Tin tức - pháp luật 2012-10-31 04:27:37

Rút lại tên bão Sơn Tinh


(ĐVO) Việc lấy tên Sơn Tinh, vị thiện thần trong truyền thuyết, để đặt tên cho một cơn bão gây thiệt hại nặng nề về người và của cho nhiều tỉnh thành Việt Nam, đã làm dấy lên những làn sóng không đồng tình.

Siêu bão Sơn Tinh vừa đổ bộ vào một số tỉnh miền Bắc và bắc Trung Bộ đã làm hàng chục người chết, mất tích và bị thương, gây thiệt hại về kinh tế, cơ sở vật chất hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi chính quyền và nhân dân nơi bão Sơn Tinh đi qua đang khắc phục những hậu quả do cơn bão này gây ra, thì dư luận dấy lên những thắc mắc về việc đặt tên cho hiện tượng thiên nhiên này.

Người đặt tên không hiểu văn hóa?

Trong truyền thuyết dân tộc Việt Nam, Thánh Tản Viên Sơn Tinh là một trong “tứ bất tử” của người Việt và được xem là vị phúc thần biểu tượng cho nỗ lực của con người chống lại các hiện tượng thiên tai như bão lũ, mưa ngập. Chính vì vậy, việc lấy tên Sơn Tinh để đặt cho một cơn bão mạnh gây nhiều thiệt hại cho con người đã vấp phải nhiều phản ứng của dư luận. Đa số các ý kiến không đồng tình với cách đặt tên như vậy.

Nguyễn Hồng Nhung (Hà Nội) cho rằng: “Bão Sơn Tinh đã gây thiệt hại lớn cho nhiều tỉnh nước ta. Tôi thấy lấy tên vị thần vốn là biểu trưng cho chiến thắng bão lụt, thiên tai của con người như Sơn Tinh đặt tên cho bão là không ổn và rất phản cảm. Lẽ nào người đề xuất tên gọi này không biết gì về văn hóa Việt Nam?”.

Chung quan điểm, Trịnh Thành Sơn (Hải Phòng) cho biết: “Còn rất nhiều cái tên phù hợp khác để đặt cho một cơn bão. Tôi khá bất ngờ khi biết tên Sơn Tinh do chính các nhà khoa học của Việt Nam ta đề cử. Tôi cho rằng đây là sự kém hiểu biết về văn hóa của người đề xuất đặt tên phúc thần Sơn Tinh cho một trận bão. Làm thế này là biến một phúc thần thành thần thiên tai rồi còn gì nữa!”.


Một status khá bức xúc trên Facebook phản đối việc lấy tên Sơn Tinh đặt cho một trận bão. Ảnh chụp màn hình.


Chủ đề này còn “nóng” trên một số diễn đàn mạng. Trên diễn đàn Voz, các thành viên lập hẳn một trang topic (chủ đề) để bàn luận về việc đặt tên bão Sơn Tinh. Nhiều thành viên mạng xã hội Facebook cũng đăng các dòng trạng thái thể hiện thái độ phản đối việc đặt tên như vậy.

Thành viên DPT trên Facebook bức xúc: “Tên Thủy Tinh để làm gì mà lại đặt tên Sơn Tinh? Giá trị đảo lộn hay người đặt tên mù văn hóa?”.

Nhiều thành viên cho rằng, “cứ lấy số đặt tên cho các trận bão cho đơn giản, không cần thiết phải thành lập ban bệ, rồi đề xuất tên nọ kia cho mất thời gian, tốn tiền của”.

Tuy nhiên, một số thành viên trên mạng cho rằng chỉ là cái tên gọi nên không cần quan trọng hóa vấn đề, “việc cần thiết hơn lúc này là lo khắc phục hậu quả của bão”.

Đề xuất rút lại tên bão Sơn Tinh

Trước các ý kiến này, ông Bùi Văn Đức - tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên - môi trường) - cho biết: “Theo quy định, Việt Nam có thể rút lại tên gọi Sơn Tinh trong danh sách đặt tên cho bão. Vì vậy, sẽ kiến nghị để rút lại tên này trong phiên họp thường niên của Ủy ban bão của khu vực”.

Bão Sơn Tinh tạo sóng lớn đánh sập và làm biến dạng hoàn toàn đê biển Hòn La (Quảng Bình).


Trao đổi với Đất Việt, ông Đức cho biết: "Danh sách 20 tên gọi cho bão đã được cả một hội đồng của Tổng cục Khí tượng thủy văn (trước đây) đề xuất từ năm 2002. Danh sách này sau đó được đưa sang cơ quan ngôn ngữ nhà nước thẩm định, đánh giá. Sau đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn mới gửi lên Ủy ban bão khu vực và Ủy ban này đã chọn 10 tên bão do Việt Nam đề cử, gồm Côn Sơn, Sao La, Sông Đà, Sơn Tinh, Lekima, Sơn Ca, Ba Vì, Hạ Long, Vàm Cỏ".

Ông Đức cũng cho biết thêm, việc Ủy ban bão khu vực lấy tên Sơn Tinh đặt cho cơn bão số 8 vừa qua là hoàn toàn ngẫu nhiên theo thứ tự bảng chữ cái trong danh sách các tên bão mà các nước đề xuất.

Ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương – cho biết: Ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương, Ủy ban bão của khu vực đã họp và đưa ra quyết định là các nước sẽ đề cử tên các cơn bão để lựa chọn vào danh sách được duyệt đặt tên cho bão. Nhiều nước đã đăng ký tên các vị thần, các loài hoa, loài thú quý hiếm, địa danh nổi tiếng và cả món ăn… để đề cử cho Ủy ban bão của khu vực. Trung Quốc từng đề cử tên bão là Ngộ Không, Lào đề cử tên Champa… cho Ủy ban bão của khu vực lựa chọn.

Ông Hải cũng cho biết, mỗi năm Ủy ban bão sẽ họp một lần và có bàn đến nội dung các nước đề cử tên mới, loại tên cũ theo danh sách. Các nước có thể kiến nghị bỏ tên bão do nước khác đặt.

Hàn Quốc từng đề nghị loại bỏ tên bão Saomai (Việt Nam đề cử) ra khỏi danh sách tên bão vì cơn bão mang tên này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã đề nghị bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam và Ủy ban bão của khu vực đã chấp nhận.

Từ trước đến nay, mới chỉ có ba cơn bão có tên do Việt Nam đề cử ảnh hưởng đến nước ta. Cụ thể, vào tháng 9/2007, cơn bão Lekima đã đổ bộ vào Quảng Bình - Hà Tĩnh; vào tháng 7/2010, cơn bão Conson đi qua vịnh Bắc bộ rồi đã đổ bộ vào các tỉnh phía bắc. Gần đây nhất là bão Sơn Tinh đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ ngày 28/10 vừa rồi.

Cách đặt tên các cơn bão



Các cơn bão nhiệt đới được đặt tên từ đầu thế kỷ 20, tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các nhà dự báo thời tiết và công chúng trong việc theo dõi và cảnh báo, tránh nhẫm lẫn giữa các cơn bão. Trước đây, việc đặt tên cho các cơn bão do Cơ quan dự báo khí tượng của Hải quân Hoa Kỳ thực hiện.

Ban đầu, người ta đánh số cho từng cơn bão trong từng mùa mưa bão theo nguyên tắc lấy ngày cơn bão xuất hiện để đặt tên cho nó. Sau đó, Hải quân Hoa Kỳ có sáng kiến lấy tên Thánh của ngày xuất hiện cơn bão để đặt tên. Danh sách tên đề cử này sẽ được gửi cho Tổ chức khí tượng thế giới sử dụng theo thứ tự từ A đến Z.

Trong Thế chiến II, các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương được đặt tên không chính thức theo tên của phụ nữ. Nguyên tắc bất thành văn này do đoàn dự báo thời tiết của Lục và Hải quân Mỹ đề ra, dựa trên việc phân tích trong tiếng Anh, tiếng Pháp và một số nước phương Tây, bão có nghĩa là giống cái nên người ta đã sử dụng tên con gái để đặt tên bão. Tên của bão vì thế thường lấy tên vợ hoặc bạn gái của các nhà dự báo.

Những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào nữ quyền thế giới cho rằng bão lũ toàn đem lại những điều tồi tệ nên phản đối việc lấy tên phụ nữ để đặt tên các cơn bão. Trước yêu cầu này, Tổ chức Khí tượng thế giới đã phải dung hòa bằng cách dùng một tên nam giới và một tên nữ giới đặt tên cho các cơn bão xen kẽ nhau. Tên này do các nước thành viên tiến cử cho Tổ chức Khí tượng thế giới lựa chọn.

Riêng ở khu vực tây bắc Thái Bình dương, trước đây có quy định, tên bão là do Cơ quan khí tượng của Hải quân Hoa Kỳ đặt, việc đánh số các cơn bão lại do Nhật Bản đảm trách. Đây là quy định chưa thực sự hợp lý nên các nước trong Ủy ban bão của khu vực đã họp lại, bàn thảo và đưa ra quyết định: các nước sẽ đề cử tên các cơn bão để lựa chọn vào danh sách được “chốt”, các tên trong danh sách này sẽ được dùng để đặt tên cho các cơn bão.

Từ ngày 1/1/2000, các cơn bão ở lòng chảo tây bắc Thái Bình Dương (khu vực mà Việt Nam nằm trong) được đặt theo một danh sách các tên mới lạ. Những tên mới bổ sung bao gồm các tên châu Á, được lấy từ các nước và vùng lãnh thổ là thành viên của WMO trong khu vực. Mỗi trong số 14 thành viên cung cấp 10 cái tên, tạo thành danh sách 140 tên bão.

Những tên này có hai điều khác biệt so với tên bão ở các nơi trên thế giới. Thứ nhất, hầu hết chúng không phải là tên riêng của người, mà thường là tên hoa, động vật, chim, cây cỏ hay thậm chí tên món ăn. Thứ hai, các tên này không được đặt tuần tự theo thứ tự chữ cái, mà theo thứ tự chữ cái của tên các nước.

(Theo Tuổi trẻ)




Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)