Tôi lần giở tập hồ sơ vụ án giết người, cướp tài sản và bỗng ngạc nhiên vì bị can có cái tên rất lạ: Vẫn Anh Hoài - người mang một cái họ chắc chắn là rất hiếm trên đời này.
Vị thẩm phán giao tập hồ sơ cho tôi nói vui: Chỉ có người mẹ đặt tên cho con mới biết đầy đủ ý nghĩa sâu sa của tên này, có thể là Vẫn Nhớ Anh Hoài, Vẫn Thương Anh Hoài, thậm chí Vẫn Giận Anh Hoài. Cái tên mềm mại như vậy mà người mang tên đó lại có thể thực hiện một tội ác không ai có thể ngờ tới. Ngạc nhiên nữa là khi phạm tội, Hoài chưa tròn 18 tuổi và trong tờ giấy khai sinh của mình, phần họ tên cha để trống. Cái sự “để trống” tên cha trong giấy khai sinh cứ ám ảnh tôi suốt thời gian nghiên cứu hồ sơ bởi tôi hiểu, trong sự sa ngã của kẻ có khuôn mặt khôi ngô ấy có một phần trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ.
Tại cơ quan điều tra, khi được hỏi về tên cha, Hoài chỉ biết là Lương Sơn Mỹ. Đó là do mẹ kể lại chứ từ khi sinh ra tới giờ, Hoài chưa một lần nhìn thấy mặt cha. 26 tuổi, người đàn bà không chồng mà có con ấy hẳn đã phải chịu nhiều cay đắng của miệng lưỡi người đời. Cho đến bây giờ, Hoài cũng không biết bố làm gì, sống với ai và ở đâu.
Tuổi thơ cay đắng ấy được Hoài khai rất thật trong lý lịch của mình: Từ nhỏ, tôi sống với mẹ. Đến năm 2004, mẹ đưa tôi sang Quảng Đông, Trung Quốc. Mẹ làm công nhân cho một xí nghiệp sản xuất giày da ở đó. Năm 2010, tôi về nước, sống tại nhà bác ở cụm 3, Thọ Lộc, Phúc Thọ, Hà Nội, nhưng tôi thích chơi bời, lêu lổng nên thường xuyên bỏ nhà đi lang thang. Tôi không biết làm gì cả. Trước khi phạm tội, tôi vào làm thợ sơn bả tại Khu du lịch làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Nhìn vẻ ngoài, Hoài có khuôn mặt khá sáng sủa với dáng người cao ráo, đôi mắt luôn mở to và dễ dàng bắt chuyện với người khác. Thế nhưng, khi biết tường tận về tội ác Hoài đã gây ra cho người bạn gái của mình, nhiều người không khỏi rùng mình.
… Vẫn Anh Hoài sinh ngày 8-8-1994, độ tuổi còn quá trẻ, dễ tiêm nhiễm thói xấu và sẵn sàng thực hiện những hành vi khiến người ta phải bàng hoàng. Sau khi trở về Việt Nam, Hoài đã quen và yêu chị Nguyễn Thu Hương (SN 1991), nhà ở thị xã Sơn Tây. Biết chuyện, bố mẹ Hương ngăn cản vì Hoài kém Hương 3 tuổi, lại không có công việc ổn định gì. Về nước một thời gian lại chán, Hoài có ý định quay sang Trung Quốc với mẹ. Nhưng muốn sang phải có tiền. Một ý nghĩ đen tối lóe lên. Hoài sẽ lừa chị Hương để lấy chiếc xe máy của chị.
Khoảng 6h ngày 16-4-2011, Hoài gọi điện bảo Hương đến cây xăng ở xã Thọ Lộc, Phúc Thọ đón Hoài. Sau đó, Hoài sẽ chở Hương đến công ty may nơi Hương làm việc. Tới nơi, Hoài viện cớ cần xe để thăm một người bạn vừa bị gãy chân nhưng Hương không đồng ý cho Hoài đi một mình mà bảo sẽ đi cùng. Sợ Hương biết mình nói dối nên Hoài nói là phải đi 13-14km vào tận Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây nhận tiền công xong mới đi thăm bạn được, nhưng Hương vẫn… nằng nặc muốn đi cùng.
Hoài đành chấp nhận và đưa Hương vào khu vực đảo Vải thuộc xã Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội. Đang dạo chơi vui vẻ, Hoài bỗng hốt hoảng nói là bị mất chìa khóa xe máy nên bảo Hương ngồi lại một mình, còn Hoài giả vờ đi tìm. Lang thang một lúc, chợt Hoài nhìn thấy một cái giếng hoang không có nước, Hoài nảy ý định sẽ đẩy Hương xuống giếng rồi cướp chiếc xe máy. Màn kịch tiếp theo, Hoài chạy lại chỗ Hương ngồi tâm sự rất tình cảm và đòi quan hệ tình dục với cô để cô không mảy may suy nghĩ bất cứ điều gì. Quan hệ xong, Hoài choàng vai Hương, hai người lững thững đi bộ trong khu rừng vắng vẻ, tiến lại gần cái giếng hoang.
Như để chứng tỏ với người tình biết cơn hưng phấn sau cuộc ái ân vẫn còn, Hoài nhiều lần bế thốc Hương lên, phủ những nụ hôn nóng bỏng lên khuôn mặt cô. Trong khi Hương ngây ngất với hạnh phúc thì Hoài lại nghĩ khác. Y nhiều lần định thả cô xuống giếng nhưng rồi lại băn khoăn: Nếu đẩy Hương xuống giếng, Hương không chết thì chắc chắn Hương sẽ gọi điện về cho gia đình và lúc đó y sẽ không thoát khỏi lưới pháp luật. Rất nhanh, y tìm mọi cách để lấy chiếc điện thoại của Hương. Lần cuối cùng, y bế thốc Hương lên khiến cô gái trẻ vui sướng. Y đặt Hương lên thành giếng rồi áp người mình xuống người Hương. Trong khi Hương chưa hiểu được việc làm của Hoài thì y đã luồn tay vào túi quần Hương để lấy điện thoại rồi vứt ra cạnh giếng. Công việc cuối cùng, y đẩy mạnh để Hương rơi tự do xuống giếng.
Từ trên nhìn xuống, thấy Hương nằm bất động dưới giếng, nghĩ là Hương đã chết, Hoài lấy mũ bảo hiểm cùng đôi giầy Hương đi ném xuống giếng rồi lấy chiếc điện thoại cùng xe máy của cô.
Hơn một ngày sau, chiều tối 17-4-2011, ông Nguyễn Văn Luyến (bố đẻ Hương) không thấy con về đã làm đơn trình báo đến Công an thị xã Sơn Tây. Cùng ngày, Công an thị xã Sơn Tây đã tổ chức xác minh, bắt giữ Hoài và cứu được Hương lên khỏi giếng, đưa Hương vào Bệnh viện 105 Bộ Quốc phòng. Đến hôm nay, cô đã dần hồi phục nhưng những việc làm mà kẻ giết người họ Vẫn gây ra với cô vẫn là một cơn ác mộng.
Trong lời khai của mình tại cơ quan điều tra ngày 17-4-2011, Hương nhớ lại: Hoài đưa tôi vào một khu rừng có nhiều cây cối rậm rạp, không thấy một ai qua lại. Hai người tới gần chiếc giếng nhỏ, thành giếng cao khoảng 1m, miệng giếng nhỏ và sâu. Sau một lúc đùa nghịch thì Hoài đã đẩy tôi xuống giếng làm tôi bị va đập vào thành giếng rồi rơi xuống đáy, độ sâu khoảng 10m. Tôi gắng sức kêu cứu đến khản tiếng với hy vọng ai biết đến cứu nhưng không có ai. Tôi nhìn lên, cũng không thấy Hoài ngó xuống một lần nào. Tôi mệt mỏi, đau đớn, ngất và tỉnh nhiều lần nên chỉ biết ngồi im dưới đáy giếng cho đến khi được mọi người đến cứu rồi đưa vào bệnh viện. Hiện tôi đang bị choáng, chân tay không thể cử động được…
Có thể nói, sau 33 giờ dưới giếng sâu, Hương vẫn sống và điều đó thật kỳ diệu. Bởi nếu sự việc không được phát hiện, có thể cô sẽ chết bởi đói, khát và dưới độ sâu như vậy có rất nhiều khí độc hại. Hơn một ngày trời với ánh sáng và bóng đêm đã trôi qua trên miệng giếng. Trong những giờ phút tuyệt vọng ấy, Hương đã nghĩ gì? Chắc chắn một điều, cô không thể ngờ gã trai vừa ân ái với cô lại có thể ra tay giết hại mình một cách dã man như thế. Và cô đã khóc, buồn đau, bất lực và căm giận.
Còn vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ diễn ra vào tháng 12-2011 tại TAND TP Hà Nội tâm sự với tôi giọng xót xa: Từng xử nhiều bị cáo chưa thành niên nhưng khi đọc hồ sơ vụ án này, tôi thấy lạnh người. Kẻ giết người và cô gái vừa trải qua những giây phút hạnh phúc, vậy mà y đã giết hại cô hết sức hèn hạ. Vụ án xảy ra đúng thời điểm cô gái thấy mãn nguyện nhất bởi sự nâng niu, chăm sóc của người tình đối với mình mà không mảy may đắn đo hay cảnh giác.
Có thể lý giải phần nào sự lạnh lùng của Vẫn Anh Hoài khi ra tay giết người tình từ góc độ gia đình. Thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ cùng với lối sống buông thả, tự do đã nhanh chóng biến y thành người vô cảm và y thực hiện tội ác một cách giản đơn như thế. Có hai điều may mắn xảy ra trong vụ án này: Nạn nhân không chết và kẻ giết người chưa đủ 18 tuổi. Nếu không, bản án nghiêm khắc nhất với y là điều khó tránh.
Những trang cuối cùng của tập hồ sơ khép lại nhưng cảm giác nặng trĩu bắt đầu dâng lên trong tôi. Tôi hiểu, vết thương lòng của cô gái trẻ đến hôm nay vẫn còn chưa kín miệng và kẻ giết người sẽ còn phải qua một hành trình dằng dặc để gột rửa tội lỗi. Và trên hành trình đó, sự ám ảnh về buổi sáng định mệnh ấy sẽ còn đeo bám y trong nhiều tháng, nhiều năm.