[Kênh14] - Có thật quai bị không loại trừ một ai và không loại trừ tuổi tác? Những biến chứng của nó có đáng lo ngại như những gì người ta “đồn thổi”?
Những sự thật về quai bị
Quai bị không loại trừ một ai?
Teen biết không, tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị như thường, nhưng khả năng mắc bệnh ở XY cao hơn XX đấy. Bệnh thường bắt đầu ghé thăm khi chúng mình ở tuổi lên 2 lên 3 nhưng nó ghé thăm "rầm rộ" hơn từ lứa tuổi 10-19.
Quai bị gây miễn dịch bền vững?
Dù khi teen bị sưng 1 hay 2 bên tuyến mang tai thì bệnh vẫn gây miễn dịch bền vững nên ít khi bệnh sẽ ghé thăm bạn lần 2 đấy. Đây là một bệnh nhiễm cấp tính do vi rút Paramyxo gây nên và thường phát vào thời điểm cuối mùa xuân. Vì lây theo đường hô hấp nên thời gian ủ và tái phát bệnh rất ngắn ngủi chỉ khoảng 6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.
Quai bị đôi khi khó nhận biết?
Một số ít trường hợp người bị nhiễm vi rút quai bị không có triệu chứng bệnh lý nên rất khó nhận biết. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp rất cá biệt. Bình thường, bệnh quai bị cũng rất dễ nhận biết. Khi tiếp xúc với vi rút quai bị khoảng 14-24 ngày, bạn sẽ có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm.
Sau đó, tuyến mang tai của bạn sưng to dần (có thể sưng 1 bên hay 2 bên) trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Nếu bạn bị sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể chúng không sưng cùng lúc, thông thường tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng.
Quai bị để lại nhiều biến chứng nguy hiểm?
Thực tế, bệnh quai bị ở tuổi teen chúng mình thường nặng và có nhiều biến chứng hơn khi chúng mình vẫn là cô bé, cậu bé. Bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm: Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, nhồi máu phổi, viêm buồng trứng, viêm tụy, các tổn thương thần kinh và một số biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu…
Phòng và điều trị bệnh thế nào?
Theo bác sỹ Hoàng Thị Kim Thanh (Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 48 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội) thì do bệnh lây qua đường hô hấp nên để phòng bệnh, teen cần thực hiện các bước sau:
- Cách ly bệnh nhân 10-21 ngày (thường là 10 ngày)
- Teen khi bị quai bị cần nghỉ ở nhà (thường 10 ngày) để tránh lây cho bạn bè.
- Khi tiếp xúc với bệnh nhân quai bị, chúng mình phải “cầu cứu” tới khẩu trang nhá.
- Tiêm vacxin phòng bệnh: vacxin sống giảm hoạt (thường kết hợp với các vacxin khác như sởi…) liều 0,5ml, tiêm dưới da một lần duy nhất. Vacxin cho miễn dịch tốt, không có tai biến, bảo vệ bạn được 3-5 năm.
Về điều trị: Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị những triệu chứng của bệnh.
* Thể viêm tuyến mang tai:
- Xúc miệng nước muối sinh lý 9‰ hoặc axit Boric 5%,
- Hạ sốt nếu sốt cao trên 39 độ C, giảm đau
- An thần nhẹ
- Ăn mềm, uống nhiều nước trái cây
- Nằm nghỉ tại giường,hạn chế đi lại trong thời gian còn sốt, còn sưng tuyến
- Cách ly tối thiểu 10 ngày
*Thể viêm tinh hoàn:
- Nằm nghỉ tại giường khi còn sưng, đau
- Mặc chíp để treo tinh hoàn
- Giảm đau: dùng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Giảm viêm: theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Sau khi tinh hoàn đỡ sưng đau có thể dùng vitaminE từ 1-2 tháng để tăng sinh tinh trùng.
- Ăn giá đỗ, uống nhiều nước trái cây.
Dinh dưỡng khi bị quai bị?
Bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm tươi sạch từ 4 nhóm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng), ưu tiên nhóm đạm (thịt, cá, trứng, sữa) và tăng cường ăn (hoặc uống nước ép) các loại trái cây, đặc biệt là nước cam, nước chanh để tăng cường sức đề kháng, hạn chế biến chứng.