[size=3]Đập hội đồng [/size]
[size=2]Hồi nhỏ học phổ thông, tôi sợ nhất là đánh nhau. Không phải sợ đau mà là sợ bị phụ huynh phát hiện. Để khỏi bị gây sự tôi cố gắng tìm hiểu và chơi với những đứa quậy phá trong lớp. Mục đích là để hiểu chúng nó muốn gì, được gì mỗi khi gây sự với các bạn khác. Kết quả là tôi bị nhiễm luôn cái thói ưa gây sự của chúng nó. Cộng thêm vào đó, với hoàn cảnh cá nhân khá thuận lợi cho những trò nghịch ngợm (tôi đi học trọ từ khi học lớp 5), dần dà tôi trở thành quân sư chuyên bày trò cho đám bạn quỷ sứ của tôi. Tất nhiên, hồi đó không có ma túy, không có gái gú và không có những trò đi bar, dạt nhà như bây giờ. Chỉ là bày trò nghịch trong lớp, trêu bọn con gái, phá phách bác bảo vệ trường, đốt pháo trong sân trường, trả đũa bọn đầu gấu ngoài phố hay bắt nạt học sinh trong trường. Có vài trận đánh nhau to nhưng đa phần chúng tôi đều dàn xếp được với nhau vì quen biết mặt nhau hết cả.[/size]
[size=2]Trong số những bạn học của tôi hồi phổ thông, có đứa sau này trở thành dân anh chị, cát cứ cả một khu vực nhưng chúng tôi gặp nhau vẫn không có khoảng cách, không thấy cảm giác rờn rợn như kiểu người ta chơi dao. Đơn giản là chúng tôi đã từng lớn lên với nhau, từng biết nhau và tôn trọng lẫn nhau. Trong mắt tôi, những đứa bạn đó bao giờ cũng sòng phẳng, dễ gần dù chúng có ngang ngạnh, ương bướng, ngổ ngáo nhưng tôi luôn cảm nhận được phần Ngừoi trong chúng nó. Tôi tôn trọng nó, lắng nghe nó. Chỉ có vậy thôi[/size]
[size=2]Lũ chúng tôi ngày đó, hễ đụng chuyện đánh nhau là kéo hội kéo cánh, có khi dàn quân xong thì nói qua nói lại được vài câu rồi giảng hòa, có khi lao vào nhau đánh lộn tầm bậy. Có trận chúng tôi lẫn chúng nó vác dao tông, mã tấu đi hùng dũng nhưng rồi sau khi dọa nhau vài đường thì phe nào phe đó té vì có người lớn can ngăn. Vũ khí dùng để đập nhau chủ yếu là gậu gộc và tay không. Không đứa nào chết vì bị đánh nhau cả. Chúng tôi gọi đó là trò đập hội đồng![/size]
[size=2]Mấy bữa nay báo chí liên tục đưa tin về màn trình diễn phản cảm của 2 học viên Arena tại lễ hội 20 năm của FPT. Chưa hết, họ tiếp tục nói về văn hóa STC của FPT và người ta gọi cái STC của FPT bằng 3 chữ Sờ Ti Cô. Thôi thì gọi là cái gì cũng được. Người ta quy kết đó là phản văn hóa, là vô chính trị, là mất lập trường, là bôi nhọ và thóa mạ các nhạc sĩ. Người ta sẽ thanh tra, sẽ kiểm tra và sẽ dùng các biện pháp hành chính để xử lý. [/size]
[size=2]Không muốn bình luận về việc này một cách chi tiết bởi lẽ có quá nhiều những tranh luận liên quan đến khái niệm Văn hóa và đặc biệt là bản sắc văn hóa Việt Nam. Bình luận thêm hay tranh luận thêm càng gây ra những rắc rối không cần thiết. Tôi là người FPT, yêu mến cái tinh thần của STC nên có đôi điều muốn tâm sự với các bạn, những người bạn có thời gian vào chơi ở Blog của tôi:[/size]
[size=2]Ở FPT, không có dưới 3 lần chúng tôi đã tổ chức những buổi sumup để luận bàn về STCo với mong muốn định nghĩa cho đúng STCo là gì và nó nên được dẫn dắt để phát triển theo hướng nào cho phù hợp với văn hóa dân tộc và biến nó thành một sức mạnh vô hình để tiếp sức cho sự phát triển của FPT. Kết luận của những buổi Sumup đó là: STCo là STCo, chưa thể định nghĩa được nó là cái gì dù nó vẫn hiện hữu trong đời sống hàng ngày ở FPT. [/size]
[size=2]Để có thêm cái nhìn về nó, người ta chí ít cũng nên sống trong môi trường FPT một thời gian hoặc làm bạn với một đám người FPT để có dịp sống trong cái không khí và hơi thở STCo. Có thể nói, STCo là hát xuyên tạc là không đầy đủ. Hơn thế nữa, STCo là một phong cách sống của người FPT, không bị bó buộc trong khuôn khổ của tư duy có tính chất giáo điều kinh viện, không bị kìm kẹp suy nghĩ theo cách mà lãnh đạo nghĩ. Mỗi người được tôn trọng quyền tự do suy luận, tự do tranh luận, tự do bình luận. Cơ chế đám đông và quy luật đạo đức của cộng đồng sẽ phán xử và lựa chọn những gì phù hợp với cộng đồng FPT được ở lại, những gì không phù hợp sẽ bị đào thải và bài xích không thương tiếc.[/size]
[size=2]STCo ra đời với tôn chỉ là những hoạt động nhằm xóa nhòa ranh giới quyền lực giữa lãnh đạo với nhân viên, nó là keo đoàn kết để gắn kết đội ngũ và giúp người FPT cân bằng giữa áp lực công việc với sự thăng hoa về tinh thần trong cuộc sống. Hát hò kể cả hát xuyên tạc chỉ là một bộ phận dễ nhìn thấy nhất của STCo. STCo còn có văn chương, thơ phú, câu đối, kể chuyện đêm khuya, đóng kịch, làm phim….vv. Là tất cả những gì có thể đem lại cho người FPT niềm vui. Các bạn hẳn sẽ có trong tay một tập "sách đỏ" của FPT, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong số những sản phẩm của STCo. Các bạn hãy tìm đọc sử ký FPT, cuốn sách đồng đội, báo chúng ta và các tờ báo nội bộ khác. Ở đó các bạn sẽ thấy được nhiều hơn những giá trị mà STCo đem lại, chí ít là cho cộng đồng 10 nghìn người FPT. Các bạn sẽ thấy người FPT chia sẻ một cách không giấu diếm những bài học thành công, những kinh nghiệm quản trị phong phú và cả những kiến thức được hình thành từ mồ hôi, công sức, tiền bạc của người FPT. Những thứ mà bạn sẽ rất khó để học được ở trong nhà trường hay ở những công ty khác bởi họ có thể coi đó là bí mật kinh doanh. Ở FPT, từ rất lâu rồi chúng tôi không coi đó là bí mật, chúng tôi coi đó là những tài sản kiến thức cần được chia sẻ. Nhu cầu chia sẻ những giá trị đó là những nhu cầu hết sức tự nhiên không màu mè và không đao to búa lớn.[/size]
[size=2]Bản thân tôi là người từng đào tạo và hướng dẫn nhiều nhân viên mới, có những người được chúng tôi mời vào thực tập rồi được hướng dẫn để trở thành nhân viên. Các bạn ấy đều được yêu cầu phải hòa nhập vào cộng đồng FPT như một nhân viên thực thụ. Chính không gian STCo là cầu nối để các bạn này không rơi vào trường hợp "ma mới". Họ thấy tự tin và hòa nhập vào một môi trường mà ở đó, người quản lý, người hướng dẫn họ cũng rất đời thường, rất gần gũi với sự ân cần và chu đáo. Trong khi có nhiều bạn sinh viên phải vất vả đi tìm chỗ thực tập, tôi chủ trương mời những bạn sinh viên có tố chất phù hợp với FPT về thực tập và trao cho các bạn cơ hội để có việc làm. Những bạn sinh viên về thực tập ở phòng tôi vẫn được trả một khoản phụ cấp gọi là phụ cấp học việc. Các bạn làm đề tài muốn có bất cứ số liệu gì chúng tôi sẵn sàng cung cấp mà không cần các bạn phải xin xỏ dù chỉ một lần. Các bạn hãy đề nghị và chỉ cho tôi thấy sự hữu dụng của số liệu bạn muốn có đối với đề tài của bạn. Điều này tôi tin chắc rằng ở Việt Nam không có nhiều công ty như vậy. [/size]
[size=2]Ở FPT, nếu bạn muốn đi nhậu mà không phải trả tiền và vẫn được vui vẻ sung sướng. Hãy mời sếp của bạn đi nhậu. Trừ phi những người ngồi nhậu cùng bàn cùng đẳng cấp thì các bạn sẽ chia nhau số tiền phải trả, còn nếu bạn đi với sếp, hãy yên tâm, sếp của bạn sẵn sàng lê la với bạn từ quán vỉa hè cho tới nhà hàng sang trọng với tư thế sẵn sàng làm cho bạn vui. Tất nhiên đó là tiền riêng của xếp chứ không phải là ăn nhậu rồi lấy hóa đơn về thanh tóan. [/size]
[size=2]ở FPT nếu bạn muốn khẳng định mình, bạn hãy chuẩn bị kỹ ý tưởng của bạn và đẩy cửa phòng của xếp rồi trình bày thẳng ý kiến của mình mà không cần phải vòng vo tam quốc. Thường thì bạn được sếp "quay" như chong chóng rồi cuối cùng, dù phương án của bạn chưa hoàn hảo nhưng bạn vẫn được thử nghiệm với một ngân sách nhất định. Công ty FPT Media đã hình thành như vậy. [/size]
[size=2]Ở FPT, nếu bạn bằng tuổi sếp, điều đó có nghĩa là bạn có thể gọi sếp bằng anh, bằng cậu, tớ, hoặc bằng thằng đều được. Đơn giản đó chỉ là cách xưng hô. Người ta có thể nói rằng cách xưng hô thể hiện sự tôn trọng nhưng ở FPT điều đó không đúng lắm. Tôi thường gọi tổng giám đốc của tôi là Lão béo, anh béo, đại ca, cậu béo…vv Tất nhiên là TGĐ của tôi biết nhưng 5 năm nay anh chưa bao giờ hỏi tôi tại sao mày lại gọi tao như thế. Chỉ là một cách gọi không hơn không kém. Miễn là gọi cách nào mà mình thấy dễ chịu nhất là được.[/size]
[size=2]Nhân viên của tôi thua tôi 1 tuổi, vẫn thường xưng hô với tôi mày tao. Nó vào muộn nó nhắn một cái tin vẻn vẹn: Tao có việc vào muộn chút nghe! Tôi trả lời cũng vỏn vẹn: Okie![/size]
[size=2]Ở FPT, nếu bạn Stress với công việc hãy đi tìm sếp của bạn để tâm sự. Nhiệm vụ của anh ta là phải nghe bạn nói, kể cả bạn nói về chuyện bạn stress vì cả tháng nay vợ/chồng của bạn không cho bạn đụng vào người nếu bạn thấy không ngại. Một cách nghiêm túc, sếp của bạn sẽ bằng kinh nghiệm sống của một người thường xuyên bận rộn sẽ lại tư vấn cho bạn một cách nhẹ nhàng. Nếu không, chí ít ra bạn cũng đã tìm được một cái thùng đựng rác để xả rác.[/size]
[size=2]Năm 2005, sự kiện Đặng Thùy Trâm rộ lên trên mặt báo. Hàng hà sa số các đơn vị đua nhau đóng tiền làm từ thiện. FPT chúng tôi cũng làm từ thiện nhưng chúng tôi không lấy tiền công ty ra làm từ thiện, các anh chị lãnh đạo bỏ tiền túi ra để làm từ thiện. chúng tôi cũng không thông qua bất cứ một tờ báo hay một tổ chức nào. Chúng tôi tự đi đến nơi mà chúng tôi cần đến, làm việc với những người chúng tôi cần làm và thực hiện những điều mà chúng tôi cần thực hiện. Chúng tôi muốn những đồng tiền của chúng tôi phải đến tay người được hưởng một cách đầy đủ và không suy suyển. Tất nhiên số tiền không lớn nhưng người FPT chúng tôi quan niệm: Cho bao nhiêu không quan trọng bằng cách cho. Chuyến đi đó của chúng tôi do một vị phó chủ tịch HĐQT dẫn đầu. Một nhà báo thường trú của báo tuổi trẻ đi cùng để giúp chúng tôi liên hệ với địa phương và anh được dặn dò là không đưa tin này lên báo. Chúng tôi làm vì tâm chúng tôi muốn thế và đạo lý của người Việt từ ngàn xưa vẫn thế. Trong thời buổi công nghệ PR đánh bóng đang rầm rộ như hiện nay, chúng tôi mong muốn những việc thiện mà mình làm nó long lanh như nó vốn có mà không dính một chút gì đó vào cái gọi là động cơ làm thương hiệu hay cái gì đó tương tự.[/size]
[size=2]Cũng trong hội diễn 20 năm, người ta chê trách FPT về màn múa khỏa thân phản cảm của 2 em học viên và chúng tôi cũng đồng tình với điều đó thì giá như họ đưa thêm một góc nhìn khác về hội diễn này như trường hợp anh HảiTQ đã chuyển thể Vision của FPT sang điệu hát Then một cách truyền cảm, ấp áp thìchắc có lẽ cái nhìn sẽ được đầy đủ hơn chăng. Người ta đã không làm như vậy bởi lẽ cái xấu bao giờ cũng là cái nổi bật, người ta muốn đứng trên góc độ đạo đức và ở góc độ đó người ta thấy mình cao hơn hẳn cộng đồng để bình luận. Người ta tự tin hơn. Chúng tôi chấp nhận chuyện đó và không chống lại điều đó vì chúng tôi hiểu đó là quy luật[/size]
[size=2]Để có được những thứ tôi vừa kể (thực ra vẫn chỉ là một số ít trong số những thứ mà chúng tôi có), không gì khác hơn đó là nhờ vào không gian STCo mà FPT đã dày công xây dựng. Những gì không phù hợp với thuần phong mỹ tục sẽ bị loại bỏ. Không có gì là vĩnh viễn và STCo cũng vậy, cũng luôn vận động, thay đổi để phù hợp với tầm vóc và hình ảnh của công ty. [/size]
[size=2]Những bài hát mà người ta gọi là xuyên tạc, đến nay đã rơi rớt nhiều, chỉ còn lại 2 bài Đoàn FPT (theo lời đoàn Vệ quốc quân) và bài người FPT (theo nhạc Pháp) là người FPT còn hay hát. những bài khác không hẳn đã thất truyền nhưng người FPT không hát nữa chỉ vì nhu cầu đối với chúng đã ít dần, ít dần.[/size]
[size=2]Về mặt luật pháp, các nhạc sĩ có thể phản đối và xã hội có thể lên án về mặt bản quyền nhưng với chúng tôi, điều đó thật là tiếc nếu như chúng tôi không tiếp tục được cất lên những bài hát mà chúng tôi hiểu rằng: Lời hát mà chúng tôi đặt ra nó hàm chứa khát vọng để mỗi người FPT thấy được sứ mệnh của mình phải góp phần đưa FPT trở thành một tên tuổi lớn ở phạm vi toàn cầu. Chúng tôi không dám nhận mình là đại diện tinh túy của người Việt Nam nhưng khi FPT trở thành một công ty có tiếng trên toàn cầu, chúng tôi tự hào là người Việt đang làm việc ở một công ty Quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.[/size]
[size=2]Chúng tôi sẽ tiếp tục hát, tiếp tục đặt lời, tiếp tục viết truyện, viết sách, viết báo bằng nhiều cách khác nhau bởi nó là nhu cầu tự thân của mỗi người FPT. Không ai ép chúng tôi phải làm việc đó, đơn giản nó là một cách để chúng tôi giải trí, một cách để chúng tôi cần bằng bản thân trong cuộc sống đầy vất vả và đòi hỏi mỗi người phải luôn luôn cố gắng như hiện nay cũng như mãi mãi về sau. Đó mới là điều mà FPT của chúng tôi mong muốn và luôn luôn hướng tới![/size]
[size=2]Trích từ 1 YahooBlog[/size]