi hết sức bất ngờ. Đó là một cái chòi, mái lợp tranh, vách che bằng đủ loại vật liệu cũ nát, phía sau nhà là một cây dừa còi cọc, khẳng khiu bên cạnh một mảnh đất cỏ hoang mọc đầy. Kêu cửa một hồi, mới thấy một người đàn ông tuổi trạc 50, đầu bù tóc rối, mắt đỏ ngầu, miệng nồng mùi rượu, ở trần, quần đùi khật khưỡng bước ra.[/justify]
[justify]Tôi hỏi: "Có phải anh là anh Vĩnh không?" thì ông nhìn tôi một lát rồi gật đầu. Tới chừng biết tôi là nhà báo, muốn gặp ông để hỏi về chuyện trúng số thì mặt ông xạm lại: "Thôi đi, mấy cha ăn ở không, kiếm chuyện hỏi tầm phào. Tui hổng tiếp ai hết".[/justify]
[justify]Rồi ông quay lưng bước vào, đóng sập cửa lại. Hỏi thăm bà hàng xóm hồi nãy đã chỉ nhà ông cho tôi, bà nói bà cũng không rõ lắm, nghe đâu hồi đó ổng trúng số độc đắc nhưng chỉ hơn 1 năm, ổng ăn nhậu, mua vé số, đánh đề, bồ bịch gái gú lung tung nên tán gia bại sản: "Vợ ổng khuyên mãi không được nên bả bỏ về nhà mẹ ruột dưới Trà Vinh, còn hai đứa con đi làm ở khu công nghiệp Tân Bình, mướn nhà ở riêng. Giờ ổng sống một mình, nhậu tối ngày. Trước khi trúng số gia đình ổng ở đây. Tới hồi có tiền, ổng ra ngoài lộ mua căn nhà xây đó. Cũng may là ổng không bán cái chòi này nên khi rỗng túi quay về, vẫn còn chỗ chui rúc…".[/justify]
[justify]Có thể nói, ngoại trừ những người trúng số biết sử dụng đồng tiền một cách hợp lý thì những người trắng tay vì… trúng số đều có chung một nguyên nhân là ăn chơi, đua đòi sắm sửa, mèo mỡ trai gái hoặc bỏ tiền kinh doanh nhưng trong đầu lại chẳng hề có một chút kiến thức nào, thấy người ta làm được thì nghĩ rằng mình cũng làm được. Tại Long An, anh Thịnh, chủ một quán cà phê ở thị trấn Bến Lức kể tôi nghe về số phận của một nhân vật tên Tâm, người trúng 42 tờ vé số giải đặc biệt.[/justify]
[justify]
[/justify][justify]Hầu hết người mua vé số với hy vọng đổi đời trong tích tắc là những người nghèo.
[/justify][justify]Tâm sinh ra ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang trong một gia đình vừa nghèo lại vừa đông con. Mới 15 tuổi, Tâm đã đi làm lơ xe để kiếm sống. Một lần khi xe dừng lại chờ khách, Tâm quen biết rồi đem lòng cảm mến cô Út, khi đó bán nước giải khát ở ngã tư Bình Nhựt, thị trấn Bến Lức. Và mặc dù cha mẹ Út không đồng ý cho con gái mình lấy một "thằng lơ xe" nhưng cả hai vẫn quyết định đến với nhau.[/justify]
[justify]Anh Thịnh kể: "Vì không có tiền làm đám cưới nên tụi nó lặng lẽ đi đăng ký kết hôn rồi mướn một căn nhà nhỏ ở xã An Nhựt Tân làm nơi tá túc". Không muốn xa vợ, Tâm bỏ nghiệp "lơ", làm nghề khuân vác rồi sau đó, là "cò" mua bán xe gắn máy, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau.[/justify]
[justify]Khoảng giữa năm 1991, một bữa Tâm đang ngồi tại quán cà phê thì có một ông già bán vé số bị dị tật ở cánh tay, đưa xấp vé mời Tâm mua. Với Tâm, ông già này chẳng phải người xa lạ vì khi Tâm lấy vợ rồi bám trụ ở quê vợ, ông đã bán vé số từ trước đó rồi.[/justify]
[justify]Theo lời ông già, ông nhận bán 100 vé nhưng gần đến giờ quay số mở thưởng mà ông vẫn còn 42 vé: "Hôm qua ế, hôm nay cũng ế thì vợ chồng tôi chắc húp cháo".[/justify]
[justify]Năm 1991, mỗi tờ vé số bán với giá 2 nghìn đồng, còn giải đặc biệt là 50 triệu trong lúc vàng chỉ có giá gần 4 triệu đồng/lượng. Nghe ông già than thở, động lòng, Tâm móc túi lấy ra 84 nghìn, mua hết 42 tờ. Đến tối, lúc vợ chồng Tâm đang ăn cơm thì ông già bán vé số vào nhà, nói lạc cả giọng: "Anh trúng độc đắc rồi. Trúng cả 42 tờ luôn".[/justify]
[justify]Thoạt đầu, Tâm tưởng ông lão nói đùa nhưng tới hồi dò lại, Tâm run lẩy bẩy. Anh Thịnh nói tiếp: "Mấy người hàng xóm bên cạnh nhà nó kể lại rằng đột ngột họ nghe nó la lên: "Trúng rồi, tôi trúng rồi, đổi đời rồi". Tổng số tiền mà Tâm được lĩnh là hơn 2 tỷ đồng vì khi đó người trúng số chưa phải đóng thuế thu nhập. Số tiền nhiều đến nỗi Tâm phải nhờ 3 người bạn thân thiết, đếm gần 2 ngày mới xong![/justify]
[justify]Trở thành tỷ phú, Tâm và vợ mở một quán cà phê khủng, diện tích 5.000m2 nằm ngay phía nam cầu Bến Lức. Thời điểm ấy, quán cà phê của vợ chồng Tâm có lẽ là quán duy nhất ở Bến Lức có những cô tiếp viên "váy ngắn chân dài". Tiếp theo, Tâm mua 10 xà lan, 3 chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng và 2 chiếc máy xúc Kobe rồi thành lập công ty vận tải.[/justify]
[justify]Có tiền, sinh tật, Tâm vướng vào chuyện gái gú. Mặc cho vợ con khóc lóc khuyên can, Tâm vẫn thản nhiên quan hệ với những cô tiếp viên trong quán. Do quản lý quán cà phê và công ty vận tải bằng kinh nghiệm "lơ xe" nên Tâm lỗ chỏng gọng, chưa kể anh ta còn ôm thêm khoản nợ 17 tỷ đồng qua việc mua bán, vận chuyển vật liệu xây dựng.[/justify]
[justify]Một buổi sáng, mấy người hàng xóm ngạc nhiên khi thấy nhà Tâm cửa nẻo khóa kín rồi những ngày sau đó, chẳng ai biết Tâm cùng vợ con đi đâu, về đâu. Ông anh vợ của Tâm ở ấp 1, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ tỉnh Long An cho biết sau khi trúng độc đắc rồi tán gia bại sản, Tâm gửi con cái về quê nhờ ông bà nội chăm sóc, còn vợ chồng Tâm lặng lẽ dắt díu nhau tha phương cầu thực.[/justify]
[justify]Vẫn theo lời ông anh vợ, khi có tiền, Tâm đối xử bạc tình với vợ nhưng lúc trắng tay, cô Út vẫn một lòng tha thứ cho chồng: "Chuyện đời khó ai biết trước. Con người ta lên voi xuống chó mấy hồi. 10 năm nay tôi không gặp lại vợ chồng Tâm, ở nhà có gì muốn thông báo thì liên lạc qua điện thoại. Có lần, chú ấy bảo thuê phòng trọ ở quận Thủ Đức, lúc lại nói đang ở trong khu công nghiệp Bình Tân, TP.HCM. Tôi chỉ biết Tâm làm bảo vệ, vợ làm công nhân, lương tháng hai vợ chồng nghe nói cũng không đủ cuộc sống. Từ ngày bỏ đi tới giờ, Tâm và vợ chưa về Bến Lức lần nào. Số tiền Tâm vỡ nợ, lãi mẹ đẻ lãi con và với hoàn cảnh hiện tại thì hết đời cũng không trả hết được".[/justify]