“Tôi cưới vợ 5 năm rồi mà chẳng thấy con cái gì, còn anh?”. “Trời, nhằm nhò gì, tôi cưới đã 7 năm”. “Dạ, còn em thì 4 năm”… Số năm lập gia đình mà không có con trở thành cách làm quen phổ biến giữa những người đàn ông tình cờ gặp nhau ở Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM.
Mỗi ngày có hàng chục người từ khắp nơi đổ về đây khám để biết “bản lĩnh đàn ông” của mình ra sao. Anh chàng cưới vợ đã 7 năm có có dáng vẻ lực lưỡng, kể bằng giọng miền Trung nghe buồn thiu: “Vợ chồng tôi ăn dầm nằm dề mà mãi vẫn không có con được. Nghe có người khuyên muốn biết bị vô sinh hay không thì đi xét nghiệm tinh trùng nên tôi giấu vợ lặn lội vào đây. Ông có biết bác sĩ lấy tinh trùng của mình bằng cách nào không?". Người kia ngơ ngác lắc đầu. Anh hạ giọng thắc mắc: “Không lẽ người ta cho cái đó của mình vào máy để hút tinh trùng ra?”…
Chuản bị thủ tục ở khu vực lấy tinh trùng để xét nghiệm
Để lấy tinh trùng, việc đầu tiên là bạn được hướng dẫn vào buồng khám số 3 ở tầng trệt của Khoa Hiếm muộn. “Tại sao anh đi khám, vợ đâu?” - vị bác sĩ hỏi. Bệnh nhân rụt rè: “Tôi lấy vợ đã lâu mà chưa thấy tin vui nên muốn đến đây kiểm tra trước”. Để tư vấn cách điều trị bệnh hiếm muộn, bác sĩ yêu cầu phải xét nghiệm máu và tinh trùng.
Xét nghiệm máu xong, trước khi xét nghiệm tinh trùng, một nữ y tá nhẹ nhàng hỏi: “Anh quan hệ cách nay mấy ngày?”. Nữ y tá điền thông tin vào phiếu rồi hướng dẫn bệnh nhân đến phòng xét nghiệm nam khoa. Ở đây, một nữ nhân viên không nhìn rõ mặt, ngồi khuất sau ô cửa đưa ra hũ nhựa nho nhỏ, trên đó ghi tên người và mã số rồi chỉ đến phòng… xuất tinh.
Đó là một căn phòng quét vôi trắng toát rộng khoảng 6 m2, trống rỗng, chẳng có… chiếc máy hút tinh trùng nào. Trên vách chỉ có bức tranh một đôi nam nữ đang làm tình một cách không mấy đặc sắc, đồng nghĩa với việc các bệnh nhân phải “tự xử”.
Với những người đánh vật với khâu này không xong, bác sĩ sẽ cho mang hũ về nhà để “hưởng quyền trợ giúp” của vợ, với điều kiện phải cấp tốc mang “tinh binh” đến bệnh viện sau khi “phóng” thành công để chúng không chết.
Kết quả của việc xét nghiệm tinh trùng sẽ được biểu hiện bằng nhiều con số in trên một tờ giấy A4 gọi là tinh dịch đồ. Tinh dịch đồ có 2 cột. Một cột gồm những con số nói lên chất lượng “tinh binh” của người đi khám, cột còn lại là các trị số của một người đàn ông bình thường để làm chuẩn so sánh.
Ngoài hiên Khoa Hiếm muộn có 2 người đàn ông cầm 2 bản tinh dịch đồ tranh luận sôi nổi. “Anh thấy chưa, tiêu chuẩn một người đàn ông bình thường mỗi lần xuất chỉ khoảng 2 ml tinh dịch, còn tôi đến 4 ml. Như vậy chứng tỏ tôi quá mạnh!” - một anh bô bô.
Anh kia cãi lại: “Xuất nhiều không phải là mạnh, chủ yếu là trong mỗi ml của ông có bao nhiêu tinh trùng. Nè coi đi, tôi xuất ít hơn ông nhưng mỗi ml lại có đến 56 triệu tinh trùng”. Nghe hai anh tranh cãi, một người đàn ông trạc 40 tuổi cũng cầm bản tinh dịch đồ, bước tới cười khẩy, phán: “Ấy, chú mày ít quá! Coi anh nè, tiêu chuẩn đưa ra mỗi ml tinh dịch chỉ cần 20 triệu tinh trùng mà anh xuất đến 80 triệu con”.
Trước lúc ra về, ông ta quay sang mấy người còn lại, lên giọng sành sỏi: “Mấy chú ráng nghe lời bác sĩ, về nhà thường xuyên ăn thịt bò, sò huyết, trứng gà trộn mật ong; bỏ thuốc lá, rượu bia… thì làm chuyện đó mới có kết quả nhé”.
Những thông số trong bản tinh dịch đồ có thể trở thành niềm kiêu hãnh của người đàn ông này nhưng lại hóa ra nỗi bất hạnh khôn cùng của người khác. Có anh chàng trông bề ngoài chưa đến 25 tuổi, dáng vẻ thư sinh. Khi đi xét nghiệm tinh trùng thì khuôn mặt anh tối sầm lại, còn khi cầm tờ tinh dịch đồ trên tay thì nhảy cẫng lên như đứa trẻ vừa được cho quà.
Anh khoe: “Tôi thấy tinh hoàn nhỏ xíu, cứ tưởng mình liệt, ngờ đâu xét nghiệm mới biết mỗi ml tinh dịch của mình có hơn 40 triệu tinh trùng, phần lớn là con khỏe mạnh đó nghe!”.
Nhiều bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ còn truyền tai nhau câu chuyện về một người đàn ông bất hạnh đến khám hiếm muộn cách nay đã lâu. Kết quả xét nghiệm tinh dịch cho thấy ông không có tinh trùng. Song, ông hết sức ngỡ ngàng vì nếu không có tinh trùng tại sao vợ mình lại sinh em bé được 3 năm rồi?
Bác sĩ liền trao đổi riêng với vợ ông. Bà này thú nhận từ lâu đã biết chồng không có tinh trùng. Để có con, bà đành quan hệ ngoài luồng với một người đàn ông khác. Trước tình huống dở khóc dở cười này, các bác sĩ phải khéo léo giải thích với ông chồng để giữ hạnh phúc gia đình họ.
Nhưng không phải lúc nào niềm vui của chồng cũng là niềm vui của vợ, bởi nếu chồng "khỏe" mạnh thì cũng dễ đồng nghĩa là người vợ có vấn đề dẫn đến vô sinh.
“Xin mời anh E. vào phòng khám” - tiếng loa vang lên. Người đàn ông liền bước vào. Chị vợ của anh vội vã bám theo. Không biết bác sĩ nói gì nhưng chừng 5 phút sau, hai vợ chồng này bước ra, khuôn mặt mỗi người một khác: Anh tươi tỉnh bao nhiêu thì chị vợ bơ phờ, buồn bã bấy nhiêu. Anh cầm tờ tinh dịch đồ quả quyết với người bên cạnh: “Bác sĩ bảo tinh trùng của tôi không yếu, hoàn toàn có khả năng sinh con. Vợ tôi chưa khám nhưng chắc chắn tụi tôi không có con là do cô ta”.
Rồi anh trỏ tay vào từng con số, giảng giải một cách hùng hồn như để chứng tỏ mình là một người đàn ông có đầy đủ “bản lĩnh”. Anh quay sang những người đàn ông khác, cao giọng: “Nói chung đàn ông tụi mình hiếm khi vô sinh, vì cái khoản đó có lúc mạnh, lúc yếu, song tinh trùng lúc nào cũng có. Tất cả rắc rối là từ trứng của mấy bả!”. Sau lưng anh, người vợ đứng bất động, tóc rủ xuống che cả khuôn mặt ủ dột.