Tin tức - pháp luật 2012-11-11 09:01:57

Phạt xe không chính chủ: Báo chí và CSGT đang hiểu sai quy định?


(GDVN) - Cơ sở pháp lý cho việc xử phạt vi phạm điều khiển xe mô tô mà không có giấy đăng ký xe mang tên người điều khiển.

Hôm nay, ngày 10/11/2012, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực thi hành.





Trên các diễn đàn và các phương tiện truyền thông đang xôn xao về việc sẽ xử phạt đối với hành vi không mang theo giấy tờ xe chính chủ. Vậy đâu là cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn để áp dụng quy định này?

Trước đây, trong Nghị định 34 cũng có quy định về vấn đề này, cụ thể:
Điều 33. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;
Theo điểm e, mục 8.3 Điều 1 Nghị định 71 sửa đổi điều khoản này như sau:
3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

e) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;
Vậy, thế nào là chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định?

Theo Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12 tháng 10 năm 2010, thì trách nhiệm đăng ký của chủ sở hữu xe như sau:
Điều 6:Trách nhiệm của chủ xe

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe.
Mặt khác, theo Nghị định 71 và Nghị định 34, thì người điều khiển xe chỉ bị xử phạt khi không mang giấy tờ như sau:
Điều 24: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b-) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định);
Như vậy có thể tóm tắt lại ở 2 ý:

1. Quy định xử phạt này là không mới

2. Cá nhân điều khiển xe không có trách nhiệm mang theo giấy tờ xe có mang tên mình (khoản 2 điều 24 không hề quy định về Giấy đăng ký xe phải mang tên người điều khiển xe).

Mặc dù Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính chưa quy định nghĩa vụ chứng minh vi phạm là của ai, nhưng theo nguyên tắc được áp dụng chung cho quan hệ pháp luật công, chẳng hạn trong Luật hình sự, thì cơ quan tố tụng mới là chủ thể có nghĩa vụ chứng minh tội phạm.

Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 đã bổ sung về nghĩa vụ chứng minh vi phạm tại khoản 2, điều 3, tuy nhiên đến 1/7/2013 Luật này mới có hiệu lực.

Vì thế, nếu muốn phạt người dân theo điểm e, mục 8.3 Điều 1 Nghị định 71 thì CSGT phải chứng minh được rằng xe này đã được mua, bán, tặng, cho mà không làm thủ tục sang tên.

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Đối với những trường hợp mua xe qua rất nhiều đời chủ xe thì người mua xe phải chịu trách nhiệm một phần. Nguyên tắc khi mua bán xe là phải nộp thuế rồi mới đi đăng ký. Tuy nhiên, một số người dân lại lợi dụng việc đó để không đóng thuế. Bây giờ muốn đăng ký lại xe thì phải lật lại hồ sơ.

Theo quy định, người sở hữu xe bán xe thì phải thông báo cho CSGT biết. Nếu ai cũng thực hiện nghiêm chỉnh như vậy thì sẽ không có chuyện mua bán qua nhiều người. Sau 30 ngày kể từ ngày mua bán mà không sang tên thì là vi phạm luật.

Hiện nay rất nhiều xe ô tô trôi nổi theo dạng đó, trốn rất nhiều tiền thuế của nhà nước. Trong trường hợp mua bán xe nhiều lần qua nhiều đời chủ khác nhau mà chưa sang tên đổi chủ thì sẽ không được lưu hành, nếu lưu hành là bị phạt”.

Ông Tuyên cũng cho biết, theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP về xử phạt khi đi xe không chính chủ, người điều khiển mà mượn xe thì sẽ không bị phạt về lỗi đi xe không chính chủ.

Khi được hỏi về các giấy tờ người mượn xe cần phải có để chứng minh là xe đi mượn thì ông Tuyên cho biết là “chưa có giấy tờ nào về việc đó và sẽ có văn bản hướng dẫn việc đó. Trong trường hợp bị CSGT thổi còi thì người điều khiển phải trình bày. Nếu trình bày có lý thì anh em sẽ không phạt”.

Ông Tuyên lấy ví dụ, “đối với một gia đình có đến 4 giấy phép sử dụng xe nhưng lại chỉ có một cái xe thì qua chứng minh thư, địa chỉ, đăng ký thì lực lượng chức năng biết là xe của gia đình mà sẽ không phạt vì không sang tên đổi chủ. Đối với những trường hợp mượn của bạn bè cũng như vậy.

Đối với những người sử dụng xe của cơ quan, nếu trình bày được mình là nhân viên của cơ quan thì cũng không bị phạt vì đi xe không chính chủ”.

Khi được hỏi về những trường hợp đối với xe cho hoặc tặng, ông Tuyên cho biết: trường hợp này vẫn phải sang tên đổi chủ. Còn về cụ thể thì Bộ Công an sẽ có thông tư hướng dẫn.
Chủ đề đã bị khoá hoặc bạn không đủ quyền thực hiện tác vụ này

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)