Chỉ một con phố ngắn trong làng sinh viên Phùng Khoang (Hà Đông) có tới hơn 30 tiệm cầm đồ - Ảnh: T.G
Con nợ…
Đào Xuân H., quê Hải Dương là cựu SV trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, hiện đang làm phụ xây. H. tốt nghiệp hệ CĐ trường ĐH Công nghiệp cách đây 2 năm, lẽ ra giờ này cậu phải học hệ liên thông và chuẩn bị ra trường, nhưng con đường học tập buộc phải ngắt quãng vì cậu đã vay nặng lãi quá nhiều.
H. tâm sự: "Lúc đầu, em chỉ thiếu một vài trăm ngàn tiền ăn, tiền trọ. Thấy các anh khoa trên nói là chỉ cần thẻ SV hoặc bằng tốt nghiệp cấp 3 ra một số quán trước cổng trường là có thể vay được tiền. Nghĩ là vay tạm rồi chờ tiền nhà gửi lên thì trả, nhưng ai ngờ…".
Điều H. không ngờ ở đây là càng ngày cậu càng lún sâu vào chuyện nợ nần. Có được một khoản tiền lớn một cách quá đơn giản nên H. tiêu pha mà không hề suy tính. Vài tháng sau giật mình thì khoản nợ đã nhảy từ 3 triệu lên gần 6 triệu đồng. Chủ nợ thúc giục, H. cầu cứu bạn bè. Nhưng các bạn cũng không có tiền để giúp. Vì thế cậu thuyết phục mọi người cho mượn thẻ SV để "cắm" (thế chấp ở tiệm cầm đồ -PV) nhằm cắt lãi. Sau khi "cắm" thẻ của bạn và cắt lãi được một vài tháng, số tiền dư ra từ việc cắm thẻ, H. lại dốc vào các trò đỏ đen như lô đề, cá độ. Đến kỳ thi tốt nghiệp, H. bị chủ nợ "săn".
Bế tắc, H. phải thông báo cho người nhà về khoản nợ hơn 40 triệu đồng. H. hối hận: "Ngày đó em quá sai lầm khi dính vào chuyện cầm cắm, cái giá mà em phải trả quá đắt. Không biết đến bao giờ em mới lấy lại được niềm tin từ mọi người".
…và chủ nợ
Chúng tôi đã tìm đến những khu vực gần các trường ĐH, CĐ ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên…
Theo ghi nhận ban đầu, ở khu vực gần mỗi trường CĐ, ĐH thường có không dưới chục quán cầm đồ, "cắm" thẻ hướng tới SV. Có những quán hoạt động dưới hình thức quán hàng nước ven cổng trường như quán B.Đ ở gần một trường CĐ tại Hà Nam, quán H.D tại khu vực trường ĐH Khoa học tự nhiên
Các chủ nợ còn có một đội quân đòi nợ thuê. Đó thường là những phần tử "rắn mặt", người thân tín trong gia đình hoặc là những con nghiện. Khi gặp con nợ khó đòi, chủ nợ thoạt tiên sẽ dọa báo gia đình, báo nhà trường. Nếu không thấy tác dụng thì những "bài" khác lập tức được đưa ra như: đánh dằn mặt, thậm chí dọa tạt a-xít vào bạn gái. Những con nợ khó đòi mà ngang ngạnh còn bị phạt toàn bộ chi phí đi lại đòi nợ.
Trong vai một SV đi "cắm" thẻ, chúng tôi đã trực tiếp thâm nhập vào các tiệm cầm đồ A.T (nằm giáp trường ĐH Khoa học tự nhiên Thái Nguyên), tiệm M.V (nằm giáp Học viện An ninh), tiệm H.A (giáp trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Nam Định). Hầu hết những SV được vay tiền thường là để ăn chơi. Những SV khác nếu muốn vay thì phải có được lời giới thiệu "vàng ngọc" của những đàn anh ấy.
Ngoài ra, với những SV thuộc các trường như: Học viện An ninh, ĐH Bách khoa thì thường được các chủ tiệm cầm đồ ưu ái hơn. Một ông chủ cầm đồ trên đường Nguyễn Trãi khẳng định chắc nịch: "Những SV này thường là con nhà khá giả, khả năng trả nợ rất cao, cho vay không phải nghĩ". 5 - 10 nghìn đồng/triệu/ngày là mức lãi suất phổ biến mà các ông chủ cửa hàng cầm đồ áp dụng. Với các SV vay nóng một vài ngày số tiền trên dưới 1 triệu đồng, tiền lãi thường được tính ở mức 15 nghìn/ngày.
Để "chắc ăn", các chủ nợ còn bắt SV viết một bản cam kết vay nợ nhưng không ghi mức lãi suất. Đồng thời bắt SV giới thiệu viết một bản cam kết khác với nội dung là sẽ có trách nhiệm với khoản tiền mà mình giới thiệu vay. Cũng để che giấu hành vi cho vay nặng lãi, các ông chủ cầm đồ thường buộc SV ghi vào giấy vay nợ lý do vay nợ nhằm phục vụ các việc như: trang trải sinh hoạt phí, làm đồ án hay mua máy vi tính phục vụ việc học…