Tiếng là một nghệ sĩ, nhưng ông luôn hòa đồng và giản dị chẳng khác gì một người dân lao động, ngày tết cũng chẳng có lấy tấm áo mới.
[justify] [/justify]
[justify]Khi tới nhà NSƯT Trần Hạnh, người đầu tiên tôi gặp là một thanh niên cao lớn- chính là người con út ở cùng ông.
Con trai NSƯT không vội mở cửa nhà, anh chỉ nói ngắn gọn: “Tìm ông Trần Hạnh phải không, ông ấy đi vắng rồi!”.
Ngồi nói chuyện một chút, tôi cũng được anh mở cửa nhà - nơi "lão nông" Trần Hạnh sống bao lâu nay. Và, tôi đã không khỏi bất ngờ…
Cánh cửa mở ra, trước mắt chúng tôi là một gian phòng hẹp và tối, đồ đạc đơn sơ và dường như chẳng được chăm chút gì nhiều. Con trai "lão nông" đưa chúng tôi vượt qua 2 tầng cầu thang mới tới phòng ngủ cũng như phòng làm việc của "lão nông" và anh.
Căn phòng hơi bừa bộn, ngay cửa ra vào trải một chiếc chiếu để tiếp khách và cũng là nơi để ngủ. Gian phòng đã hẹp, lại có ban thờ án ngữ ngay giữa phòng nên càng trở nên chật chội hơn. Chưa kịp nói gì, con trai "lão nông" nhắc lại: “Ông ấy không có nhà đâu. Chắc đang ở nhà con dâu. Muốn hỏi gì ra đấy mà hỏi”.
“Ban ngày ông ấy không ở nhà, tối mới về đây!”- anh tiếp lời rồi quay đi, lặng im nghe tiếng niệm kinh Phật như được phát ra từ 1 cuốn băng cátsét cũ.
Không muốn làm phiền anh thêm nữa, chúng tôi đành ra quán nước ở đầu ngõ ngồi chờ. Bà hàng nước bắt chuyện: “Vào nhà ông Trần Hạnh phải không? Mấy hôm nay nhiều người tìm ông ấy lắm, nhưng có tìm được đâu!”.
Rồi bà cười, chia sẻ: “Cô cứ hỏi từ đầu đường vào, ai chẳng biết ông ấy! Phỏng vấn chứ gì? Ông ấy khổ lắm! Mới sáng nay, tôi vừa dọn hàng thì ông ấy đi qua bảo: “Bố đi làm đây!”. Bình thường giờ này là ông ấy ra trông hàng giúp con dâu, ở ngay bên cạnh ga Trần Quý Cáp ấy, nhưng hôm nay đâu như ông ấy đi quay phim ở mãi Hòa Bình”.
Một người phụ nữ ngồi cạnh bà xen vào: “Bố Hạnh giản dị lắm! Nghệ sĩ nổi tiếng đấy, nhưng nghèo lắm! Bố ấy thường hay ngồi uống bia ở bên kia đường. Nghèo nhưng chẳng lúc nào ông ấy kêu ca gì!”.
Theo câu chuyện qua lại giữa 2 người đàn bà hàng nước, chân dung của NS Trần Hạnh hiện lên khá rõ. Ông có 4 người con và hiện ở cùng anh con út - anh không được khỏe mạnh bình thường vì bị tai nạn xe máy.
Vợ NSƯT Trần Hạnh bị tai biến, nằm liệt giường hơn 10 năm trời và mới qua đời cách đây 2 năm. Tuổi đã cao, nhưng Trần Hạnh vẫn phải tự mình gánh gồng nuôi thêm cậu con trai út, cứ trái gió trở trời là lại “lên cơn”. Tiếng là một nghệ sĩ, nhưng ông luôn hòa đồng và giản dị chẳng khác gì một người dân lao động, ngày tết cũng chẳng có lấy tấm áo mới.
Chúng tôi tìm tới nhà người con dâu NS Trần Hạnh theo lời chỉ dẫn của bà hàng nước. Một gian hàng tạp hóa nhỏ nằm ngay bên cạnh ga Hà Nội. Cô Hồng- con dâu cả của NSƯT Trần Hạnh- vui vẻ tiếp chúng tôi. Cô bảo: “Bố tôi đi làm vắng rồi, chứ không là ngày nào ông cũng ra đây. Ông đi quay phim Ma làng đấy.”
Cô cho biết: “Bố thường tự mình đi xe đến xưởng phim, rồi quay ở đâu thì ông đi theo đoàn, xong việc ông lại tự đi xe về”.
“Ông hiền lắm, yếu rồi nhưng vẫn chăm chút cho con cháu. Trước đây bà còn sống, ông chăm sóc bà rất chu đáo. Ông chiều bà lắm! Bà đòi ăn món gì, dù phải đi xa đến đâu ông cũng đi mua cho bà. Đợt ấy, dù con cái cũng phụ giúp ông việc chăm sóc bà, nhưng hầu như ông tự đảm nhiệm hết. Bà nằm liệt hơn 10 năm vì tai biến, nhưng ông không một lời kêu ca”.
Hỏi về người con trai út, cô thoáng buồn: “Chú ấy không may bị như thế, bây giờ ông cũng phải lo đấy! Nhưng cũng may là chú ấy cũng hiền lành, cũng giúp ông được việc chợ búa và trông nhà”.
Đem băn khoăn về việc "lão nông" Trần Hạnh đã già yếu mà vẫn theo đoàn làm phim đi diễn xa, cô Hồng cười tươi, đầy tự hào: “Ông đi làm chủ yếu cho vui thôi. Thu nhập chính vẫn là lương hưu”.
Hỏi về mức cátsê của ông, cô xua tay: “Ôi, ông nhà tôi chẳng quan tâm đến cátsê đâu! Ông đi diễn vì yêu nghề thôi! Chẳng bao giờ ông hỏi là cátsê được bao nhiêu. Lúc xong việc, người ta đưa ông bao nhiêu thì ông cầm bấy nhiêu, chẳng đòi hỏi gì hết!”.
“Có lần ông vẫn còn bị quỵt tiền cátsê đấy chứ! Diễn xong, chẳng hiểu vì sao phim không được công diễn nên đạo diễn nói là hết tiền rồi, không có tiền để trả lương cho diễn viên. Sau này, có cô nhà báo biết chuyện, đã can thiệp và mãi người ta mới chịu trả lương cho ông đấy chứ!”.
Cô bộc bạch thêm: “Ông từng tâm sự là ông chẳng bao giờ chán nghề cả! Đã từng có người mời ông làm đạo diễn, nhưng ông từ chối. Ông bảo, nghề của ông là “nghề diễn” chứ không phải “nghề đạo diễn”.
“Bố Hạnh giản dị lắm, nhưng ông không thích phỏng vấn và cũng ít khi mời người nào vào nhà để trả lời phỏng vấn. Ngay cả với các anh em nghệ sĩ, ông cũng không mấy khi mời họ lên nhà. Tính ông thế, chẳng thích những chỗ ồn ào đâu. Thỉnh thoảng có đi họp mặt với các nghệ sĩ, nhưng ông cũng chỉ đi một chốc một lát rồi về”.
Chiều đã muộn, chúng tôi xin phép ra về để cô dọn hàng. Cô bạn đi cùng tôi thở dài: “Nghệ sĩ gì mà khổ thế! Không thể tin được một diễn viên nổi tiếng lại có cuộc sống thế này!”.
Còn tôi, cứ ám ảnh mãi căn phòng tối, hẹp và đơn sơ của "lão nông" Trần Hạnh. Gương mặt khắc khổ nhưng vẫn bừng sáng nụ cười hồn hậu của ông cứ chập chờn trong suy nghĩ của tôi.
Về tới nhà, câu nói của bà hàng nước ban chiều văng vẳng bên tai tôi: "Ông Trần Hạnh này còn khổ hơn cả ông Văn Hiệp. Khổ! Sao các nghệ sĩ của mình lại khổ thế cơ chứ!".[/justify]
Theo GDVN