[justify]Nhọc nhằn mưu sinh[/justify]
[justify]Đa phần những người phụ nữ chọn nghề chạy xe ôm đều xuất phát từ hoàn cảnh gia đình nghèo túng, ít được học hành, nhưng ở họå tiềm ẩn nghị lực phi thường mà không phải người phụ nữ nào cũng có. Họ mạnh mẽ thách thức với nắng, gió, bụi, đường để đổi lấy chén cơm, manh áo nuôi cả gia đình.[/justify]
[justify]Buổi trưa ở bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nắng như đổ lửa, xe cộ vẫn tấp nập ra vào. Khi những chuyến xe từ các tỉnh cập bến cũng là lúc những bác tài xế xe ôm hối hả chạy theo bắt khách. Nổi bật trong dòng người chen chúc ấy là chị Võ Thị Ngọc Anh (SN 1959, ngụ phường 14, quận 11) mà người ta vẫn ân cần gọi chị bằng cái tên trìu mến "chị Nhị". Chị lặng lẽ đi sau cánh đàn ông và đưa mắt lên chiếc xe vừa đỗ bến cố tìm cho mình một người khách. "Làm nghề này là vậy đó, phải chạy đôn chạy đáo giành giật khách, chứ không thì đói chết", chị tâm sự.[/justify]
Bà Nguyệt khoe bằng khen "Hiệp sỹ giao thông" vừa nhận
[justify]Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo thuộc tỉnh An Giang, không có ruộng đất, gia đình chị chỉ có cái nền nhà nhỏ. Con đông, lại không có đất canh tác, gia đình chị bỏ quê lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai, chấp nhận cảnh đời "tha phương cầu thực". Sau khi dùng số tiền bán miếng đất ở quê mua lại căn nhà ở đường Âu Cơ, chị không còn một đồng trong tay để làm vốn. Thấy mấy ông chạy xe ôm cũng đủ sống lay lắt qua ngày, chị bạo gan đi vay nặng lãi mua chiếc xe cho chồng.[/justify]
[justify]Về phần mình, chị thuê thêm một chiếc với giá 20.000 đồng/ngày cùng chồng ra đứng bến. "Tui với ông xã chạy xe quần quật quanh năm cũng chẳng kiếm được là bao. Phần tiền mướn xe mỗi ngày, phần tiền lời hằng tháng, rồi con cái học hành, nói thật lúc đó, sáng nào tui cũng nhịn đói chở khách. Bữa nào "sang" thì được ổ bánh mì cưa đôi, tui một nửa, ông xã một nửa", chị Nhị chia sẻ. Mười lăm năm gắn bó với nghề chạy xe ôm cũng là ngần ấy năm, chị Nhị đương đầu với bao nỗi nhọc nhằn của "kiếp phu xe".[/justify]
[justify]Có thể nói, gánh nặng gia đình đã đưa đẩy người phụ nữ đến với nghề chạy xe ôm. Nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" hằng ngày buộc họ phải lao vào nắng mưa kiếm sống. Ở tuổi lục tuần, bà Võ Thị Nguyệt (nhà ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã có thâm niên 24 năm cầm tay lái. Người ta thường gọi bà là "nữ kiện tướng" xe ôm đất Sài thành. Sở dĩ bà chọn nghề này là vì chồng bà mất sớm, một mình bà "thân cò" lặn lội nuôi đàn con thơ dại. Rồi bà thử với nghề chạy xe ôm, tuy thu nhập không đáng bao nhiêu nhưng cũng đủ để cho mẹ con bà có được miếng ăn hằng ngày.[/justify]
[justify]Theo một số người chạy xe ôm, ngày càng có nhiều người làm nghề này, lý do đơn giản là dễ làm. Thêm vào đó, các tuyến xe buýt, taxi nở rộ khắp thành phố nên lượng khách đi xe ôm cũng giảm dần. "Khách ít quá thì mình chịu khó ở lại bến khuya một chút, chở thêm vài cuốc, sáng thì tranh thủ dậy sớm để kiếm thêm chút đỉnh", chị Nhị chia sẻ.[/justify]
Chị Nhị niềm nở mời khách (bên phải)
[justify]Trăn trở với nghề[/justify]
Hăng hái tham gia hoạt động xã hội[justify]Hơn 24 năm trong nghề chạy xe ôm, bà Võ Thị Nguyệt gặp không ít chuyện buồn vui. Ở tuổi 63, tuổi đã có thể nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, nhưng bà vẫn âm thầm đưa đón khách trên chiếc xe máy cũ kỹ. Thậm chí, vào mùa thi đại học - cao đẳng, bà còn xông xáo đứng vào hàng ngũ những người tình nguyện đưa thí sinh đến các địa điểm thi. Và sau mỗi mùa thi như vậy, bà đều được Thành Đoàn TP.HCM trao tặng bằng khen. Gần đây nhất, bà vinh dự nhận bằng khen "Hiệp sỹ giao thông" từ hoạt động tình nguyện "Total Hiệp sỹ giao thông" do công ty dầu nhớt Total Việt Nam và Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia phối hợp thực hiện.[/justify] |
[justify]Phụ nữ chạy xe ôm cũng giống như nghề "làm dâu trăm họ" . Những lúc gặp khách khó tính "cò kè bớt một thêm hai" hay những người khách xấu bụng bày trò "ăn quỵt" mới thương thay cho thân phận nữ xe ôm. Có lần, chị Nhị đưa một gã thanh niên đến đường Cô Giang, Quận 1. Chị ở đầu hẻm chờ hắn vào nhà lấy tiền. Nhưng chị chờ gần nửa buổi vẫn không thấy hắn quay lại. Biết mình bị lừa, chị lặng lẽ đi về mà trong lòng vừa ấm ức vừa thấy xót xa. "Tui đâu có biết hẻm này thông qua hẻm kia đâu. Thấy họ ăn mặc lịch sự, kêu chờ thì tui đứng chờ. Ai ngờ lại gạt tui một vố. Đau lắm chứ! Đứng chờ như vậy mất cả buổi chạy xe của mình rồi, nhưng làm gì được họ bây giờ. Tui tự an ủi chắc họ không nhớ đường quay lại tìm mình, để khỏi tức", chị Nhị chua chát kể.[/justify]
[justify]Hơn mười lăm năm trong nghề, chị Nhị không thể nhớ nổi mình đã bị khách "quỵt" bao nhiêu lần. Mỗi lần như vậy là một bài học kinh nghiệm dành cho chị. Dần dần, chị trở nên tinh tường trong cách nhìn người từ lúc nào không hay. Chị kể, cách đây bảy năm, trong một lần chở khách đi giữa đêm khuya, chị suýt bị cướp mất xe. Nhờ đoán biết ý đồ kẻ xấu nên chị thoát nạn. "Nó kêu tui chở đi Quận 4, hỏi đường nào thì nó không nói. Lên xe, nó chỉ tui chạy vòng vòng, hết hẻm này tới hẻm kia. Đến khi thấy đường mỗi lúc một vắng, tui dừng xe lại. Nó liền chụp lấy tay lái, tui la lên. Thấy người ta tới, nó bỏ chạy. Cũng may tui dừng xe kịp thời, nếu không là mất xe như chơi!".[/justify]
[justify]Cuộc sống của những người phụ nữ chạy xe ôm không bao giờ bình lặng. Ngoài gia đình khó khăn, họ còn đối diện với cảnh bon chen trong nghề. Có lúc họ bị dọa đánh đập vì tranh giành địa bàn hay bị đồng nghiệp giật khách là chuyện xảy ra như "cơm bữa". Đấy là chưa kể lúc chở khách là những gã đàn ông có máu "D" , trong lúc các bà, các chị cầm tay lái thì giở trò sàm sỡ. Nhiều phụ nữ không thể vượt qua cám dỗ dẫn đến sa ngã, đánh mất chính mình chỉ vì một vòng tay lợi dụng. Chị Nhị cho biết thêm: "Tui từng chứng kiến một số chị em nhẹ dạ tin lầm kẻ xấu làm tan nát hạnh phúc gia đình. Bởi vậy, phụ nữ mà chọn nghề này thì phải giữ vững lập trường. Bản thân tui cũng từng gặp những trường hợp như vậy. Mình phải giải thích rõ cho họ hiểu là mình làm ăn chân chính để họ dừng lại đúng lúc". [/justify]
[justify]VINH ĐIỀN - NGỌC LÀI (NĐT)[/justify]
[justify] [/justify]