Khi những con đường, con hẻm được nâng cao thêm 1-2m cũng là lúc những ngôi nhà của dân hai bên biến thành những căn hầm ngay giữa lòng TP.HCM.
Cửa nhà bà Nguyễn Thị Hoài (1007/3 Lò Gốm, Q.6, TP.HCM) trước kia cao 2,2m, nhưng từ khi làm đường mới, chiếc cửa ra vào chỉ còn khoảng 0,8m chẳng khác cửa tổ con tò vò! - Ảnh: Quang Định
Dọc những con đường mới như Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức), Phạm Văn Chí, Lò Gốm (Q.6)…, dễ dàng bắt gặp hàng trăm căn nhà kỳ dị như vậy.
Có những gia đình không chịu đựng nổi phải bỏ hoang hoặc rao bán căn nhà mới xây của mình với giá rẻ. Còn những người ở lại trân mình chịu đựng cuộc sống ngột ngạt và khổ sở. Họ ra vào nhà bằng cách chui, bò, bắc thang, kê ghế nhựa bên trong.
Trời nắng thì nóng hầm hập. Trời mưa, nước từ dưới cống, từ góc nhà trào ngược lên hôi hám, đọng lại trong nhà không thoát đi đâu được. Khổ sở là vậy nhưng họ chẳng dám ra khỏi nhà quá lâu, vì nếu chẳng may nước lên, trời mưa thì đồ đạc, bàn thờ trong nhà ngập ngụa trong nước bẩn.
Bà Lý Thị Ba (70 tuổi) bị tai biến chín năm nay, phải bò từ nền nhà lên mặt đường ở hẻm 1007 Lò Gốm, Q.6, TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Hoài đặt ghế nhựa ngay cửa để lên xuống nhưng vẫn rất thấp so với mặt đường
Nhà anh Nguyễn Vũ Thái Hưng thấp hơn mặt đường Phạm Văn Đồng gần 2m, phải dùng cầu thang để đi từ nhà lên mặt đường
Đường cao bằng nửa cửa nhà ở lô C đường Phạm Văn Chí, Q.6, TP.HCM
Sau mỗi cơn mưa, bà Nguyễn Thị Hoài phải múc nước trong nhà đổ ra ngoài. Nước tràn vào nhà là do đường cao hơn nền nhà trên 1m!
Hai bà cháu bà Phạm Thị Tỵ, nhà số 17 lô C đường Phạm Văn Chí, Q.6, TP.HCM trước ngôi nhà đang rao bán của mình
Một căn nhà bỏ hoang trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức, TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Tý (78 tuổi, 1007/3 Lò Gốm, Q.6, TP.HCM) rất ít khi ra khỏi nhà vì phải leo lên rất khó khăn