Tâm sự - chia sẻ 2014-05-02 08:27:13

"Nó không máu mủ gì đến anh, nó chết thì kệ nó chứ" [sưu tầm]


Tôi đã rất cố gắng giải thích, cho đến khi vợ tôi buông ra câu “Nó không máu mủ gì đến anh, nó chết thì kệ nó chứ”. Tôi lặng người, nhìn người vợ mình yêu thương, hằng ngày vẫn nhân từ với ăn mày mà lại buông câu nói như dao cắt vào người chồng.
 
Xin chào các bạn đọc của mục Tâm sự!
Tôi là một độc giả tuy không thường xuyên nhưng vẫn theo dõi các bài viết của mục này mỗi khi rảnh. Thật sự là đàn ông tôi không muốn viết bài kể lể chuyện của mình. Nhưng thật sự hôm nay tôi cần lời khuyên từ các bạn.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo miền Trung. Năm tôi 4 tuổi thì mẹ đi cào muối bị trúng mưa bệnh nặng qua đời. Từ đó cuộc sống của tôi khó khăn bội phần, không có mẹ chăm sóc, cha thì đi biển dăm bữa nửa tháng mới về. 
2 năm sau, cha tôi cưới vợ hai. Đó là một người bán cá ở chợ hay đón thuyền mua cá của ông. Mẹ kế tôi sinh được một em trai nhỏ hơn tôi 7 tuổi. Cha tôi cưới vợ là muốn có người chăm sóc tôi khi ông đi biển. Nhưng số phận chưa dừng lại, năm tôi 10 tuổi, cha tôi đi biển gặp bão và không còn về nữa. Từ đó tôi sống cùng mẹ kế và em trai. 
Mang tiếng là mẹ kế nhưng bà rất thương tôi, đến nỗi bà nội, bà ngoại tôi đều yêu quý bà. Em tôi có gì thì tôi cũng có cái đó. Tôi đi học lúc nào cũng được sắm sửa đầy đủ không hề thua kém bạn bè. Ở với bà, tôi chưa từng có cảm giác bà là mẹ kế, bà thương tôi như con ruột. 

 Cuộc sống nói chung tạm ổn, chỉ có duy một điều, em hoàn toàn không thương mẹ và em tôi (Ảnh minh họa)

Anh em tôi cũng rất thương nhau, chúng tôi sống như một gia đình thực sự. Nhưng em tôi học rất kém, nó không thể nào học nổi trong khi tôi học khá, có thể thi đậu đại học. Năm đó làm ăn thất bát, giá thuê trong chợ cao, mẹ tôi phải dạt ra ngoài bán cá ngoài rìa chợ, bị đuổi lên đuổi xuống. Còn tôi thì cần tiền ôn thi Đại học.
Em tôi quyết định nghỉ học đi học sửa xe. Nó nói nó học cũng không vô nên đi làm nuôi anh hai học, chừng nào anh hai thành tài, mẹ con nó được nhờ. Tôi cũng vì câu nói đó mà quyết chí học hành sau này bù đắp cho mẹ và em. 
Tôi đậu đại học, vào Sài Gòn học. 4 năm ở Sài Gòn, cứ 3-4 tháng là em tôi đi xe hàng ké người ta vào 1 lần, mang nào gạo, cá khô, mắm, còn mẹ thì gửi tiền vào. Không nhiều chỉ vài trăm thôi nhưng đó là số tiền rất lớn ở vùng quê nghèo như tôi. Em tôi, nó thương tôi như anh ruột.
Tôi ra trường, xin vào làm sale ở 1 công ty, đồng lương tạm ổn để nuôi mẹ thì tôi gặp em - là vợ tôi bây giờ. Em là con gái ông chủ, tôi yêu em nhưng cố tránh né vì không muốn mang tiếng đào mỏ. Nhưng em kiên trì, thẳng thắng bảo yêu tôi. Rốt cuộc ba mẹ em cũng chấp nhận. 
Chúng tôi cưới nhau và ra ở riêng. Khi cưới em, tôi từ chối tất cả những gì ba mẹ em cho, từ nhà chung cư đến xe. Tôi nói rõ với em, nếu lấy tôi, em ráng chịu cực vài năm, tôi đi làm sắm sửa cho em chứ tôi không nhận từ ba mẹ em. 
Tôi nghỉ việc công ty, xin vào nơi khác làm. Cuộc sống nói chung tạm ổn, chỉ có duy một điều, em hoàn toàn không thương mẹ và em tôi. Trong em, em cứ nghĩ mẹ kế thì không có máu mủ, không cần quan tâm, không phải là mẹ chồng. Em không một chút thương xót cho cuộc sống nghèo của gia đình tôi mặc dù rất nhiều lần tôi kể cho em nghe mẹ đã nuôi tôi thế nào. 
Tiền lươngtôi hơn 10 triệu, tôi gửi mẹ 1 triệu, em trai 1 triệu, còn lại đưa hết 8 triệu cho vợ, chỉ giữ vài trăm uống café. Tôi nói rõ bổn phận của tôi là phải phụng dưỡng mẹ già (mẹ tôi đã nghỉ bán cá), chăm lo cho em. Nhưng vợ tôi rất hằn học, tôi buồn vì điều đó rất nhiều. 
Ngày em trai tôi lấy vợ, tôi nói vợ gửi về 5 triệu mừng em. 5 triệu đó vừa lo cỗ, vừa giúp em lợp lại nhà, lo cho vợ chồng em cái phòng tươm tất. Vợ tôi nhất quyết không chịu, nói là thằng em không máu mủ sao phải làm vậy. Tôi vừa giải thích vừa rất buồn, trong khi 5 triệu đó, vợ và mẹ vợ mua sắm một buổi chiều cũng hết.
Đến khi tôi nói nếu em không đồng ý, tôi sẽ ứng lương gửi về, vợ tôi mới dùng dằng quẳng cục tiền vào mặt chồng, kiểu như bố thí. Mà trong khi tiền đó tôi làm ra, tôi đưa em cất giữ, lương em thấp hơn tôi, em đi mua sắm, ăn trưa cũng hết. Tôi buồn lắm, nhưng cũng nhịn vợ cho êm cửa êm nhà. 
Rồi chúng tôi có con, em nghỉ việc chăm con, lâu lâu mẹ vợ tạt qua cho em chút tiền tiêu vặt. Tôi thì bây giờ được tăng lương lên khoảng 15 triệu, tôi vẫn gửi về quê 2 triệu, còn lại đưa vợ chi tiêu. Mới vừa rồi, em ngỏ ý với tôi, ba vợ muốn cho cái xe hơi cũ ông đang đi để em chở con đi không nắng nôi, chứ đi xe máy bất tiện. 
Tôi nói với em bây giờ nhà để dành được hơn 100 triệu, em ráng một thời gian, tôi mua cho em cái xe tầm tầm, chứ tôi không muốn nhận của bố em. Em rất bực bội, ngày nào cũng ca thán đi xe mệt nhọc, đòi tôi mau mau mua xe, lương tôi vẫn vậy, nên có muốn cũng phải một thời gian nữa. 
Chưa mua xe thì đùng một cái, em tôi ở quê phải vào viện vì bị lao. Tôi về quê thăm em rất xót xa một thằng con trai chưa đến 30 mà bị lao. Bác sĩ nói nó sửa xe, hít khói xăng dầu nhiều, thức khuya dậy sớm lại ăn uống không đủ nên mới bị. Nhưng chỉ làm chớm lao thôi, chứ chưa nặng, nếu điều trị sẽ khỏi nhưng em tôi còn bị xuất huyết bao tử do đau bao tử kinh niên mà không trị. 
Tôi ngồi nhìn em trai, nhớ đến lời hứa năm xưa mà thấy mình thật bất tài, lo cho mẹ và em cũng không xong, để họ sống cực khổ đến sinh bệnh. Hàng xóm láng giềng thì xì xầm nói tôi không phải con ruột nên bây giờ thành danh bỏ mặc mẹ kế. 
Tôi buồn lắm, về thành phố tôi bàn với vợ lấy 30 triệu ra trả viện phí, sửa lại nhà và lo cho vợ con em trai trong lúc nó nằm viện. Vợ tôi vừa nghe đến đấy đã nổi đóa lên, sỉ vả tôi là thằng không biết lo cho gia đình. Vợ tôi nói, tôi đem tiền về quê bao gái chứ bệnh gì mà mất những 30 triệu. 
Tôi đã giải thích là nhà mẹ tôi đã xuống cấp, cháu tôi cần ăn học, chúng nó đói khát khổ sở từ khi ba chúng nó nằm viện. Tôi đã rất cố gắng giải thích, cho đến khi vợ tôi buông ra câu “Nó không máu mủ gì đến anh, nó chết thì kệ nó chứ”. Tôi lặng người, nhìn người vợ mình yêu thương, hằng ngày vẫn nhân từ với ăn mày mà lại buông câu nói như dao cắt vào người chồng. 

Tôi nghe mà chán nản vô cùng, bao nhiêu yêu thương đều tan biến. Tôi chỉ muốn ly hôn, dồn sức lo cho mẹ già (Ảnh minh họa)

Tôi lẳng lặng thu xếp quần áo, xin nghỉ không lương một tháng, bắt xe về quê. Ngồi trong căn nhà tồi tàn, ăn bữa cơm chỉ toàn khô với mắm, tôi nhận ra mình chỉ là thằng tệ bạc khi không lo cho mẹ mình được. Mẹ tôi tóc đã bạc, người đã yếu, chưa dám mở miệng xin tôi bất cứ cái gì vì bà mặc cảm tôi là con riêng. 
Tôi mượn bạn bè được hơn 30 triệu, mấy hôm nay vừa kêu thợ sửa nhà vừa lo cho em trai trong viện. Thằng em tôi không biết gì, chỉ cười toe toét nói nhờ anh hai giỏi giang mà giờ cả nhà hưởng phước. Tôi nghe mà đắng lòng. 
Từ đó đến nay hơn 1 tuần, vợ tôi không gọi điện cho tôi. Tôi nhớ vợ, nhớ con da diết, muốn quay về ôm vợ, nựng con nhưng ở quê còn bề bộn, nhà cửa chưa xong. Tối qua vợ tôi nhắn tin nói muốn ly hôn, không chịu đựng được người chồng như tôi. 
Tôi nghe mà chán nản vô cùng, bao nhiêu yêu thươngđều tan biến. Tôi chỉ muốn ly hôn, dồn sức lo cho mẹ già. Không phải tôi hết yêu vợ, tôi vẫn yêu nhưng thật sự chán nản, mệt mỏi vì người vợ không cùng cách nhìn, cũng không thông cảm được cho tôi. Tôi thật sự không biết phải làm sao nữa?
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)