Chuyện shock 2012-08-09 13:10:22

Phát hiện người lính từ thế chiến II vẫn còn đang sống và chiến đấu...trong Rừng


Vào buổi sáng oi nồng của ngày 10/3/1974, trước Cục Cảnh sát ở hòn đảo Lubang (Philippines) xuất hiện một người Nhật đã đứng tuổi, đường hoàng trong bộ quân phục gần như đã mủn hết của phát xít Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Ông ta trịnh trọng cúi chào những nhân viên cảnh sát Philippines đang há hốc mồm, cẩn thận đặt khẩu súng trường đã cũ của mình xuống đất và tuyên bố dõng dạc: "Tôi, Trung uý Hiroo Onoda. Theo lệnh chỉ huy, tôi tới đây đầu hàng". Đó là phần mở đầu cho câu chuyện đã làm cho cả thế giới sửng sốt về việc viên sĩ quan Nhật Hiroo Onoda, trong gần 30 năm liền không hề biết về việc đất nước mình đã đầu hàng, vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại người Mỹ tại khu rừng rậm nhiệt đới ở Philippines.
Người lính triệt để tuân thủ mệnh lệnh
"Tôi đã nói chuyện với anh ta chỉ một thời gian ngắn sau khi anh ta ra đầu hàng. Con người này suốt một thời gian dài vẫn chưa thể tỉnh ngộ được" - cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos của Philippines kể lại.
Câu chuyện về cuộc phiêu lưu kỳ lạ suốt hàng chục năm của viên sĩ quan Nhật trong rừng rậm Philippines bắt đầu vào ngày 17/12/1944, khi thiếu tá - Tiểu đoàn trưởng Taniguchi ra lệnh cho Trung uý Onodam 22 tuổi, chỉ huy cuộc chiến du kích chống lại người Mỹ tại Lubang: "Chúng ta đang phải lùi bước, nhưng đây chỉ là tạm thời. Các anh sẽ rút sâu vào núi và tổ chức những trận đột kích - đặt mìn và phá nổ các kho hàng. Tôi cấm các anh tự sát hay đầu hàng địch. Có thể phải mất từ 3,4 hay 5 năm, nhưng tôi sẽ quay trở lại với các anh. Chỉ có tôi chứ không một ai khác có quyền bãi bỏ mệnh lệnh này". Chỉ một thời gian ngắn sau, quân đội Mỹ đổ bộ vào đảo Lubang. Onoda chia "đội quân du kích" của mình thành từng nhóm nhỏ, tự mình rút lui vào rừng rậm cùng với hai binh nhì và viên cai Simada.
"Tôi vẫn nhớ khi Onoda chỉ cho chúng tôi chỗ trú ẩn của anh ta trong rừng rậm - cựu Phó cảnh sát trưởng Lubang Fidel Elamos kể lại – Nơi đó khá sạch sẽ, phía trên có treo khẩu hiệu với dòng chữ tượng hình: "Chiến tranh cho tới chiến thắng", còn trên tường gắn một bức chân dung Nhật hoàng được cắt từ lá chuối.
Onoda hoàn toàn không biết điều gì đã xảy ra với những người lính từ các nhóm khác. Hồi tháng 10/1945, anh ta nhặt được một tờ truyền đơn của Mỹ có dòng chữ: "Nhật Bản đã đầu hàng vào ngày 14/8. Hãy xuống núi và đầu hàng". Onoda có chút dao động trước khi nghe vài tiếng súng nổ ở gần đó. Điều này khiến anh ta nghĩ đến chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Còn tờ truyền đơn trên chỉ là chuyện giả mạo nhằm đánh lừa họ ra khỏi rừng. Onoda quyết định phải khôn ngoan hơn quân địch và cùng cấp dưới của mình chui sâu vào rừng hơn nữa…
Fidel Elamos cho biết: "Chúng tôi đã rà soát khắp khu rừng rậm nhiều lần mà không tìm thấy họ, nhưng đêm xuống thì các samurai này lại bắn vào lưng chúng tôi. Chúng tôi cố tình bỏ lại những tờ báo mới để họ hiểu là chiến tranh đã kết thúc từ lâu cũng như cả thư và ảnh từ những người thân. Tôi đã hỏi Hiroo: Vì sao anh không đầu hàng? Anh ta nói là vẫn tin những lá thư hay tờ báo trên đều là giả mạo".
Nhiều năm trôi qua, Onoda vẫn tiếp tục chiến đấu trong rừng rậm Philippines. Trong khi tại nước Nhật, hàng loạt các toà nhà chọc trời mọc lên, hàng điện tử Nhật tràn ngập thị trường thế giới, các thương gia từ Tokyo đã mua được nhiều tập đoàn lớn nhất của Mỹ… thì Hiroo vẫn tiếp tục chiến đấu vì Nhật hoàng và tin rằng chiến tranh vẫn đang tiếp diễn. Ban đêm, dưới cơn mưa nhiệt đới như trút nước, Onoda đã dùng thân mình để che chở cho khẩu súng trường. Cứ mỗi tháng một lần, nhóm của Onoda lại tổ chức phục kích những chiếc xe jeep của quân đội và bắn vào tài xế. Nhưng đến năm 1950, một binh nhì đã không chịu đựng nổi cảnh sống chui rúc, kham khổ - anh ta lần tìm đến đồn cảnh sát để đầu hàng. Bốn năm sau đến lượt Simada bị bắn hạ trong một cuộc đọ súng với cảnh sát trên bãi biển Gontin. Trung uý Onoda và người lính cuối cùng Kozuka của mình đào một hầm trú ẩn bí mật dưới đất và chuyển tới đó. Cả hai vẫn tin tưởng là cấp trên sẽ quay trở lại vì viên thiếu tá chỉ huy đã từng hứa như vậy.
Con sói đơn độc trong rừng rậm
Tháng 10/1972, ở gần ngôi làng Imora, Onoda đã cho chôn quả mìn cuối cùng còn lại của mình nhằm tấn công một đơn vị tuần tra của Philippines. Nhưng quả mìn do quá han gỉ nên không nổ, bắt buộc Onoda và binh nhì Kozuka phải tấn công đội tuần tra. Kozuka bị bắn chết, bỏ lại Onoda bơ vơ một mình. Tin tức về cái chết của một viên lính Nhật mãi 27 năm sau khi quốc gia này đầu hàng đã khiến Tokyo bị sốc thực sự. Các nhóm tìm kiếm cấp tốc được cử tới Myanmar, Malaysia và Philippines để tìm những người lính của Nhật bị "bỏ quên" trong các khu rừng rậm tại đây. Nhưng người tìm ra Onoda không phải là những anh lính đặc nhiệm của Nhật mà là Suzuki, một khách du lịch Nhật vào rừng để sưu tầm bướm, trong một dịp hết sức tình cờ. Ông này khẳng định với Onoda (lúc đó vẫn hết sức mê muội) về việc Nhật đã đầu hàng và chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Nghĩ ngợi một hồi, Hiroo nói: "Tôi không tin. Nếu thiếu tá cấp trên không thay đổi mệnh lệnh, tôi vẫn sẽ chiến đấu".
Quay trở về nhà, Suzuki đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm thiếu tá Taniguchi. Cuối cùng thì ông cũng tìm ra dù rất khó khăn - cấp trên trực tiếp của "samurai cuối cùng" đã đổi tên họ và làm nghề buôn bán sách. Họ cùng nhau tới vùng rừng rậm của Lubang, đúng nơi đã hẹn trước. Tại đó, Taniguchi mặc lại quân phục, trịnh trọng đọc một lệnh duy nhất trước Onoda đang đứng nghiêm - đầu hàng! Nghe xong lệnh, Trung uý Onoda mới hạ khẩu súng trường khỏi vai, thẳng tiến tới đồn cảnh sát địa phương và gỡ bỏ hết phù hiệu khỏi bộ quân phục đã mục nát. "Khắp đất nước Philippines đã diễn ra một loạt các cuộc biểu tình với yêu cầu tống Hiroo vào tù – bà vợ goá Imelda Marcos của Tổng thống Philippines thời đó kể lại - Bởi vì do hậu quả của "cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm" của anh ta, đã có tới 130 quân nhân và cảnh sát Philippines bị chết và bị thương. Nhưng chồng tôi đã ra quyết định ân xá cho Onoda khi đó đã 52 tuổi và cho phép anh ta trở về Nhật".
Trở lại sống với rừng
Tuy nhiên, Hiroo Onoda đã không hề vui mừng khi quay trở về quê hương. Onoda sợ hãi và ngạc nhiên khi nhìn thấy những ngôi nhà chọc trời của nước Nhật. Hằng đêm, Onoda chỉ mơ về khu rừng rậm, nơi ông đã sống mấy chục năm. Ông ta sợ cả chiếc máy giặt và choáng váng trước màn ảnh truyền hình. Vài năm sau, Hiroo mua một trang trại sâu trong rừng rậm ở Brazil và chuyển tới đó sống.
Khi phóng viên tìm gặp ông ta, Onoda kiên quyết từ chối nói chuyện và chỉ giải thích: "Tôi đã cho xuất bản cuốn sách No surrender: my thirty-year war, trong đó trả lời tất cả mọi câu hỏi rồi. Còn điều gì xảy ra nếu Thiếu tá Taniguchi không tới găp tôi ư? Rất đơn giản, tôi sẽ tiếp tục chiến đấu tới khi…", ông già Onoda hiện đã 82 tuổi vẫn kiên quyết trả lời như vậy.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)