Minotaur - Quái nhân nửa người nửa bò man rợ
Minotaur là hậu quả của mối tình “kì dị” giữa hoàng hậu Pasiphae, vợ vua Minos đảo Crete và một con bò trắng linh thiêng (vốn là biểu tượng của đảo). Đây là hình phạt kinh khủng mà thần biển Poseidon giáng xuống Minos khi ông quên hiến tế, trong khi đảo Crete nằm giữa biển, lãnh thổ của vị thần này. Để che giấu nỗi ô nhục, Minos cho xây một mê cung lớn bên dưới cung điện Knossos để giam giữ đứa con dị nhân.
Minos còn tàn nhẫn hơn khi nuôi đứa con tội lỗi này bằng thịt người. Thức ăn “đặc biệt” này càng làm Minotaur hung bạo hơn. Sau khi chiến thắng thành Thebes, Minos ra điều khoản cống vật hằng năm là 7 đôi nam nữ làm mồi cho Minotaur. Sự tàn bạo này chỉ kết thúc khi anh hùng Theseus giết chết tên quái nhân này, với sự giúp đỡ của công chúa Ariadne.
Chimera - Quái thú hoang dã và dị thường
Chimera quả là một “sáng tạo độc đáo đáng kinh ngạc” trong trí tưởng tượng của người dân Hy Lạp cổ. Không một quái vật nào mang một sự kết hợp dị thường hơn thế: đầu sư tử, thân dê và đuôi rắn, có thể khạc ra lửa. Cùng với Cerberus, Orthrus và Hydra, chúng đều là con của hai đại ác quỷ Typhon và Echidna. Rồi cùng với quái vật Orthrus, Chimera sinh ra nhân sư Sphinx và sư tử vùng Nemea. Tất cả đều là những quái vật “danh tiếng” có trong danh sách này!
Chimera hoành hành ở xứ Lycia, là nỗi hoang mang của đất nước. Với sự giúp đỡ của thần mã có cánh Pegasus, anh hùng Bellerophon đã phóng một ngọn lao gắn chì vào miệng con quái thú. Lửa mà nó phun ra làm chì tan chảy, tiêu diệt con vật thành công.
Medusa - Khi sự kiêu ngạo phải trả giá
Medusa là con gái của hai vị thần Phorcys và Ceto. Nàng vốn là một nữ tư tế đền thần Athena xinh đẹp với mái tóc dài bồng bềnh đầy lôi cuốn. Đáng tiếc, nàng không giữ được phẩm hạnh của người tu hành mà lại huênh hoang rằng mình đẹp hơn Athena và cả gan “mây mưa” với thần biển Poseidon ngay trong đền. Điều đó làm nữ thần Athena vô cùng tức giận, đã biến mái tóc của Medusa thành những con rắn đáng sợ, khiến Poseidon cũng rời bỏ nàng. Chưa hết, bất cứ người nào vô tình nhìn vào mắt nàng sẽ nhanh chóng hóa đá, khiến nàng dần bị xa lánh vì là một hiểm họa khó lường.
Anh hùng Perseus, con trai thần Zeus vĩ đại, là người được Athena trợ giúp đắc lực khi thực hiện sứ mệnh tiêu diệt quái vật này. Kết thúc bi thảm của Medusa là bị chém đầu. Ngay cả khi chết, chiếc đầu đầy rắn này vẫn không thôi hết năng lực hóa đá nên nữ thần Athena đã trang trí lên chiếc khiên aegis của mình, biến nó thành một vũ khí đáng gờm.
Nhân sư Sphinx -Kẻ thủ ác trong lốt “nhà thông thái”
“Loài nào buổi sáng đi bằng bốn chân, buổi trưa đi bằng hai chân, đến tối lại đi bằng ba chân?” Đây là câu hỏi hóc búa mà nhân sư Sphinx đã thách đố tất cả những lữ khách đi qua vùng đất của nó. Ai không trả lời được đều bị nó ăn thịt. Hiển nhiên vùng đất ấy trở nên hoang vắng vì dân chúng tìm đường khác né tránh.
Người anh hùng Eudipus nghe lời truyền lại của mọi người về thách thức của con nhân sư ấy đã tìm đến liều một phen. Và chàng đã trả lời thành công với đáp án: con người. “Buổi bình minh của cuộc sống, trẻ em bò bằng 2 tay 2 chân, khi trưởng thành con người đi bằng 2 chân, đến khi về già cần thêm một chiếc gậy để chống là 3 chân.” Câu trả lời hoàn hảo đã khiến nhân sư Sphinx tức giận đến mức lao xuống vách núi tự sát.
Lợn rừng xứ Calydon - Khi nữ thần Artemis trút giận
Lại một lần nữa vì sự “đãng trí” quên hiến tế mà khiến các vị thần nổi giận. Lần này là vua Oeneus xứ Calydon và nữ thần săn bắn Artemis. Đòn trừng phạt của thần quả là đậm chất… hoang dã khi sai một con lợn rừng khổng lồ đến phá hoại mùa màng của dân chúng xứ này. Thấy vậy, vua Oeneus đã chiêu mộ anh hùng từ nhiều nơi đến, mở Cuộc đi săn xứ Calydon để hạ con thú đáng sợ này.
Lợi dụng một nữ chiến binh trong đoàn đi săn, nàng Atalanta, nữ thần Artemis đã gây nên mối xung đột trong hoàng gia Calydon. Tuy Atalanta là người có công đầu trong việc giết con lợn rừng, nhưng các vị hoàng thân lại xem việc nữ giới nhận công đầu là một điều sỉ nhục nên không đồng ý trao chiến lợi phẩm. Trong khi đó Meleager – con trai vua Oeneus – lại thấy điều đó xứng đáng. Hỗn chiến xảy ra, vị hoàng tử trong lúc nóng giận đã đâm chết 2 người cậu của mình. Sau đó, hoàng hậu vì thương em cũng đã nhẫn tâm giết chết con mình. Bi kịch khủng khiếp ấy liệu có làm nữ thần Artemis nguôi giận?
Quái điểu Harpy - Sứ giả trừng phạt từ thánh thần
Tuy nhiên, đây có thể xem đây là những quái thú “ít độc ác” nhất trong danh sách. Theo lệnh của thần Zeus, những quái điểu có đầu phụ nữ nhưng mỏ và thân chim này có nhiệm vụ quấy rối cuộc sống của vua Phineas xứ Thrace. Phineas được thần Apollo ban cho khả năng tiên tri, nhưng lại lạm dụng điều đó để tiết lộ nhiều bí mật của thần thánh. Vì thế, ông bị phạt mù mắt, và đến mỗi bữa, quái điểu Harpy lại đến cướp hết thức ăn, chỉ chừa lại cho ông một chút ít để cầm hơi.
Đòn trừng phạt này chỉ kết thúc khi những anh hùng Argonaut trong hành trình đi tìm bộ lông cừu vàng đã đến đây giải cứu cho ông. Nữ thần cầu vồng Iris, chị của những Harpy, đã can thiệp để những anh hùng chỉ đuổi chúng đi chứ không giết.
Nữ quái Siren - Sự cuốn hút chết người
Đoàn anh hùng Argonaut và đoàn quân của Odysseus là những nạn nhân “nổi tiếng” của nhóm nữ quái Siren. Chúng là những nàng tiên cá có giọng hát ma mị đầy lôi cuốn, ngồi trên những tảng đá để quyến rũ những chàng thủy thủ. Những kẻ kém may mắn, trót mê đắm giọng ca chết người ấy có thể lao xuống dòng nước xiết để bơi đến với các nàng. Nhưng cuối cùng hoặc lao vào đá, hoặc bị nước cuốn đi.
Những thành viên sống sót, bao gồm cả anh hùng Odysseus nổi tiếng đều có chung một cách chống lại sự cám dỗ tai hại này: nhét sáp ong vào lỗ tai để không phải nghe gì cả! Tuy nhiên, Odysseus muốn nghe thử một lần trong đời, nên đã bảo anh em cột mình vào cột buồm, dù kêu gào như thế nào cũng không thả ra. Quả là một cách hay ho phải không?
Thủy quái Charybdis -Nỗi khiếp sợ của giới thủy thủ
Charybdis là một tiên nữ naiad, con của thần biển Poseidon và nữ thần đất mẹ Gaia. Nàng có một sở thích “tai hại” là hóa thành thủy quái để… vui chơi. Mỗi lần đi qua eo biển Messina thì những chiếc thuyền rất sợ phải đụng độ thủy quái Charybdis. Cứ mỗi ba ngày, nó lại uống một lượng lớn nước biển vào, tạo nên những xoáy nước đột ngột, có thể làm đắm thuyền bất cứ lúc nào. Rất nhiều người đã bỏ mình lại nơi đây.
Những chiến binh Argonaut là những người may mắn được nữ thần biển Thetis dẫn đường nên có thể an toàn thoát khỏi miệng tử thần. Còn đoàn quân của Odysseus lại không được may mắn như thế, con thuyền vỡ tan tành, trừ Odysseus đã nhanh chóng bám vào một cành cây để may mắn thoát nạn.
Sư tử vùng Nemea -Thử thách đầu tiên của anh hùng Hercules
Anh hùng Hercules trong 12 thử thách của mình đã đương đầu với rất nhiều quái thú, và sư tử vùng Nemea là “chướng ngại vật” đầu tiên. Con sư tử thường biến thành một người phụ nữ gặp nạn để lừa những người thợ săn. Ngoài ra, bộ lông vàng gươm đâm không thủng, tên bắn không xuyên ban đầu đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người con của Zeus.
Con sư tử hung dữ đã lôi Hercules vào cuộc đấu tay đôi bất đắc dĩ. Nhưng với bàn tay rắn chắc của mình, Hercules đã siết chặt cổ con quái vật, mặc cho nó ra sức giãy giụa, cào cấu. Và khi con sư tử đã tắt thở, dưới sự hướng dẫn của nữ thần Athena, Hercules dùng bộ móng của chính con vật để lột da, làm thành một bộ áp giáp đặc biệt.
Quái vật 9 đầu Hydra -Khả năng tái sinh kinh hoàng
Đây cũng là thử thách thứ hai của vị anh hùng vĩ đại nhất trong thần thoại Hy Lạp. Con mãng xà Hydra này cư ngụ ở hồ Lerna, một khu vực không ai dám bén mảng đến bởi hơi thở độc hại của con vật, chứ chưa nói đến việc chạm trán nó. Chín cái đầu Sau khi tìm hiểu kĩ về con quái vật này, trang bị mặt nạ phòng độc, Hercules còn nhận được sự trợ giúp của người cháu Iolaus đi cùng.
Nhát chém đầu tiên của Hercules làm đứt lìa một đầu của con mãng xà, nhưng ngay sau đó hai chiếc đầu khác mọc ra ngay từ nơi bị đứt. Qua một thoái bối rối, Hercules nhanh trí bảo người cháu đốt lửa ngay vào những chiếc đầu vừa chặt. Sự thông minh này đã ngăn chặn khả tái sinh kinh hoàng của con mãng xà, từ đó tiêu diệt nó dễ dàng hơn. Sau khi kết thúc, Hercules còn tẩm máu mãng xà Hydra - một độc chất có thể giết chết cả những vị thần bất tử - lên những mũi tên của mình, tạo nên món vũ khí lợi hại thứ hai sau bộ áo giáp sư tử Nemea.
Chó ba đầu Cerberus - “Kẻ gác cổng” địa ngục đáng sợ
Cerberus hẳn nhiên là “thú cưng” của thần địa ngục Hades rồi, nhưng trông nó không dễ thương chút nào cả! Cerberus có ba đầu, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhiệm vụ của nó là canh gác cổng địa ngục ở Tanaerum, ngăn không cho những kẻ đào thoát bằng cách bơi qua sông Styx. Tuy nhiên, có vài trường hợp nhờ sự dẫn dắt của các thần hay dụ dỗ bằng thịt tươi mà một số người trần có thể đánh lừa kẻ gác cổng địa ngục mà ra vào dễ dàng.
Hercules được Hades cho phép bắt Cerberus về trần gian trong thử thách cuối cùng của mình với điều kiện phải giao đấu tay không. Và yêu cầu này tỏ ra quá dễ dàng đối với người anh hùng bán thần này.
Con hydra kia là em thích nhất…. 3ahhyes3… 3crisp3