[justify][/justify]
[justify]Cô Ngô Thị Quyên và các em nhỏ ở lớp học tình thương Biển Vĩnh Hảo. [/justify] Ảnh: Thanh Hà |
[justify]Nhưng cũng tại vùng đất gian khổ ấy, có những người đã rơi nước mắt trước hình ảnh các em nhỏ thất học và đã kiên quyết đi mở đường để mang ánh sáng tri thức đến với các em. Người thì xây lớp, người đi vận động, người dạy chữ… và bao tấm lòng khác đã làm nên lớp học tình thương mang tên Biển Vĩnh Hảo.[/justify]
[justify]Gieo chữ lắm gian nan[/justify]
[justify]Lớp học nằm chênh vênh trên gò đất tại xóm Bực Lở, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nhìn từ phía trước, lớp như gối đầu lên biển cả, nhìn từ phía sau chỉ thấy núi đá trập trùng. Hiền là một cô bé lớn lên từ đó, được học cái chữ từ lớp nghèo này. Và cô khát khao góp sức cho sự nghiệp gieo chữ ở nơi đây. Không thể đứng lớp, Hiền đến nhà từng em vận động cha mẹ cho các em đi học. Nắng mưa Hiền không ngại, đêm hôm cũng không làm cô gái trẻ chùn bước. Đi đâu, cô cũng mang câu chuyện của chính mình kể cho mọi người nghe, câu chuyện về cái chữ đã làm thay đổi cuộc sống của cô. Bao năm lặn lội trên những con đường cát trắng, bao năm bám núi tìm đường đến nhà các em nhỏ. Cuối cùng công sức của cô đã phần nào được đáp đền. Lớp học mang tên Biển Vĩnh Hảo ngày nào bi bô vài tiếng trẻ, giờ đã rộn ràng cả xóm nghèo.[/justify]
[justify]Cô Phụng vốn quê ở Hàm Tân, trong những lần ghé chùa chơi đã chú ý đến những gương mặt đen nhẻm ngây thơ của các em và lớp học giữa bốn bề gió cát. Cô đã chọn nơi ấy để dừng chân. Trước cô, nhiều thầy cô khác đã đến rồi đi trong thời gian ngắn. Bởi không ai chịu nổi cái nắng gió thất thường, không chịu nổi lũ trẻ còn nghịch ngợm, ham đánh nhau hơn ham học. Cũng có người thương, quyết dạy cho các em nên người, nhưng một thời gian sau cũng nản khi nghĩ đến đường đời của các em ngày mai, như hạt cát bay đi trên đồi cát… Năm năm gắn bó với lớp, cô Phụng dạy các em biết đọc, biết viết, biết tính toán. Cô còn là người mẹ, dịu dàng nâng niu các em từ mái tóc đến áo quần và là người cha nghiêm khắc phân xử khi lũ trẻ nghịch phá. Và biết bao vai trò cùng bao công việc lặng thầm không tên khác mà bằng tình yêu trẻ cô đã chu toàn tất cả.[/justify]
[justify]Tấm lòng người xây lớp[/justify]
[justify]Nhưng có một câu chuyện khác mà có lẽ ít ai biết, đó là chuyện về tấm lòng của cô Ngô Thị Quyên, người đã lặng lẽ chăm sóc cho lớp học từ những ngày đầu đến tận hôm nay, người đã bao đêm không ngủ để tìm con đường ngày mai cho lũ trẻ nghèo cô chưa được biết tên.[/justify]
[justify]Mười sáu năm trước, cô cùng chồng gom góp số vốn ít ỏi tích cóp được từ nhiều năm để mở quán cơm tại khu vực biển Cà Ná. Sau một thời gian sống ở đây, cô không ít lần chạnh lòng rơi nước mắt khi thấy cảnh các em nghèo thất học. Nhiều đêm trăn trở, cô Quyên bàn với chồng mở một lớp học tình thương ngay tại quán. Lớp học đơn sơ vách lá được dựng lên, song khó khăn lớn nhất khiến cô day dứt, đó là thái độ quyết liệt phản đối của ba mẹ các em. Không bỏ cuộc, cô cùng các nhân viên đi vận động từng nhà. Có học sinh rồi, cô lại tiếp tục lo lắng chuyện cô giáo. Nhiều thầy cô đến rồi đi, cô lại nôn nao dò hỏi khắp nơi, lòng cứ thấp thỏm các em sẽ bỏ lớp. Chỉ cần nghe tin có ai phù hợp, xa xôi mấy cô cũng tìm đến năn nỉ.[/justify]
[justify]Các em học hết lớp năm rồi nghỉ, tiếp tục lặn biển tìm tôm, tìm ốc. Người phụ nữ giàu tình thương ấy lại trằn trọc suy nghĩ. Cô đánh liều đến phòng giáo dục huyện xin cho các em được thi lên lớp 6, nhiều lần như thế cuối cùng nguyện vọng cũng được chấp nhận. Để đảm bảo chất lượng học tập của các em, cô mời phòng giáo dục đào tạo cử người kiểm tra trình độ của các em thường xuyên. Thế là con đường ngày mai của các em đã thênh thang hơn…[/justify]
THANH HÀ
(báo sài gòn tiếp thị)