Hơn 4 năm hàm oan
Lần theo con hẻm 100 đường Cô Bắc, tôi tìm lại nhà Trương Thị Kim Hoàn (SN 1984, ngụ P.Cô Giang, quận 1, TP.HCM). Không phải lần đầu tiên đến đây nhưng tôi vẫn phải hỏi thăm mới tới được căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo.
Căn nhà chừng 8m2 được ngăn thành nhiều tầng bởi những chiếc cầu thang gỗ là nơi cư ngụ của một gia đình gồm ba thế hệ với 10 nhân khẩu.
Khi nhắc lại quãng thời gian oan khuất của mình, Hoàn vẫn còn nguyên xúc động: "Đó là những ngày tháng khủng khiếp nhất đời em". Cô gái trẻ tâm niệm đời ai cũng có lúc gặp phải cảnh năm xui tháng hạn nhưng cô không ngờ khi mới bước vào tuổi trăng tròn đã rơi vào vòng lao lý đầy oan trái.
Đó là hồi cuối tháng 5/2004, Công an quận 1 (TP.HCM) bắt giữ nhiều con nghiện và những kẻ mua heroin tại khu vực Cô Bắc - Đề Thám. Trong đó, có 5 người trong gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lý.
Từ lời khai của những người trong gia đình này, Trương Thị Kim Hoàn bị khởi tố về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Mặc dù khi khám xét nhà Hoàn, công an không thu giữ được gì, Hoàn cũng kêu oan nhưng từ lời khai đầy mâu thuẫn của chị em Lý, TAND quận 1 kết án Hoàn 10 năm tù.
Trương Thị Kim Hoàn - người từng ngồi tù oan hơn 4 năm và con gái 16 tháng tuổi trong hiện tại. |
"Em thất vọng lắm! Em kêu oan hoài nhưng người ta không để ý. Khi điều tra viên lấy lời khai, những gì em khai họ cũng không ghi theo ý mình.
Em nói em không mua bán ma túy, cũng không có bằng chứng nhưng điều tra viên còn nói giờ không cần bằng chứng, chỉ cần có người chỉ thôi. Em khai gì kệ em còn ổng ghi theo ý ổng thôi à. Họ còn dọa dẫm, gây áp lực khiến em rất hoang mang”, Hoàn kể lại.
Nhớ lại quãng thời gian đó, Hoàn bùi ngùi: “Sau hai phiên tòa sơ thẩm, TAND quận 1 vẫn tuyên em 10 năm tù. Em định làm đơn chống án thì ông phó trại bảo "mày cứ viết đi, viết đi rồi người ta xử cho mày mười lăm, hai chục năm".
Em lúc đó mới mười mấy tuổi, có biết gì về luật pháp đâu nên sợ quá đâu dám viết. Thế nhưng, má em thấy em nói bị oan, má viết đơn cho em".
Cứ đi rồi sẽ đến, sau hành trình kêu oan không ngừng của người mẹ, ngày 14/1/2009, sau hơn 4 năm ngồi tù, Hoàn được tại ngoại. Ngày 6/1/2010, TAND quận 1 tổ chức công khai xin lỗi và bồi thường cho cô hơn 140 triệu đồng.
Hành trình đi tìm công lý
Nói về hiện tại, cặp mắt rưng rưng của Hoàn sáng lên. Sau khi được xin lỗi, cô được một đơn vị nhận vào làm tạp vụ. Gần một năm sau, Hoàn lập gia đình.
Hiện nay, vợ chồng cô đã có một “công chúa” gần 16 tháng tuổi. Do sinh con, hoàn cảnh, Hoàn nghỉ làm luôn chỗ cũ để ở nhà phụ mẹ chăm con và người chị gái bệnh tật, buổi chiều cô đi phụ quán ăn kiếm thêm thu nhập.
Cuộc sống hiện tại dù còn khó khăn nhưng vì đã trải qua những ngày tháng oan khiên nên Hoàn hài lòng với hiện tại. Hoàn có ngày hôm nay không thể không nhắc đến công ơn của người mẹ - bà Nguyễn Thị Nở (SN 1950).
Trong một lần tâm sự về hành trình kêu oan cho con gái, bà Nở không nén được xúc động, nước mắt trào ra: “Tôi mừng lắm cô ạ, không bõ công tôi bao nhiêu năm đi khắp nơi để kêu oan cho con.”
Chia sẻ về động lực kêu oan thay con suốt bốn năm ròng, bà bảo: “Ngày ấy con tôi mới 20 tuổi, cả đời nó có xa ba mẹ bao giờ đâu? Dù nhà nghèo khổ, đói rách nhưng tôi có thể làm đủ mọi nghề để nuôi con, miễn là làm ăn lương thiện.
Nhiều đêm thức trắng nghĩ dại hay con mình buôn ma túy thật nhưng lại thấy tiền nó không có một đồng, điện thoại nó không dùng. Họ bảo con tôi là đầu nậu buôn ma túy mà không dùng điện thoại sao được. Hỏi con thì kiên quyết nói không, nên tôi tin…”
Thế là, với trình độ chưa hết tiểu học, bà đã lên phường mượn cuốn sách Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự về đọc và nghiền ngẫm thay con. Mỗi lần bà mượn về đọc hai tuần, ngày thì đi kêu oan, đi liên hệ thăm nuôi con, đêm về lại đọc, không dám đọc ban ngày vì vừa bận, vừa ồn ào lại sợ mấy đứa cháu đòi nghịch làm hư sách.
Có lần không có tiền đi xe buýt bà đi bộ hàng chục cây số để gõ cửa các cơ quan công quyền, vừa đi vừa khóc vì thương đứa con gái út tội nghiệp.
Đọc mãi, đi mãi, thành ra giờ bà đọc thông viết thạo, thuộc lòng cả một số điều luật. Thuộc lòng cả tên, địa chỉ và một số cá nhân tại các cơ quan liên quan đến pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, một số cơ quan báo chí…
Bà nhắc đi, nhắc lại những cái tên vẻ hàm ơn với những người đã từng lưu tâm, lắng nghe chia sẻ của bà như ông Bùi Hoàng Danh - Chánh án TAND TP.HCM, luật sư Trịnh Thanh - Văn phòng luật sư Người Nghèo.
Thế nhưng, trên hành trình đầy mồ hôi, nước mắt ấy của người mẹ cũng gặp không ít những cá nhân ở cơ quan công quyền tỏ ra lạnh lùng, khinh miệt. Họ cho rằng bà là người mẹ nghèo ít học nhưng nhiều chuyện, phiền phức…
Thế mới biết để tìm lại sự thật trong những vụ án oan sai không phải dễ dàng. Người ta chỉ tìm ra nó khi làm việc bằng cả trái tim và lý trí.