Trong một vụ xử ly hôn ở TAND Q.Phú Nhuận, TPHCM, nguyên đơn Hoàng Công đã trút cạn lời lẽ với thẩm phán để được giải thoát khỏi "địa ngục hôn nhân". Anh nói: “Tòa muốn chúng tôi hàn gắn, đoàn tụ nhưng không được đâu. Vợ tôi không muốn ly hôn vì nhiều lý do, chỉ trừ lý do là yêu tôi. Đã ba năm, vợ chồng không ngủ chung giường, ngồi chung mâm cơm, không nhìn mặt, không nói chuyện được với nhau. Thậm chí, người này gặp chuyện xui xẻo, thất bại thì người kia hả hê, đắc chí, vì coi nhau như kẻ thù”. Trong những cung bậc tình cảm giữa người và người, chữ thù là nặng nề nhất. Thù là “lòng căm ghét sâu sắc đối với kẻ đã từng gây hại lớn cho mình, kèm theo ý muốn nung nấu bắt kẻ đó phải chịu sự trừng phạt tương ứng” (Từ điển Tiếng Việt phổ thông - Viện Ngôn ngữ học). Điều gì sẽ xảy ra khi những kẻ thù phải đội chung một mái nhà? Minh họa : NOP Bỏ mà không… qua Chị Xuân Nguyên, vợ anh Hoàng Công là người có ơn với anh. Thời mới quen nhau, chị đã lo tiền bạc cho anh ăn học tại TPHCM, lo thuốc thang khi mẹ anh lâm trọng bệnh. Tình sâu nghĩa nặng, sau khi cưới nhau, anh chị sống đầm ấm, hạnh phúc. Đùng một cái, chị phát hiện anh ngoại tình khi chuyển ra Vũng Tàu công tác theo dự án. Từ yêu thương và tự hào về chồng, chị chuyển sang thù hận. Bỏ hết công ăn việc làm, chị nê cái bụng bầu đi đánh ghen và nộp đơn tố cáo chồng khắp nơi. Tại tòa, chị rớm nước mắt, tay run bần bật kể tội kẻ “lấy oán trả ơn”, nhắc chuyện chồng đã không biết ăn năn hối cãi, còn ụp nồi canh lên đầu chị khi đang cho con bú. Dù còn yêu vợ, muốn xoa dịu tình hình nhưng khi vợ nộp lên ban giám đốc những bức ảnh do thám tử chụp anh với người tình, anh Công đã không kiềm chế được nên mới có hành động “ụp nồi canh”. Sau nỗi nhục đó, chị Nguyên thề “sống để bụng, chết mang theo”, xăm luôn chữ “hận chồng” lên cánh tay. Từ đó, chị làm mọi cách để cản trở công việc của chồng, khiến anh phải sa cơ thất thế, thân bại danh liệt. Chị muốn anh trở về lại cái thuở nghèo xơ xác, phải xòe tay xin chị giúp đỡ. Khi thẩm phán hỏi nguyên do không chịu ly hôn, chị nghẹn lời: “Vì tui thương chồng con”. Chính chị cũng nhận ra mình mâu thuẫn giữa lời nói và hành động. Chị muốn tha thứ cho chồng, muốn bỏ qua nhưng quá khứ cứ ám ảnh. Nhiều năm qua, ca sĩ Kim Liên bị chồng là anh Hùng Ân đối xử như tội đồ. Nguyên do là chị đã không hủy chuyến lưu diễn nước ngoài khi anh bị tai nạn giao thông phải cấp cứu. Vào bệnh viện lo cho chồng chỉ được ngày đầu tiên, rồi chị nhờ em gái giúp vì phải lên đường. Dù anh nắm tay giữ chặt vợ lại nhưng chị vẫn cương quyết lên đường: “Em xin lỗi. Chuyến đi này quan trọng lắm, cơ hội ngàn năm có một. Em đã ký hợp đồng rồi, không thể bỏ được”. Cứ tưởng tượng cảnh vợ lượt là bước lên máy bay với những anh chàng đồng nghiệp, máu hận trong người anh dâng đến cổ họng. Thời gian điều trị khá lâu vì tâm lý của anh không ổn định. Anh Ân đổ tất cả cái xui rủi của mình là do vợ. “Vợ đã dứt áo ra đi, mặc kệ chồng sống chết thì từ nay đoạn tình dứt nghĩa!”, anh tuyên bố. Sau chuyến lưu diễn về, chị Liên tất tả chạy vào bệnh viện nhưng anh đã nhìn chị bằng con mắt khác. Tại phòng tham vấn NVH Phụ Nữ TPHCM, chị Liên kể: “Cuộc sống vợ chồng của tôi không còn vui vẻ như trước nữa do chồng thường xuyên cư xử thô lỗ, bạo lực. Nhậu vào là anh “nhai lại” việc tôi đã bỏ mặc anh để chạy theo danh vọng. Anh giày vò tôi trên giường, khiến tôi hãi hùng mỗi khi anh đòi gần gũi. Là người có lỗi, tôi không dám phản kháng, chỉ nín lặng chờ một ngày chồng nguôi giận. Có lúc anh hứa tha thứ cho tôi nhưng thực tế thì anh ngày càng tận dụng cơ hội làm cho vợ phải lao đao, điêu đứng”. Đến khi chị bị viêm xoang, phải mổ, nằm nhiều ngày ở bệnh viện; nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ anh chu đáo, cưng vợ, nhưng chỉ người trong cuộc mới biết. Mỗi khi đút cháo, anh không thổi cho nguội mà cứ đút cháo nóng. “Ăn nóng để lột lưỡi, hát hay, để được đi diễn bỏ chồng lúc lâm nguy nghen em”! Anh tiếp tục chì chiết, cạnh khóe vợ. Đồng nghiệp đến thăm chị, anh vờ buồn bã thông báo, vợ anh đã giải nghệ vì mổ xoang là mất giọng. Chị đã qua thời, lại “mất giọng” nên chẳng ai kêu sô. Chị tìm xin việc khác cũng không yên vì anh cứ đến nói xấu. Phụ thuộc kinh tế vào chồng, chị cắn răng để không bật khóc khi chồng ném tiền xuống đất, xuống gầm giường để chị bò vào, nhặt lên đi chợ. Và, điều đáng sợ nhất với chị đã xảy ra: chồng chị nhồi nhét vào đầu con gái ý nghĩ xấu xa về mẹ. Chị đòi ly hôn, anh lắc đầu: “Đâu có dễ vậy”. Ảnh minh họa : GettyImages Hiệu ứng “quả bóng tuyết” Dù là phụ nữ hay nam giới, cảm giác hận thù luôn thể hiện một nỗi đau chưa dứt. Vết thương người kia tạo càng sâu thì mối thù càng dai dẳng. Lòng thù hận sẽ luôn làm cho ta cảm thấy mệt mỏi, sống trong tâm trạng đối phó, thậm chí có nguy cơ một lúc nào đó nỗi hận bùng lên, vô tình biến chủ nhân thành tội phạm. Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng vẫn tồn tại bên nhau (chứ không phải “sống” với nhau), có thể vì phụ thuộc, ràng buộc trách nhiệm hay chỉ để đày đọa nhau cho hả dạ. Xu hướng “đày đọa” của đàn ông thiên về hành động, phụ nữ thiên về lời nói hơn. Logic của phụ nữ là cứ nói nhiều, nói hoài là chồng sẽ thấm, sẽ không lặp lại lỗi lầm ấy nữa. Theo một nghiên cứu của Đại học Hope (Michigan, Mỹ), nếu cứ ôm mãi mối thâm thù thì kẻ bị thù đau khổ đã đành, bản thân người nuôi thù hận cũng chẳng sướng ích gì. Khi bị vây hãm bởi cảm giác thù oán và suốt ngày tính toán chuyện “cho nó biết tay” thì tỷ lệ bị stress, bệnh tim mạch tăng cao. Sức ép sẽ giảm đáng kể nếu ta nghĩ đến việc tha thứ cho những người đã gây tổn thương cho mình. Tha thứ làm ta khỏe mạnh hơn về thể chất lẫn tinh thần. Cởi bỏ hận thù giúp ta tận hưởng được sự thư thái, nhẹ nhõm, yên bình. Tha thứ mang lại lợi ích cho nhiều người quanh ta như chồng, con, những người thân và trước hết là cho chính ta. Tha thứ là yêu bản thân. Là người phụ nữ nhân ái và mạnh mẽ, chị Huệ Thúy (CLB xây dựng gia đình hạnh phúc Q.12) đã giúp ông chồng “tứ đổ tường” giã từ được quá khứ đen tối. Chị chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi đã đứng trước nguy cơ ly hôn vì chồng tôi ôm mặc cảm, còn tôi thì cứ bới móc chuyện cũ nên ngày một xa rời mục đích của hôn nhân là hòa thuận, hạnh phúc, cùng lo cho con. Để không thù oán chồng, khi chồng gây cho mình nỗi đau hay sự thất vọng, tôi cố nhớ lại những việc tốt mà anh từng làm cho tôi. Nhờ vậy, chồng tôi đã tự sửa mình khi tôi không đối xử với anh như kẻ thù mà như một người bạn tốt”. Chị cho rằng, khi thù oán nhau thì không thể sống thực lòng và không thể đối xử tốt với nhau được. Cũng có khi người ta đối xử tốt để giữ sĩ diện, để che mắt thế gian. Nhưng “vải thưa không che được mắt… con cái”, chúng sẽ khinh ghét cả cha mẹ khi cha mẹ lừa dối, qua mặt chúng. Chị Huệ Thúy không chấp nhận sống chung với kẻ mình coi là kẻ thù. Giải pháp của chị không phải là ly hôn mà chị tìm mọi cách khác nhau để không phát sinh kẻ thù, nhất là trong chính mái ấm của mình. Cuộc sống vợ chồng là chuỗi dài yêu thương, đồng thời cũng là ma trận của xung đột. Ai cũng đòi hỏi bạn đời phải hoàn hảo, nhưng chẳng ai tránh được lỗi lầm. Nếu người bạn đời không biết cách chia sẻ cảm xúc của mình thì mâu thuẫn sẽ không được giải quyết. Những cảm xúc tiêu cực sẽ tích tụ, gây ra bi kịch như hành trình của quả bóng tuyết. Từ một khối tuyết nhỏ trên đỉnh núi, quả bóng tuyết lăn trên sườn dốc, tuyết bên ngoài cứ bám vào khiến quả bóng tuyết càng lăn càng to ra. Cũng như thế, “lăn qua” nhiều mâu thuẫn không hóa giải được, cảm xúc tiêu cực sẽ ngày một đậm đặc, trầm trọng hơn, khi không thể cứu vãn được nữa thì trở thành thù hận. Sau ly hôn, bình tâm trở lại, chị Nguyên mới thấy hối tiếc vì đã để “quả bóng tuyết” lăn xuống đến chân núi, đè bẹp ngôi nhà nhỏ của mình. Khi chồng chuyển công tác ra Vũng Tàu, chị đã quá chủ quan trước nguy cơ “xa mặt, cách lòng”. Trong thời gian mang thai, chị dồn tình thương và sự chăm sóc vào đứa con cầu tự trong bụng, bỏ chồng ra rìa. Chị cấm vận chuyện chăn gối, ít quan tâm chia sẻ niềm vui nỗi buồn với chồng. Chán chường, tủi thân, những ngày cuối tuần, anh Công không về nhà với vợ mà đi chơi và vướng phải lưới tình. Chị hối tiếc: “Phải chi tôi biết làm gì đó sớm hơn để kéo chồng về nhà. Phải chi tôi nhận thấy chính mình đã góp phần không nhỏ vào sai lầm của chồng thì tôi đâu biến người chồng mà tôi rất mực yêu thương thành kẻ thù trong nhà”. |