Tàu tuần dương của Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarborough |
Manila gọi động thái trên là một sự 'lăng mạ' có thể gây thêm căng thẳng trong khu vực.
Bốn tàu tuần dương và 10 tàu đánh cá của Trung Quốc đã thả neo quanh khu vực bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham).
Người phát ngôn của Manila cho biết các ngư dân của Trung Quốc đã khai thác trai và san hô mà Philippines tuyên bố là nằm trong quyền bảo hộ của luật pháp Philippines.
Theo thiếu tá Leol Egos, một tháng trở lại đây, đây là lần đầu tiên tàu của Trung Quốc tập trung nhiều như vậy ở khu vực bãi cạn này khi hai quốc gia trở nên căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền đối với khu vực này.
"Họ đang lăng mạ thêm và mang theo tất cả các loại tàu đánh cá, và tất cả những gì chúng tôi có thể làm là viện tới ngoại giao"- ông Egos nói.
"Họ thật sự muốn thử xem một quốc gia nhỏ bé như Philippines có thể làm gì để chống lại một người khổng lồ".
Ông Egos nói thêm rằng quân đội Philippine có tiềm lực yếu nhất trong khu vực, họ chỉ có hai đội tàu tuần tra và các tàu đánh cá ở khu vực bãi cạn, và chẳng thể làm gì khi tàu Trung Quốc đánh bắt cá ở đây.
Khi được hỏi về sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, người phát ngôn của Tổng thống Benigno Aquino cho biết Philippines chỉ có thể kiềm chế.
"Chúng tôi không hề mong muốn leo thang căng thẳng vào lúc này" - ông Edwin Lacier, phát ngôn viên của Tổng thống, cho biết.
"Do vậy, những gì chúng tôi đang làm chỉ là cung cấp tài liệu về tình hình…. và trình lên các tòa án (quốc tế)".
Nhưng người phát ngôn của bộ Ngoại giao Philippines là Raul Heznandez đã kêu gọi Trung Quốc "chấm dứt mọi kiểu hành động có thể làm tình hình nghiêm trọng thêm".
Kể từ khi hai nước bất hòa về khu vực bãi cạn này từ hôm 8/4 vừa qua, Philippines phát hiện ra 8 tàu đánh cá của Trung Quốc ở khu vực này.
Philippines đã điều tàu chiến lớn nhất của họ tới bãi cạn với mục đích bắt các tàu đánh cá này, nhưng hai tàu của chính phủ Trung Quốc đã chặn mọi nỗ lực của họ.
Philippines đã kéo tàu chiến về ngay sau đó để tránh leo thang căng thẳng và một toán tàu đánh cá của Trung Quốc cũng rời bãi cạn, tuy nhiên, các bên vẫn giữ tàu của họ lại đây để khẳng định chủ quyền.
Phía Philippines cho rằng bãi cạn này nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của họ và được luật pháp quốc tế công nhận. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng, khu vực này thuộc về nước này.