Tâm sự - chia sẻ 2011-09-09 07:46:44

Sợ hãi khi tham gia giao thông ở thủ đô


[size=2]Tôi sinh ở Hà Nội và hiện nay công tác tại TP HCM. Mỗi lần về Hà Nội là mỗi lần cảm thấy sợ hãi, ngột ngạt và thật khổ sở khi phải đi lại trên đường phố thủ đô.[/size]Quen ở Sài Gòn tuy đông, người dân từ tứ xứ đổ về nhưng thấy vẫn còn thông thoáng, các phương tiện đi lại có hàng lối, trật tự. Thường thấy bị ùn chứ không tắc đường như ở Hà Nội, vả chăng nếu có tắc chỉ cần có bóng cảnh sát giao thông hoặc cũng không cần mà chỉ cần có bóng của lực lượng thanh niên xung kích hoặc thậm chí một người dân tự nguyện điều hành là cảnh tắc, ùn lập tức được vãn.

Mọi người viết trên báo cũng đã nhiều, tuy nhiên tôi thấy mỗi bài viết cũng chỉ nhìn một góc của sự việc mà chưa nêu được tổng thể của giải pháp (mà rồi có nêu thì đâu chắc có người nghe và thực hiện).

Ai cũng cứ kêu gào là ý thức của người dân tham gia giao thông kém, nhưng xin hỏi cơ quan chủ quản đã làm những gì để duy trì cho người dân bắt buộc phải thực hiện? Cứ làm theo kiểu "làng tôi tôi muốn làm thế nào thì làm" mà chẳng đi học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh bạn, các nước bạn!

Dân Hà Nội đi đứng có vẻ chẳng sợ gì vì toàn "con ông cháu cha cả", cứ đi bừa, ôtô thì dàn hàng ngang 4-5 hàng trên đường, xe máy thì đi loạn xạ chẳng có hàng, có làn đường nào. Đừng trách xe máy phi lên vỉa hè vì lòng đường còn đâu đường để mà đi!

Tôi thấy vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông tại Hà Nội phải dựa trên các yếu tố. Về lâu dài và tổng thể giáo dục ý thức tham gia giao thông, hiểu biết luật giao thông ngay trong nhà trường. Luật giao thông và một số điều luật hình sự phải được đưa vào chương trình học của học sinh. Duy trì thường xuyên và nghiêm túc kiểm tra việc chấp hành luật giao thông, xử phạt nghiêm minh, phạt tại chỗ với các lỗi vi phạm: vượt đèn đỏ, lấn làn, lấn vạch, không đội mũ bảo hiểm thật nặng. Có thể tăng mức xử phạt lên 500-600k, có biên lai dựa trên các mức quy định của thành phố.

Nhiều tuyến đường tại thủ đô Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc, mà chưa tìm được lời giải. Ảnh:Bá Đô.
Với các lỗi nặng thì mới thu xe để tránh hiện tượng xin xỏ tiêu cực. Không nên có kiểu tháng ra quân kiểm tra, tuần cao điểm ''đầu voi đuôi chuột" chỉ được mấy ngày sau đó lại ném đá ao bèo đâu lại vào đó. Chuyển toàn bộ các trường đại học, dạy nghề ra vùng ngoại thành vừa giảm lượng học sinh, sinh viên hàng năm nhập học (tính sơ nếu Hà Nội có khoảng 100 trường ĐH, CĐ dạy nghề mỗi năm tuyển sinh 700-1.000 sinh viện, học sinh thì số đối tượng này hàng năm đã phát sinh thêm 100.000 người, chưa kể các thành phần nhập cư tự do khác vào Hà Nội.

Giãn dân nội thành, các khu phố cổ về các khu chung cư cao cấp vùng ven được thiết kế hạ tầng đảm bảo thông thoáng.

Với các nhà quản lý, đây cũng là vấn đề rất quan trọng bởi liên quan đến tầm nhìn, trình độ và nhận thức của các nhà quản lý. Với sự phát triển chóng mặt như hiện nay mà các cán bộ điều hành quản lý không có năng lực, thiếu tầm nhìn, khoa học và làm việc theo kiểu tự biên tự diễn mà không có tầm nhìn cho 5-10 hoặc thậm chí 20 năm thì mọi việc sẽ chẳng đi đến đâu cả.

Từ việc quy hoạch mạng lưới giao thông đô thị, phân làn, kẻ vạch, chiều đi đến nghiên cứu các giải pháp tình thể để giải quyết ùn tắc rất cần có đội ngũ cán bộ có trình độ, được đào tạo, có cơ hội tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lý giữa các tỉnh, thành phố trong nước và kể cả nước ngoài.

Tôi thấy việc kẻ làn đường, phân làn, phân luồng là rất quan trọng. Ở Singapore tất cả con đường đều có kẻ vạch rất rõ ràng và từ đó các phương tiện tham gia giao thông buộc phải chấp hành bởi nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng. Ngay tại TP HCM ở các tuyến đường chính có lượng xe lưu thông rất lớn như: Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Võ Thị Sáu, Võ Văn Tần… ôtô không bao giờ lại dàn hàng 2, hàng 3 chư chưa nói đến hàng 4, thậm chí 5 hàng như ở Hà Nội.

Xe máy chỉ đi trong phần đường của xe máy, ôtô đi vào đúng làn đường của ôtô. Tuy đông, kéo dài nhưng không bị tắc, kẹt, lộn xộn như ở Hà Nội. Trên các trục đường một chiều, hay hai chiều đều có kẻ vạch liền để phân định làn xe, loại xe. Có thể sẽ mất thêm chi phí sơn kẻ đường, chi phí cho các lực lượng duy trì nhưng nếu thành phố Hà Nội không làm quyết liệt thì sẽ không bao giờ khắc phục được.

Với người dân, cần có những biện pháp cứng rắn, những quy định cụ thể, mắt nhìn tai nghe để buộc phải thực hiện và nghiêm túc thực hiện, có như vậy thì mới có thể giải quyết được những lộn xộn khi tham gia giao thông như hiện nay ở Hà Nội mạnh ai nấy đi, chen chúc, tranh cướp đường…

Chứ vừa rồi tôi thấy có một vài đề xuất cấm xe máy trong nội thành, những người nghĩ ra biện pháp này chỉ là những người bàn giấy, không biết hoặc không phải kiếm sống bằng việc đi lại, chuyên chở, giao dịch bằng xe máy.

Hy vọng các nhà quản lý sẽ có được những biện pháp thực thi nhất để giúp Hà Nội đỡ lộn xộn như hiện nay. Nếu không vài năm nữa Hà Nội thành "cái làng nhà tôi" của mấy anh nông dân, đường nhà tôi tôi cứ đi thế ai làm gì thì làm!
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)