Ảnh minh họa |
Những ngày nóng ẩm có thể là có hoặc không có mưa nhưng đặc điểm chính là oi nồng. Nếu dùng quạt phun nước vào lúc này ta thấy hiệu quả giảm nhiệt độ không khí thấp, đặc biệt cảm giác oi nồng lại tăng lên.
Trong kỹ thuật điều hoà không khí, người ta quy định độ ẩm tiện nghi, tức độ ẩm mà con người cảm thấy dễ chịu nhất và không phát sinh các bệnh về hô hấp là từ 30 - 70% (theo tiêu chuẩn Mỹ).
Con số này phụ thuộc và từng tộc người nên Tiêu chuẩn Việt Nam quy định là từ 60 - 75%, có lẽ vì người Việt Nam ưa ẩm hơn. Tuy nhiên, khi dùng quạt hơi nước quá lâu, độ ẩm không khí trong phòng quá cao trong nhiều giờ không những làm tăng cảm giác oi bức, ngột ngạt mà còn gây nguy cơ mắc các bệnh phổi và đường hô hấp.
Độ ẩm cao trong phòng không những tác động xấu đến sức khoẻ con người mà còn làm giảm tuổi thọ và tăng nguy cơ hỏng hóc các thiết bị điện tử trong phòng như làm chập mạch, gây ăn mòn, han gỉ các mối hàn, làm hỏng và lão hoá các tụ hoá, điện trở và các linh kiện trong mạch điện.
Ngoài ra, trong kỹ thuật điều hoà không khí có một nguyên tắc làm lạnh và khử ẩm trong mùa hè. Theo đó, mùa nóng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản là toàn bộ thời gian có nhiệt độ ngoài trời trên 17oC), còn sưởi ấm và phun ẩm trong mùa đông khi có nhiệt độ ngoài trời dưới 17oC, ở nhiệt độ 17oC nhiệt thừa trong nhà cân bằng với nhiệt tổn thất ra môi trường nên không cần chạy máy điều hoà. Như vậy, quạt hơi nước dùng trong mùa hè là trái với nguyên tắc điều hoà không khí.
Tóm lại, quạt hơi nước chỉ sử dụng hiệu quả cho những vùng nóng khô như Trung Cận Đông, vùng có khí hậu sa mạc. Ở Việt Nam, quạt hơi nước chỉ sử dụng hiệu quả cho những ngày nắng khô, có gió Lào. Do đó, phải rất thận trọng khi sử dụng quạt hơi nước trong những thời tiết nóng ẩm, chỉ dùng quạt ở các nơi thoáng mát, không dùng quạt hơi nước trong phòng kín.
PGS.TS Nguyễn Đức Lợi (Viện Nhiệt Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)