Phơi thuốc bắc trên mặt đường như rơm rạ
[justify]Từ cầu Cẩm Thủy vào đến thôn Dương Huệ, xã Cẩm phong, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, khoảng 1 km trên đoạn đường Hồ Chí Minh, đâu đâu cũng thấy rải đầy các vị thuốc Bắc. Mới sáng sớm, nơi đây đã có vẻ nhộn nhịp, tất bật bởi tiếng băm, chặt cây thuốc và những người được thuê bốc vác thuốc đem phơi trên đường.[/justify]
Thuốc Bắc được phơi trực tiếp trên mặt đường, được đảo bằng… chân, các loại phương tiện - và chắc chắn cả gia súc, vật nuôi - thoải mái cán lên
[justify]Tiến đến gần một đống cây thuốc lớn, chúng tôi gặp một nhóm người đang cặm cụi băm thuốc. Vừa nhanh tay chặt từng cành, rễ cây thuốc, một người làm thuốc ở đây cho biết: “Mấy hôm nay trời nắng nên chúng tôi tranh thủ làm nhanh để phơi cho hết mẻ thuốc này. Ít hôm nữa trời mưa phùn gió bấc là thuốc mốc hết”.[/justify]
[justify]Thuốc băm đến đâu, đội quân vận chuyển phơi phóng bốc đến đó. Họ ngang nhiên lấn chiếm hai bên đường hoặc ra cả giữa lòng đường, thậm chí tận dụng bất cứ khoảng trống nào (từ mái nhà, đường vào bãi tha ma, chỗ quay đầu xe trên đường…) để phơi thuốc.[/justify]
[justify]Mẻ thuốc này vừa khô, được đóng gói chuyển đi, lập tức đã có mẻ thuốc khác thay thế. Người phơi thuốc cũng chiếm trọn chỗ quay đầu xe đoạn giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh và đường 217 khiến việc giao thông nơi đây gặp khó khăn. Còn mức độ vệ sinh của thuốc thì… khỏi phải bàn.[/justify]
Thuốc trải tràn ra đến quốc lộ
[justify]Anh Bùi Xuân Vương, một người đi đường cho biết: “Tình trạng phơi thuốc tràn lan ra hai bên đường như thế này đã diễn ra nhiều năm nay rồi, rất bất tiện cho người điều khiển phương tiện giao thông. Nếu muốn tránh xe khác thì không còn cách nào khác là phải đi lên thuốc”.[/justify]
[justify]Được biết đoạn giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 217 này thường xuyên xảy ra tai nan dẫn đến chết người. Anh vũ Văn Thiêm, tài xế xe tải thường chạy qua đoạn đường này, cho biết: “Tôi thường xuyên lái xe qua đây, mỗi khi muốn quay xe thường rất khó khăn, chỗ quay xe và hai bên đường đều có cây thuốc phơi, không quay không được, nhiều khi đành phải cho xe đi cả vào thuốc thôi”.[/justify]
[justify]Kinh hãi hơn, có những hôm trời mưa, người dân chưa kịp thu thuốc về, trên những con đường lầy lội, những mảnh thuốc bám chặt bùn lầy, các loại bánh xe trườn lên thuốc. Những con đường làng trâu bò phóng uế, người phơi thuốc cũng chả buồn tránh, cứ thế phủ thuốc lên.[/justify]
Xe cộ vô tư đi trên thuốc
[justify]Anh Phong - một người ở xã Cẩm Tú - cho biết: “Không biết thuốc Bắc này có tác dụng chữa bệnh gì chứ kiểu phơi phóng thế này thì nhìn thấy đã phát bệnh lên rồi, đừng nói là uống thuốc vào nữa”.[/justify]
[justify]Để tìm hiểu về thực trạng phơi thuốc hãi hùng trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Cao Thanh Hưng, Trưởng phòng Y tế huyện Cẩm Thủy. Ông Hưng cho biết: “Theo tôi việc người dân làm như thế không đảm bảo về mặt vệ sinh và độ an toàn của thuốc. Thuốc Bắc phải được bảo quản và chế biến đúng nơi quy định, có chỗ phơi phóng, bảo quản đàng hoàng. Tôi sẽ cho kiểm tra lại việc này. Việc phơi thuốc như thế còn ảnh hưởng đến giao thông đi lại qua khu vực này”.[/justify]