Bầu Đức (ảnh trái), người giàu nhất VN trên sàn chứng khoán năm 2008.
Tại bệnh viện nhi Trung ương, bà Nguyễn Thị Đạo, bà nội của cháu Vũ Thị Mai Phương không hề biết Bầu Đức là ai. Cháu Phương bị ung thư máu trắng, hoàn cảnh cực kỳ khổ cực, nếu không nói là thảm cảnh. Đến bữa ăn, nếu suất cơm của Phương còn dư lại, bà Đạo mới được vài miếng cơm thừa vào bụng. Nhiều hôm, bà nhịn đói.
Bà Đạo, chỉ được miếng lót dạ, khi người cháu bị bệnh ung thư ngồi cạnh ăn không hết suất cơm.
Ở Pờ Lây Ku, Cường “đô la” được mệnh danh là công tử Bạc Liêu thứ thiệt. Với bộ sưu tập nhiều chiếc xe hơi bạc tỷ, Cường cũng là chủ sở hữu nhiều chiếc điện thoại tính bằng nghìn đô đắt giá. Tuổi trẻ, tài cao, Cường là người không thiếu thốn.
Cũng tại bệnh viện Nhi Trung ương, cháu Nguyễn Trọng Tưởng, bị bạch cầu cấp, thể tuỷ. Mẹ Tưởng, chị Công Thị Lê nói cháu bị bệnh rất nặng, nặng đến mức sau những lần truyền hoá chất, phải đưa vào phòng đặc biệt để phục hồi. Gia cảnh, khỏi phải nói, chạy chợ kiếm ăn nhưng mỗi tháng phải lo chi phí cứu chữa khoảng 27 triệu đồng. Tất nhiên, đó là tiền đi vay. Hai sào lúa có trĩu bông đến mấy, cũng không cho “mùa vàng bội thu” để có số tiền khổng lồ cứu con trai hàng tháng đó.
Vào bệnh viện, mới thấy, với thân nhân người bệnh như bà Đạo, chị Lê, nếu một ngày ai đó giúp đỡ họ 2 nghìn đồng cũng là một đặc ân vĩ đại. Đó là số tiền, giải quyết được rất nhiều việc.
Cường đôla (thứ 2 từ trái sang) trong phiên xét xử vụ đua xe ôtô tại TP.HCM
Người nhà quê, họ không biết người giàu nhất Việt Nam là ai. Họ không biết Bầu Đức, và dĩ nhiên, họ không biết vì sao lại có cái tên rất buồn cười: “Cường đô la”…
Cứ cuối năm, báo chí lại bình chọn “10 sự kiện kinh tế”, “10 sự kiện khoa học”, “10 doanh nhân tiêu biểu”, “100 người giàu nhất Việt Nam”…
Nhưng cuối năm, chẳng có một cuộc bình chọn nào về “10 người có hoàn cảnh khó khăn nhất Việt Nam”, “10 gia đình nghèo nhất Việt Nam”.
Tôi tin, người nhận giải thưởng “10 doanh nhân thành đạt”, “100 người giàu nhất Việt Nam”, họ sẽ khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, ít ra, công sức của họ đã được tôn vinh đúng lúc.
Nhưng tôi sẽ không tin, những người như bà Đạo, chị Lê, nếu được lọt vào danh sách “10 số phận bi kịch nhất Việt Nam” còn đủ nước mắt để khóc. Bởi, nước mắt của họ đã đẫm ướt gối bệnh của con cháu mình từ rất lâu.
Không ai tôn vinh những bi kịch cuộc sống. Mặc dù, bệnh tật là do trời.