Oda Nobunaga là một lãnh chúa trong thời kỳ Chiến Quốc của lịch sử Nhật Bản. Ông là người có công rất lớn trong việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài trên khắp cả nước.
Oda Nobunaga là con trai của Oda Nobuhide, một lãnh chúa nhỏ được trao quyền cai trị một vùng đất nhỏ tại tỉnh Owari. Ông được sinh ra ở lâu đài Nagoya. Do chơi bời lêu lổng, không chịu tuân theo các quy tắc ứng xử của giới võ sĩ lúc đó, nên Nobunaga không được lòng cha. Thời trẻ ông bị người đương thời gọi là "Tên khùng xứ Owari”.
Nổi tiếng là người có tính cách khác thường và chính điều này đã giúp ông thành công trong sự nghiệp. Oda Nobunaga là một trong những vị tướng quan trọng nhất trong lịch sử Chiến quốc Nhật Bản. Cho đến tận bây giờ, tư duy và những chiến lược của ông vẫn được thế hệ sau học hỏi.
Thích sử dụng lính đánh thuêTrước hết, Nobunaga xây dựng quân đội của mình từ những nông dân trong lãnh địa của mình và từ những kẻ du thủ du thực chiến đấu vì tiền. Nói cách khác, ông sử dụng lính đánh thuê. Các daimyo khác đều dùng nông dân trong lãnh địa của mình làm quân lính của mình. Họ trung thành với chủ, có kỷ luật, hiểu nhau, có kỹ năng chiến đấu tốt vì được chủ huấn luyện suốt thời gian dài. Song vì là nông dân, nên vào các thời điểm sản xuất nông nghiệp là họ rời bỏ chiến trường về làm công việc của nhà nông. Cho dù lúc nông nhàn và tham gia quân ngũ, thì số lượng binh sĩ-nông dân trong lãnh địa của mỗi daimyo cũng không thể đông được. Trái lại, đội quân đánh thuê của Nobunaga thì ô hợp, thiếu sự trung thành, thiếu sự liên kết và thiếu cả kỹ năng chiến đấu. Thế nhưng Nobunaga lại tin rằng chính đội quân vô kỷ luật này sẽ giúp ông đánh được cả thiên hạ vì chừng nào Nobunaga còn trả tiền cho họ thì họ còn ở trong quân ngũ và vì là đi thuê khắp nơi, nên quân của Nobunaga khá đông. Nobunaga thường nhân lúc thời điểm sản xuất nông nghiệp là lúc binh sĩ-nông dân của các daimyo khác bỏ về hết mà tấn công họ. Nhưng cũng có nhiều lúc, khi các daimyo kia huy động được binh sĩ của mình trở lại, thì Nobunaga lại phải rút lui vì quân của ông tuy đông nhưng thiếu tinh thần chiến đấu cũng như kỹ năng chiến đấu. Tuy nhiên kẻ thù của Nobunaga cũng không chịu nổi kiểu đánh dằng dai này của ông nên cuối cùng họ cũng bị ông đánh bại.
Mạnh mẽ cải cách quân sựNobunaga đã thay đổi bộ mặt quân sự và cách thức tiến hành chiến tranh ở Nhật Bản. Ông đã phát triển, bổ sung và mở rộng việc sử dụng giáo dài, hỏa khí và các công sự của pháo đài cho phù hợp với những trận giao tranh quy mô lớn của thời đại. Những hỏa khí được đem đến Nhật bởi người Bồ Đào Nha đã mở đầu cho việc thành lập những lữ đoàn chuyên về súng hỏa mai và pháo binh. Khi hai xưởng sản xuất súng ống ở các vùng Sakai và Omi bị chiếm, Nobunaga đã có ưu thế hỏa lực vượt trội so với kẻ địch. Nhờ có lực lượng súng hỏa mai, kết hợp với yếu tố số lượng vượt trội hơn kẻ địch nên Nobunaga thường là người nắm quyền kiểm soát các trận đánh và dễ dàng đánh bại các kẻ thù của mình. Ông còn thiết kế ra đội hình dàn hàng ngang cho lính súng: chia thành nhiều hàng, hàng trên bắn thì hàng dưới nạp đạn, duy trì bắn liên tục để làm tối đa hóa sức mạnh của súng hỏa mai.
Dùng người không câu nệ lai lịchTrái với các lãnh chúa khác vốn chỉ sử dụng những võ sĩ có lai lịch rõ ràng làm thuộc hạ, Oda Nobunaga không câu nệ lai lịch khi dùng người, miễn là họ có thực tài. Ông lập ra một hệ thống chuyên ngành dành cho tầng lớp chiến binh, chỉ định thân tín vào các chức vụ dựa vào tài năng chứ không dựa vào tên tuổi, phẩm cấp hay quan hệ gia tộc như các thời kì trước. Điều này cho phép ông chiêu mộ dưới trướng của mình hoặc liên minh được với nhiều anh hùng song lai lịch không rõ ràng trong đó có Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu, hai người mà sau này đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất thiên hạ của Nobunaga và đều trở thành những Chinh di Đại tướng quân. Các gia thần của ông được ban đất đai dựa trên sản lượng lúa thu hoạch chứ không dựa trên diện tích vùng đất đó. Hệ thống có tổ chức của Nobunaga đã được đồng minh của ông Tokugawa Ieyasu phát triển rộng rãi khi xây dựng Mạc phủ Tokugawa ở Edo.
Tuy nhiên, cách dùng người như thế này cũng đem lại một số bất lợi cho ông đó là ông bị thuộc hạ phản bội không ít lần. Đặc biệt, sự phản bội của một số thuộc hạ thân tín đã dẫn đến cái chết của ông năm 1582 tại chùa Honnō. Bản thân Nobunaga còn là một người nóng tính, thích quát mắng và đánh đập gia thần của mình, ông gọi Hideyoshi là "khỉ" và Maeda Toshiie là "chó". Nhiều người cảm thấy nhục nhã khi bị đối xử như nô tì đã đứng dậy chống lại ông.
Dám đối đầu với cả các thế lực tôn giáoOda Nobunaga không ngại các thế lực tôn giáo có vũ trang. Chùa Enryaku của Thiên thai tông trên núi Hiei gần Kyoto trở thành một tổ chức có vũ trang đông đảo và không chịu tuân lệnh ông. Năm 1571, ông đã cho đốt chùa và giết các nhà sư-chiến binh cùng gia đình của họ (các nhà tu hành Phật giáo ở Nhật Bản được phép lấy vợ và có con) tổng cộng lên đến hơn 2 vạn người. Chủ trương này thể hiện tham vọng của ông muốn tiêu diệt triệt để mọi thế lực cản trở sự thống nhất Nhật Bản. Nhưng cũng vì chủ trương này, mà ông trở thành kẻ thù của các thế lực tôn giáo có vũ trang. Cái chết của ông năm 1582 có sự tham gia của các thế lực này.
Có tính cách và đầu óc của một doanh nhânTài hoa và sự thống trị của Nobunaga không chỉ giới hạn trên chiến trường, ông còn là doanh nhân xuất chúng khi hiểu được các nguyên tắc của kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô. Giới thương nhân Nhật Bản thời đó thường tham gia các nghiệp đoàn và thường phải chịu nhiều khoản thuế để được yên ổn làm ăn. Oda Nobunaga, tại các vùng đất mình chiếm được, đã xóa bỏ các nghiệp đoàn này và cắt giảm nhiều loại thuế. Nói theo lý luận kinh tế học, thì ông đã thực hiện một chính sách tự do hóa kinh tế, giải điều tiết kinh tế phần nào giống với chính sách của chủ nghĩa tự do kinh tế sau này.
Để hiện đại hóa nền kinh tế từ nông nghiệp lạc hậu sang nền kinh tế sản xuất và dịch vụ, ông đã thiết lập các lâu đài tại các thị trấn thành trung tâm và cơ sở cho nền kinh tế địa phương. Ông còn hạ lệnh xây dựng một hệ thống đường sá nối liền các lâu đài dưới quyền ông để tạo điều kiện phát triển thương mại và để phát triển giao thông, giúp quân đội của ông di chuyển một quãng đường dài chỉ trong một thời gian ngắn. Thông thương quốc tế cũng được mở rộng ra bên ngoài việc buôn bán với Trung Quốc và Triều Tiên, các mối buôn bán khác như với người châu Âu, Philippines, Indonesia… cũng được thành lập.
Chính sách trên đã thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển theo hướng thị trường. Năng lực sản xuất tăng lên. Giá cả hàng hóa giảm đi cho phép quân đội của Nobunaga đáp ứng quân nhu được tốt hơn. Kinh tế thị trường tự do còn giúp Nobunaga bán được dễ dàng hơn các sản vật từ những vùng mà ông kiểm soát, nên ông có ngân sách quân sự dồi dào hơn. Đấy cũng là những yếu tố giúp cho sự nghiệp quân sự của ông thành công.
Nobunaga cho ban hành chính sách rakuichi rakuza, một chính sách khuyến khích các thương nhân và nền kinh tế qua việc sử dụng một hệ thống thị trường tự do. Các chính sách trên đã giúp ông bãi bỏ và cấm sự độc quyền cho mở lại các đoàn thể, phường hội có đặc quyền, điều mà ông xem là trở ngại với thương mại. Tuy các chính sách trên có tác dụng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế, nó vẫn cần sự ủng hộ toàn lực của damiyo. Ông còn cho miễn giảm thuế, lập ra các luật điều chỉnh và giảm nhẹ việc vay nợ.
Bền chíOda Nobunaga không phải là người tinh thông binh pháp và không phải là tướng chiến trường giỏi, chỉ một xứ Mino mà ông phải mất tới 7 năm mới chiếm được. Nhưng ông rất kiên trì. Có những vùng đất mà ông tới đánh nhiều lần không được, song ông vẫn không bỏ cuộc. Tuy nhiên, những cuộc đối đầu dai dẳng của ông cuối cùng cũng làm đối phương kiệt quệ và chịu thất bại.