Cách đây 40 năm đã xuất hiện nhiều quy trình liên quan đến thông tin liên lạc, phát hiện mục tiêu, hàng hải… lệ thuộc vào tàu vũ trụ. Sau khi Liên Xô và Mỹ phóng các vệ tinh quân sự đầu tiên, nhiều nước đã nỗ lực phát triển các hệ thống chống vệ tinh.
Tiếp đó là các loại máy bay đánh chặn vệ tinh quỹ đạo, các loại tên lửa đất đối vũ trụ và không đối vũ trụ. Việc phát triển các vũ khí laze chống vệ tinh đặt trên quỹ đạo và mặt đất có khả năng tiêu diệt tàu vũ trụ hoặc bắn rơi các thiết bị quang học cũng như điện tử đang được quan tâm đặt biệt.
Tàu vũ trụ quân sự tự động tối mật X-37B của Mỹ mới phóng hồi tháng 4 năm nay.
Nga và Mỹ lâu nay đã tuyên bố là có khả năng phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh. Mátxcơva đã phát triển nhiều loại vũ khí chống vệ tinh quỹ đạo khác nhau, trong đó có trạm chiến tranh Skif-DM 80 tấn được phóng bởi tên lửa vũ trụ siêu nặng Energia ngày 15/5/1987. Trong khi đó, ngày 22/4, Lực lượng Không quân Mỹ đã phóng thành công tàu vũ trụ quân sự tự động tối mật mang tên X-37B đầu tiên do nước này sản xuất.
X-37B là loại vũ khí đầu tiên gần trái đất, một bước đột phá quan trọng của công nghệ không gian vũ trụ. Giới phân tích trong và ngoài nước Mỹ cho rằng tàu vũ trụ có khả năng phá hủy vệ tinh của các quốc gia khác, một điều sẽ giúp Mỹ dẫn đầu trong không gian. Sự kiện này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ, do vậy, các nước đang kêu gọi cần đạt được một thỏa thuận tránh vũ khí hóa không gian vũ trụ.
Nhiều nhà phân tích nhận định Trung Quốc và Ấn Độ đang đạt được các khả năng tương tự như Mỹ, trong bối cảnh Mỹ đang tỏ ra mệt mỏi. Đối mặt với nợ nần và thâm hụt ngày càng tăng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải bỏ dự án "Costellation" 100 tỷ USD do cựu Tổng thống George W. Bush phát động nhằm đưa các phi hành gia lên lại Mặt trăng vào cuối thập kỷ này.
Cơ quan Hàng không-Vũ trụ Mỹ (NASA) hiện nay chỉ nhận được chưa đầy 1% ngân sách liên bang (trong khi ở thập niêm 1960 và giai đoạn Chiến tranh Lạnh, con số này là 5%). Một báo cáo gần đây cho biết chi phí cho công nghệ vũ trụ và liên quan tới vũ trụ cả trong dân sự lẫn quân sự của Mỹ đã vượt 260 tỷ USD mỗi năm.
Trạm chiến tranh Skif-DM, 80 tấn, được phóng bởi tên lửa vũ trụ siêu nặng Energia của Nga năm 1987.
Trung Quốc đang bước vào một chu kỳ phát triển công nghệ không gian vũ trụ đúng vào lúc Mỹ dường như bắt đầu một chu kỳ theo hướng ngược lại. Các kế hoạch và chương trình tỉ mỉ của Trung Quốc từ bay vào quỹ đạo Trái đất và Mặt trăng cho đến phát triển các chuyến bay đưa người lên Mặt trăng và có thể là cả sao Hỏa đang giúp họ giành thắng lợi trước Mỹ. Trung Quốc đã có kế hoạch đến năm 2016 sẽ phát triển và thử nghiệm tàu vũ trụ hạng nặng, có thể mang trọng tải tới 5 tấn lên quỹ đạo, một thời gian biểu tham vọng hơn bất cứ kế hoạch nào của NASA trước đây. Quyết định “từ bỏ” Mặt trăng của Obama rõ ràng sẽ nhường trận địa đó cho Trung Quốc và Ấn Độ trong thập kỷ này.
Trung Quốc đã khẳng định quyền trở thành một siêu cường và ưu tiên phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh. Ngày 11/1/2007, Trung Quốc đã trở thành nước thứ ba trong lịch sử tiến hành các cuộc thử nghiệm hệ thống chống vệ tinh thực sự khi tiến hành vụ thử tên lửa chống vệ tinh. Một vệ tinh thời tiết của Trung Quốc,vệ tinh quỹ đạo địa cực FY-1C thuộc thế hệ Fengyun chuyển động ở độ cao 865km, đã bị tiêu diệt bởi một phương tiện tiêu diệt động lực học bay với vận tốc 8km/giây theo hướng ngược lại.
Trung Quốc đang tiếp tục phát triển nhiều vũ khí chống vệ tinh cũng như tạo ra nhiều kiểu máy bay đánh chặn tên lửa mới.
Mô phỏng vụ thử tên lửa chống vệ tinh Trung Quốc tiến hành ngày 11/1/2007.
Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ đã tuyên bố ý định chế tạo một máy bay đánh chặn vệ tinh. Tầm quan trọng của vũ trụ đã lôi kéo Liên minh Châu Âu (EU) và ngày càng nhiều nước tham gia cuộc đua trên vũ trụ. Ngoài Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil đều đã triển khai hoặc có chương trình phát triển vũ trụ. Nhiều nước khác sẽ đạt được các khả năng chống vệ tinh trong tương lai.
Từ chương trình phát triển không gian vũ trụ của các nước có thể dự đoán trong 10-20 năm tới, việc sử dụng khoảng không vũ trụ cho mục đích hòa bình và mục đích quân sự sẽ bước vào thời kỳ sôi động chưa từng có trong lịch sử. Điều này đồng nghĩa với cạnh tranh trong lĩnh vực không gian vũ trụ giữa các nước sẽ quyết liệt hơn.