[justify]Theo một cuộc thăm dò của các chuyên gia từ Cuộc thăm dò Quỹ Reuters Thomson (TRFP) vào năm 2011 thì Pakistan là quốc gia nguy hiểm đứng hàng thứ 3 trên thế giới đối với phụ nữ.
TRFP trích dẫn rằng hàng năm có hơn 1.000 phụ nữ và trẻ em gái đã bị giết chết bởi cái gọi là “cái chết danh dự” và báo cáo cũng nhấn mạnh rằng có đến 90% phụ nữ Pakistan khốn khổ bởi các hành vi bạo lực từ gia đình, chồng, con trai và cả anh em trai của mình.
Người phương Tây thường đồng nghĩa cuộc sống khốn khổ của phụ nữ Pakistan với hành vi đàn áp tôn giáo, song thực tế tình hình còn phức tạp hơn nhiều. Tâm lý xã hội gia trưởng đã ăn sâu thành gốc rễ ở Pakistan. Phụ nữ nghèo khó và ít học thường phải vật lộn hàng ngày để đòi hỏi các quyền lợi cơ bản, được thừa nhận và tôn trọng. Mặc dù là trụ cột chính trong gia đình nhưng người nam trong cái gia đình đó mới là người đưa ra các quyết định quan trọng cuối cùng.
Ayesha, 18 tuổi: Bị cha đẻ lạm dụng tình dục từ nhỏ
Mỗi cô gái nghèo đều ao ước được đi học nhiều hơn, được có cơ hội để học hỏi và đến trường. Nhưng nhiều người trong số chúng ta không được may mắn như thế. Ngày mà em trai tôi chào đời là một ngày nhiều buồn vui lẫn lộn: tôi đã không còn được cha mẹ cho phép tới trường. Do trách nhiệm gia đình ngày càng tăng thêm, cha tôi nói rằng tôi phải ở nhà và cuối cùng bắt đầu làm việc.
Ngay cái đêm em trai tôi chào đời, trong khi cả gia đình tôi đang tề tựu hân hoan thì tôi đã đến nhà ông chú ruột để xin lấy thêm bánh mì. Tôi không biết ở nhà chú tôi có một thanh niên trẻ đang chờ ở đó. Trong ngôi nhà trống rỗng, anh ta đã lợi dụng tôi, anh ta đã làm những hành động mà tôi không hiểu, và có chạm tay vào ngực tôi. Trước khi tôi kịp nhận ra thì hắn ta đã buộc giẻ vào miệng tôi và bắt đầu hãm hiếp. Xong việc. Tôi lò dò về nhà, người rã rời và đầu nặng như búa bổ.[/justify]
[justify]Những vụ như tôi hầu như không đếm xuể ở các ngôi làng. Những thiếu nữ bị hãm hiếp, sát hại và bị chôn vùi. Không ai biết họ ở đâu sau khi đã đột ngột biến mất. Nếu một phụ nữ bị “mất trinh”, cô ấy sẽ bị xem là “vật phế thải”. Người đàn ông đã hủy hoại đời tôi thậm chí đã bị làm ngơ và chẳng hề nhận lấy sự trừng phạt nào. Người ta có thể quên đi chuyện hắn ta đã xử với tôi nhưng đời nào tôi có thể quên. Giờ hắn đã kết hôn và có một cuộc sống riêng khá hạnh phúc. Số phận tôi đã bị “nhơ” từ nhỏ nhưng không phải lỗi tại tôi.
Lúc mới bắt đầu làm việc, tôi sợ hãi. Năm đó, tôi mới lên 10. Tôi đi làm thuê cho các gia đình, chịu trách nhiệm chăm sóc lũ trẻ con, cho chúng ăn uống và chơi đùa với lũ trẻ. Tôi cảm thấy tôi là một đứa bé trong số bọn trẻ. Tôi như sống lại thời thơ ấu của mình. Dần dần tôi cũng dạn dĩ trong quá trình làm việc đặc biệt là cảm thấy an toàn hơn và hạnh phúc hơn khi làm việc tại nhà và quanh làng của mình.
Làng tôi đầy ắp những gã đàn ông cộc cằn, thô lỗ trong đó có cả cha tôi. Tại thời điểm đó, chúng tôi sống ở Karachi trong một ngôi nhà nhỏ với chỉ 1 phòng và sàn nhà bị hỏng hóc. Khi tôi còn là một đứa trẻ, mẹ tôi luôn giấu mình trong nỗi xấu hổ mỗi khi cha đánh đập mẹ. Hễ trái mắt chút là cha đánh mẹ không tiếc tay. Nhà tôi ai cũng biết cách hành xử vũ phu của cha chẳng có gì là bí mật trong ngôi nhà này.
Mẹ tôi rất biết vâng lời, bà không bao giờ nói không với chồng mình. Bà rời nhà đi làm lúc 8h sáng và trở về nhà lúc nửa đêm. Ngay cả những lúc cơ thể đau đớn mệt mỏi nhất, mẹ tôi vẫn gắng hết sức để làm “chuyện ấy” với cha; thậm chí chân tay mỏi nhừ nhưng khi nghe cha muốn ăn, mẹ tôi vẫn xắn quần lao ngay vào bếp. Tất cả đàn ông trong làng tôi đều thích đánh vợ, trong khi các bà nuốt nước mắt vào tim và xem đó là chuyện bình thường.
Riêng tôi, tôi không sợ việc đụng chạm xác thịt nữa mà sợ những điều lớn hơn nhiều. Khi tôi lớn lên, cha tôi đổi khác. Ông bắt đầu hút thuốc, uống rượu và cả sử dụng ma túy từ số tiền làm thuê của tôi. Cha tôi bắt đầu ngủ cạnh tôi. Vào nửa đêm, cha tôi bắt đầu rờ rẫm lên người con gái và cởi y phục của tôi. Do bởi sợ hãi nên tôi giả cách mình ngủ say và trở thân mình. Sau lần bị lạm dụng tình dục, mỗi đêm ngủ nhà một mình tôi đều có cảm giác sợ hãi khủng khiếp. Tôi luôn mơ thấy cảnh cha hãm hiếp tôi.
Ám ảnh cùng cực nhưng tôi không sẵn lòng chia sẻ những bí mật đen tối này với bất kỳ ai. Người duy nhất mà tôi nói chuyện gia đình là bà chủ của tôi. Vào tháng giêng, tôi cảm thấy trong người khang khác, có lẽ là mình đã mang thai, bà chủ hỗ trợ tất cả chi phí thuốc men cho tôi.
Rất may tôi đã sẩy thai, nhưng nếu có con, bà chủ cũng sẽ nuôi nó. Những bà chủ tốt bụng như trên là không nhiều trong xã hội Pakistan. Bà chủ cho tôi ở trong nhà bà ấy và xem tôi như con đẻ của bà, đó là ngôi nhà ấm áp mà tôi chưa từng một lần cảm thấy hạnh phúc khi ở trong ngôi nhà của cha mẹ tôi.
Nargis, 18 tuổi: Đỡ đòn roi cho mẹ bằng cách để cha lạm dụng
Lúc còn nhỏ, chúng tôi sống trong làng, cả nhà mọi người chen chúc trong 3 phòng ngủ. Mẹ tôi chăn nuôi gia súc, bán sữa và lấy tiền trang trải các sinh hoạt trong gia đình. Cha tôi không đóng góp chút gì cho gia đình nhưng tính ích kỷ trong ông thì vô cùng lớn. Trước khi cưới mẹ tôi, cha tôi đã lấy chị gái của mẹ. Khi chị gái qua đời, gia đình mẹ tôi nói rằng mẹ tôi là người con gái tốt nhất để nuôi con của chị gái, vì thế mẹ tôi đành lấy cha tôi.
Nargis.
Gia đình chúng tôi có 8 người, vì vậy cả nhà chẳng có thứ gì đáng giá. Lúc tôi còn nhỏ, tôi chưa bao giờ có tiền để mua bất kỳ thứ gì nhưng cũng được cha mẹ cho đến trường. Tôi thực sự thích việc học. Cô giáo yêu thích của tôi tên là Kiran, rất yêu thích tôi. Cô giáo cho tôi khăn choàng quấn cổ và bày làm bài tập về nhà cho tôi. Đó là những ký ức tốt đẹp nhất của tôi. Tôi học được tiếng Urdu. Lúc đó, khi đi làm, tôi học thêm tiếng Anh.
Trong nhà của tôi, những người đàn bà đóng vai trò trụ cột gia đình, trong khi cha và các anh em trai chỉ làm việc khi họ cảm thấy thích. Cha tôi lột sạch tiền do những người đàn bà quần quật kiếm ra. Số tiền đó được cha dùng để đi chơi với bạn bè, có khi 4 hay 5 ngày, sau đó mới trở về nhà.
Cha chưa bao giờ hoàn thành trách nhiệm làm cha của ông, chưa bao giờ dạy dỗ các con cũng như chưa bao giờ đưa con đến trường. Cha tôi ít học, do đó ông cảm thấy rằng học hành không cần thiết. Tôi ước thời thơ ấu kéo dài thêm được ít năm.
Lúc tôi 6 hoặc 7 tuổi gì đó, cha mẹ gửi tôi đi làm việc trong các ngôi nhà ở Karachi. Ở làng tôi, lên 4 tuổi, các em gái bắt đầu quét nhà và rửa chén bát. Lên 6 tuổi, chúng tôi thay nhau giặt quần áo. Lên 10 tuổi, chúng tôi học nấu tất cả món ăn. Trong làng nơi chúng tôi sống chẳng hề có dịch vụ y tế nào, vì thế mẹ tôi tự chữa bệnh cho con cái tại nhà. Mẹ sử dụng hành tây, dầu, bột và băng…để chữa lành các vết thương.
Tại nhà mình, chúng tôi chẳng có lấy một ngày hạnh phúc, mà mọi chuyện cũng từ cha mà ra. Cha tôi lạm dụng tất cả những người đàn bà trong nhà. Cha đánh đập mẹ ngay từ khi tôi còn nhỏ. Mới 5 tuổi, cha đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” lấy thanh gỗ đập tôi túi bụi.
Khi tôi 8 hay 9 tuổi gì đó, cha đã đánh mẹ bởi những lý do lãng xẹt. Ông dùng dây vòi nước và thanh sắt đánh mẹ đau đớn. Lúc ông đánh mẹ xong, chúng tôi đã ngủ tự bao giờ. Tôi nằm cạnh mẹ, tôi nhìn thấy tất cả và suốt đêm không thể chợp mắt vì ám ảnh. Có lần cha đánh mẹ dữ dội quá, tôi đã chạy lên ôm lấy cha một cách rất dịu dàng, thế là ông dừng tay. Và sau đó, thay vì đánh mẹ, cha đã lạm dụng tôi. Ông yêu tôi nhiều nhất nhà.
Lớn lên trong môi trường đầy ắp sự lạm dụng và những đòn roi đánh đập tàn nhẫn của cha khiến tôi mất đi niềm tin vào tương lai của mình. Tia hy vọng lớn nhất của tôi là tại nơi làm việc, chính công việc làm cho tôi cảm thấy đáng sống, và có thể còn nhiều thứ tốt đẹp hơn đang đợi tôi phía trước.
Rehana, 37 tuổi: Bị vu cáo “mất trinh” ở mối tình đầu
Cuộc đời tôi không khác là mấy so với bất kỳ phụ nữ nào đang sống tại những vùng đất nghèo khổ ở Pakistan. Chồng tôi lạm dụng tình dục, còn tôi là trụ cột chính trong gia đình. Tôi đang phấn đấu cho các con học đến nơi đến chốn để chúng thoát khỏi cảnh bị ngược đãi như tôi. Tôi lớn lên trong một ngôi nhà khi mà cha mẹ không sao xoay xở đủ tiền để nuôi cả gia đình với 14 miệng ăn. Cha tôi liên miên dùng thuốc trong khi mẹ tôi lao tâm kiếm tiền để cung phụng cho ông.
Mới 14 tuổi, tôi được đính hôn cho một người đàn ông tên là Nasir. Nasir – chồng tôi – là người đàn ông tử tế và biết cách kiếm tiền để trang trải một cuộc sống sung túc. Mặc dù chúng tôi thật sự ít có thời giờ bên nhau nhưng tôi cảm nhận tôi yêu Nasir. Đó là mối tình đầu của chúng tôi. Nhưng vào một đêm trước khi tôi lập gia đình, một vài gã trai đã lẻn vào ngôi nhà chúng tôi lúc nửa đêm, khoảng 3h sáng.
Họ trói cha mẹ tôi và đánh đập. Tôi ngủ với 2 em gái tại căn phòng kế đó. Vì tôi là con cả, bọn đàn ông đã kéo tôi ra khỏi giường và trói chặt chân tôi. Tôi ngờ rằng họ muốn hãm hiếp tôi. Tôi chộp lấy một con dao và nói sẽ tự sát nếu họ dám giở trò bỉ ổi.
Cuối cùng họ quyết định cho tôi đi. Tôi chạy thoát nhưng bất hạnh không ngừng đeo đuổi. Khi Nasir và gia đình anh ta biết tin, họ cáo buộc tôi đã “mất trinh” và hủy hôn lễ. Chỉ qua một đêm, 6 gã trai lẻn vào nhà tôi và lấy cắp sạch mọi thứ. Khi cha mẹ tôi chống cự, bọn chúng đe dọa sẽ giết các em tôi. Tôi đau đớn và bị sỉ nhục ghê gớm nhưng biết làm gì đây khi ở chỗ tôi những chuyện vu khống trinh tiết trở thành bình thường.
15 tuổi, tôi lập gia đình với Fakhir trong tâm trạng tuyệt vọng. Tôi không hề yêu Fakhir nhưng mẹ anh bắt tôi về làm dâu vì muốn có người nấu ăn trong nhà bà. Tôi trở thành vợ hai của Fakhir. Chồng tôi nói ông yêu bà vợ cả Rukhsana và có 2 con với bà này. Chồng tôi lấy tiền lương của tôi để chu cấp cho bà vợ cả. Fakhir không đáng tin cậy chút nào, thỉnh thoảng ông ấy mới đi làm còn thì thường xuyên lấy tiền tôi đi đánh bạc.
Chúng tôi bất hoà vì chuyện tiền bạc. Tôi muốn dành dụm tiền để nuôi con cái của mình. Tôi thậm chí còn không có thời giờ để chi tiêu cho bản thân. Tôi sống khổ sở và tủi nhục khủng khiếp, nếu ngày nào tôi không đưa tiền lương cho chồng, ông ấy sẽ không cho tôi ra khỏi nhà và đánh đập tôi thậm tệ. Tuy nhiên, tôi vẫn bí mật giấu những khoản tiền lẻ để phòng thân.
Khi đứa con cuối cùng chào đời, lúc con bé được 7 tháng tuổi, tôi phải quay trở lại làm việc. Các bác sĩ nói tôi đừng làm việc vì có một con giun lớn trong dạ dày, tôi biết, nhưng không thể nói điều kinh hoàng đó với chồng. Nếu điều trị dứt điểm, tôi sẽ phải trả 3.000 Ru-pi (tương đương 33 USD), số tiền quá lớn đối với tôi.
Chỉ 2 tháng sau hôn nhân, tôi đã biết thế nào là bạo lực gia đình và chuyện chồng đánh đập vợ không hề giảm sút đến 14 năm sau đó. Chân tay gãy, răng gãy và sẩy thai…trở thành chuyện bình thường đối với tôi. Tại sao chồng đánh tôi? Tôi không biết. Có thể chồng tôi nghĩ tôi là cái túi cát để đấm mỗi khi ông ấy bực dọc. Khi đi làm, tôi mới cảm thấy mình là con người, một cảm giác hạnh phúc hơn so với ở nhà với chồng. Tôi nhận ra rằng tôi xứng đáng được coi là một con người.
Salma, 39 tuổi: 3 lần sẩy thai vì bị chồng đá vào bụng
Ở Pakistan, nếu bạn là người nghèo và thất học, bạn chỉ cần chờ đợi đến cái ngày kết thúc cuộc đời, mỗi ngày bạn phải cố gắng hết sức tìm thấy động lực để tồn tại. Lúc trước, tôi đi làm việc và được tôn trọng, tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trần gian, nhưng khi quay về nhà tôi lại rơi vào địa ngục.
Tôi thức giấc sớm đều đặn mỗi ngày để ủi quần áo của chồng và chuẩn bị bữa sáng cho Farooq (chồng tôi) trước khi rời nhà để làm việc. Farooq ở nhà suốt ngày. Nếu tôi về nhà chỉ cần trễ một chút là hậu quả khủng khiếp sẽ đổ xuống đầu. Ông ấy đánh đập tôi túi bụi, đôi khi tát bầm tím mắt hoặc làm gãy xương tay tôi. Lần khác, ông ấy đẩy vợ ra đường và công khai đánh đập trên phố.
Chồng tôi còn vô cảm ngay cả khi tôi đang mang thai. Tôi bị sẩy thai 3 lần bởi thói vũ phu của chồng nhưng may mắn là tôi vẫn sinh hạ an toàn 1 gái và 1 trai. Lúc tôi mang thai 2 đứa con trai song sinh, Farooq đã đá vào bụng, khiến một trong hai đứa bé bị chết yểu. Suốt thời gian bụng mang dạ chửa, chồng tôi đuổi tôi về nhà cha mẹ đẻ. Thỉnh thoảng vào lúc nửa khuya hoặc đâu đó, Farooq thường đánh tôi trước mặt các con. Khi tôi tắm, tôi nhìn các vết sẹo khắp cơ thể mình mà chỉ biết khóc thầm.
Farooq lột sạch tiền lương tháng của tôi và ném nó vào rượu và ma tuý. Một ngày nọ, ông ấy cáo buộc tôi ngủ với người đàn ông khác và ly dị tôi. Là một người phụ nữ bị chồng ly dị là nỗi tủi nhục trong xã hội Pakistan. Mặc dù đã ly dị chồng nhưng tôi vẫn cố gắng làm lành với chồng để các con tôi có tên của cha. Dù tôi đã làm mọi cách kể cả kết hôn với người đàn ông khác theo ý muốn của chồng tôi nhưng Farooq vẫn không cưới tôi lại. Ông ta chỉ mặt tôi bảo tôi không phải là vợ mà là một con điếm.
Chồng tôi luôn tìm mọi cách để tra tấn tôi, cả roi vọt và cảm xúc. Chồng tôi giữ hết quần áo của tôi, đồ gia dụng, thức ăn, máy may và thậm chí cả máy giặt của tôi. Dù ly dị, nhưng ông ấy vẫn cưỡng hiếp để được ngủ với tôi. Nếu tôi từ chối hay phản kháng, tôi sẽ bị đánh đập ngay tức khắc. Farooq nói với con gái Seema của tôi rằng mẹ nó sẽ bị tạt axít nếu dám kết hôn với người đàn ông khác. Không những ít học, chồng tôi có phải là người vô nhân đạo nhất thế giới?
Tôi chỉ có ước mơ là được bắt đầu một cuộc sống mới ở ngoại ô Karachi. Tôi muốn dạy dỗ các con để chúng có một cuộc sống không giống như hoàn cảnh của mẹ chúng hiện tại. Trong văn hoá của chúng tôi, người phụ nữ chỉ đẹp khi ở với chồng. Tôi không muốn ở với Farooq, muốn tạo cuộc đời mới cho riêng mình, không chỉ cho tôi mà còn cho lũ trẻ của tôi.
Nazneen, 41 tuổi: Chồng lập “phòng nhì”, bỏ rơi con đẻ và vợ cả
Chỉ có một khoảng thời gian được xem là thực sự tự do trong đời của một phụ nữ và đó là khi bà còn là một đứa trẻ. Bà có thể chơi đùa vô tư lự. Chúng tôi có 3 chị em gái, em gái út đến trường còn chị cả tôi lấy chồng khi còn rất trẻ. Tôi học không nhiều nhưng biết đọc và viết chút ít. Tôi học đến lớp thứ 4 hoặc 5 nhưng không nhớ nhiều.
Chúng tôi sống trong một ngôi nhà dựng bằng bùn và các que tre tại ngôi làng có tên gọi là Thatta. Chúng tôi sống vài năm trong một ngôi nhà thuê ở Karachi để đi học, sau đó trở lại ngôi làng của mình. Cha tôi kiếm sống cũng tạm ổn còn mẹ thì làm việc ở một trường học trong vai trò chăm sóc trẻ em.
Khi mẹ tôi không làm việc, tôi bắt đầu đi làm và bỏ rơi mái trường của mình. Khi tôi lập gia đình, tôi khâu vá quần áo để kiếm tiền và chuẩn bị của hồi môn riêng cho mình. Nếu như chúng tôi không có đủ của hồi môn thì đám cưới sẽ không diễn ra.
Năm 16 tuổi, tôi đã kết hôn với người anh em họ tên là Nabeel. Trong vòng 3 năm đầu hôn nhân, tôi đã có cậu con trai tên là Sameer. Nó được sinh ra khi mới hơn 7 tháng, cho đến 10 tháng sau đó, chồng tôi vẫn bỏ mặc 2 mẹ con tôi. Buồn chồng, tôi quay về nhà mẹ đẻ một mình nhưng bất hạnh không buông tha.
Thay vì được thông cảm thì hầu hết mọi người trong nhà chồng đều ngược đãi tôi thậm tệ. Mẹ chồng và các chị em bên chồng không cho tôi tiền chi tiêu, thức ăn, cũng như không ai yêu đứa bé tôi sinh ra. Tôi bắt đầu kiếm tiền theo cách riêng của mình và cáng đáng chăm sóc con trong nhà chồng.
Nabeel chưa bao giờ đánh tôi nhưng ông đối xử với tôi lạnh lùng, vô cảm. Ông chưa bao coi thằng bé Sameer là con chung của chúng tôi. Chồng tôi bí mật kết hôn với người đàn bà khác và tạo một gia đình mới với bà ấy. Họ cũng có con. Oái oăm thay cả mẹ và các chị em của chồng tôi đều ủng hộ cuộc hôn nhân thứ 2 này.
Cuộc sống của tôi chìm trong đau khổ sau khi lấy chồng. Tôi về nhà mẹ đẻ để sinh sống. Khi bé Sameer lên 3 tuổi, tôi bắt đầu đi làm việc. Thời điểm đó, có khi cả tháng liền tôi không hề nhìn thấy mặt chồng. Tôi là trụ cột chính trong nhà, mỗi tháng tôi kiếm được 6.500 Ru-pi (khoảng 72 USD) và phải chi tiêu hết cho tiền thức ăn, thuốc men và quần áo. Sameer chỉ học lên lớp 5 thì tôi không đủ khả năng cho nó học cao hơn vì không kham nổi học phí.
Dù có nhiều khó khăn trong cuộc đời, tuy nhiên không gì so sánh nổi với trận lụt đã xảy ra tại làng tôi vào năm 2010. Khi xảy ra lụt, tôi đang ở Karachi để làm việc và lụt ập tới làng Thatta. Con trai, mẹ và các chị em gái của tôi không thể đón được xe buýt trước khi nước lũ ập tới. Họ không mang theo gì ngoại trừ quần áo đang mặc trên người. Cha tôi vẫn ở Thatta và chống chọi với lũ lụt suốt 3 ngày. Các công nhân chính phủ viện trợ 20.000 Ru-pi (khoảng 220 USD) cho mỗi người chạy thoát nạn từ vùng lũ.
Khi tôi lần hồi về nhà của mình, mọi thứ đã biến mất: tất cả mọi tài sản, tiền bạc mà tôi dành dụm trong nhiều năm và cả ngôi nhà thân yêu đã bị hư hỏng nặng. Chúng tôi không nhận được gì từ sự hỗ trợ của chính phủ. Họ cho mỗi 20.000 Ru-pi/người sống sót, trong khi của cải của chúng tôi đáng giá đến 200.000 Ru-pi. Từ khi trải qua nạn lụt lội kinh hoàng, gia đình và cả làng tôi đã đoàn kết bên nhau. Mọi thù tức và hủ tục cá nhân đã bị gỡ bỏ.
Haseena Bano, 53 tuổi: Buốt lòng khi chồng lấy con gái làm vợ
Cuộc đời tôi đã sang trang khi cha tôi bị bắt cóc cách đây 30 năm. Lúc đó, cha tôi là một doanh nhân giàu có và thành đạt. Gia đình tôi được nhìn nhận là gia đình vương giả. Nhưng do ít học, chúng tôi không thể yêu cầu bồi thường các khoản tiền, vàng mà cha tôi gửi trong các tài khoản ngân hàng. Ngân hàng thông báo cho chúng tôi rằng toàn bộ tài sản của cha tôi đã được hiến tặng từ thiện. Chẳng mấy chốc, chúng tôi rơi vào cảnh nghèo đói.
Sau bi kịch này, chúng tôi mất mẹ vì bệnh cao huyết áp của bà. Mẹ qua đời để lại 12 đứa con mồ côi. Là con gái cả, bao nhiêu trọng trách nặng nề dồn lên đôi vai gầy yếu của tôi. Năm tôi 17 tuổi, tôi yêu Ali. Chúng tôi nhanh chóng lập gia đình và cảm thấy hạnh phúc khi sống bên nhau, nhưng rất ngắn sau đó, cha Ali ép buộc chúng tôi phải ly dị, vì họ thấy tôi quá nghèo nàn. Sau Ali, tôi cưới Fazal, nhưng lần này là cuộc hôn nhân sắp đặt. Chúng tôi đến Iran, nơi tôi lần lượt hạ sinh 5 đứa con xinh đẹp tuyệt vời.
Nhưng nó không đủ đối với Fazal. Một ngày nọ, Fazal nói là em gái tôi qua đời. Kinh hoàng, tôi tức tốc quay về Karachi. Nhưng khi đến nơi, em gái tôi vẫn mạnh khoẻ, tôi bị “sốc”. Fazal hứa sẽ đến đưa tôi về lại Iran nhưng anh ta không bao giờ làm điều đó mà quay sang ly dị vợ, anh ta giữ tiệt lũ trẻ. Fazal kết hôn với con gái Khatija của tôi. Tôi yêu Khatija rất nhiều và không hề nghĩ rằng nó sẽ là vợ của Fazal.
Nỗi đau mất con trong tôi còn lớn hơn nhiều so với việc thiếu chung thủy của Fazal. Vì mất con mà tôi bắt đầu rơi vào trạng thái trầm cảm, hoảng loạn và luôn khóc vì nhớ các con. Tôi trải qua 2 năm tại bệnh viện tâm thần từ thiện và dần phục hồi khi tôi đi làm công nhân. Nạn bạo lực vẫn hoành hành trong bệnh viện tâm thần, nhưng tôi không bị lạm dụng tinh thần và bị đánh đập. Một trong những bệnh nhân ở đây bị đánh bằng gậy gỗ cho đến khi mũi cô ấy bị gãy khi người phụ nữ bất tuân các quy tắc.
Trong suốt thời gian tôi nằm viện thì Shahid, con trai lớn của tôi, đã đến bệnh viện thăm mẹ. Fazal cố gắng cấm cản nó nhưng khi bệnh tình tôi trở nặng, Shahid đều đặn tới thăm tôi. Lúc gặp mẹ, Shahid nói tiếng Anh và lần nào đến cũng mang cho tôi nhiều quần áo, tiền bạc và thuốc men. Shahid vật nài tôi đến ở với nó. Làm thế nào để tôi quay về Iran khi cha nó đã phụ bạc tôi? Tôi cũng muốn Shahid ở lại với tôi nhưng tôi không có tiền hoặc nhà riêng.
Được sự quan tâm sâu sắc của con trai cả, tôi khoẻ lên nhiều và bắt đầu làm thuê cho các gia đình, tôi chăm sóc lũ trẻ và lau dọn vệ sinh. Tất cả mọi nơi tôi làm việc, mọi người đều yêu thương tôi, tôi cảm nhận được cuộc sống hạnh phúc từ họ, một điều chưa từng cảm nhận khi sống với chồng. Các gia chủ cho tôi quần áo mới, cho phép tôi tự do chơi với con cái của họ, cho tôi chỗ ngủ ấm áp qua đêm.
Khi nhà họ có đám cưới, họ cho tôi quần áo mới để mặc và xem tôi là khách mời trong đám cưới đó. Tôi hy vọng tìm một mối tình khác mặc dù tôi đã ở độ tuổi 50. Tôi đã sống cô đơn trong nhiều năm. Giấc mơ của tôi là tiết kiệm tiền bạc và có ngôi nhà cho riêng mình, nơi mấy đứa con có thể đến chơi với tôi và ngủ lại. Nếu giấc mơ ấy thành hiện thực, tôi hy vọng được chết trong thanh thản.[/justify]