[size=medium][/size]
[size=medium] Về quê, cả. Chó chạy rông hàng đàn. Ngõ đầy cứt chó. Nói chung là rất hãi. Hãi giẫm phải cứt chó thì ít mà hãi chó cắn thì nhiều.
Người làng người nước quen rồi thì cchó nhiều vô thiên lủng. Nhà ít thì 1, thường thì đều 2, 3 con trở lên hẳng nói, chứ như người lạ đi qua thì… phải biết. Ngõ đang vắng, khách lạ đi vào, chú chó đầu tiên trông thấy, gầm gừ rồi sủa váng lên. Lập tức không biết từ đâu, hàng chục con nhao ra tắp lự. Mực , vàng, khoang, đốm, to, nhỏ, choai choai.v.v. nhâu nhâu sủa điếc tai. Mắt vằn, mõm nhăn, răng nhe trắng nhởn xông tới. Người có kinh nghiệm thì cứ bình tĩnh vừa đi vừa nẹt, còn không thì hồn vía lên mây, ba chân bốn cẳng chuồn cho nhanh. Ác cái càng sợ, càng chạy thì chó càng đuổi tợn. Kinh hơn nữa là vào đến giữa ngõ mà bị chó quây là ăn đủ. Có mà chạy đằng trời. Vô phúc gặp phải mấy chú chó lai to như con bê hồng hộc lao ra nữa thì ôi thôi…khóc ra tiếng Mán. Sợ vãi cả ra quần.
Đấy đó là chó lạ, còn chó nhà thì khác. Nuôi từ bé, quấn quít với chủ. Biết buồn, biết vui, biết sợ, biết nịnh.v.v. đủ cả. Đại khái là trong tất cả cái lũ vật nuôi thì chó là giống có tình nhất. Cảm xúc chó chân thực bản năng và ngu muội. Chó phục tùng ông chủ như con nhang thành kính thánh thần. So với lợn ngu đần thì chó hơn xa. Ấy vậy mà khi oánh chửi nhau thường vẫn hay chửi: Thằng (con) chó (lợn) này! Kể cũng tủi cho chó khi bị xếp ngang hàng với lợn.
Chó trung thành và tin cẩn vậy, nhưng khổ cái thịt chó lại ngon, hợp với rượu quê cuốc lủi. Mà tình người cũng bạc. Về quê giờ phổ thông là được mời ăn cỗ chó. Liên hoan – chó. Giỗ chạp – chó. Cưới – chó.v.v. đại khái cái gì cũng chó cả. Nhà nuôi vài con, đợi dăm tháng ước chừng 5, 7 cân là thịt. Thường thì thịt vào dịp nhà có việc, mà không thì cũng chẳng sao. Mưa buồn, ngồi uống rượu suông, thấy con chó lượn qua, tự dưng ngửi thấy mùi chả nướng thơm lựng, bát xáo, đĩa hấp, đĩa dồi nóng hôi hổi….nước miếng ứa đầy chân răng. Thế là thịt, chó ơi.
Gọi thêm đôi người nữa đến. Cái gì? Chó à? Đến ngay! Đến ngay! Ai cũng vui cả. Chó mà.[/size]
[size=medium] Lấy bát cơm nguội, tắc lưỡi mấy cái, thế là chó sán đến. Lúc đó trông chúng mới hạnh phúc làm sao, mắt sáng long lanh với cái nhìn đầy biết ơn, đuôi ve vẩy vẫy mừng rỡ lắm. Ngu thậm. Chúi mũi vào bát cơm hẩm chúng đâu biết rằng hiểm họa đang rình rập trong lốt nhân từ. Ông chủ ngồi bên, tay vuốt nhẹ lưng nó đầy vẻ quan tâm làm đuôi nó cứ vẫy tít lên, tay kia khéo léo lựa đưa thòng lọng vào cổ nó trong những tia nhìn hau háu đến nín thở của nhóm người xung quanh. Chợt: Oẳng! Thòng lọng thít vào, nó ngã vật ra mà chẳng hiểu gì cả, miếng cơm ngột ngạt trong cuống họng. Hai ba người nữa xông đến khóa mõm túm chân. Mọi việc diễn ra rất nhanh, chỉ trong tíc tắc.
Mọi thứ chao đảo quay cuồng, xung quanh láo nháo tiếng người, loáng thoáng vài khuôn mặt lướt qua, nghẹt thở và đau điếng. Thế là nó đã bị trói gô lại. Giờ nó đang nằm cạnh bát cơm vung vãi, hai chân sau bị trói chặt, hai chân trước bị bẻ gập cánh khuỷu trói sau lưng, mõm bị khóa bởi dây thừng mấy lượt. Mọi người hối hả hò nhau đi đun nước, chuẩn bị rơm thui, ra sau nhà đào riềng, chạy quanh xóm xin tý mẻ.v.v. Có ai đó bấm tay vào lườn nó nói: “Con này chắc gớm, đúng tầm đây. Làm tí tiết canh các bác nhỉ?” “tất nhiên rồi” – mọi người ồ lên.
Nó sợ, nó rất sợ. Người nó run lên từng đợt. Nó cố ghìm nỗi sợ hãi lại nhưng không được, những đợt sóng sợ hãi chạy rùng rùng khắp cả thân mình. Nó cố quẫy mình vùng vẫy, nó rên lên ư ử, nó đưa ánh mắt hoảng loạn cầu cứu khắp nơi, nhưng chẳng ai để ý đến nó. Mọi người đang vui, đang bận rộn với rơm với riềng với mẻ. Ai cũng hể hả, chỉ mình nó sợ mà thôi. Ngoài bể nước đầu hè có tiếng mài dao quèn quẹt vọng vào.[/size]
[size=medium] Thế rồi có ai đó túm lấy chân nó nhấc bổng lên. Xương bả vai nó quay ngược tưởng như muốn đứt rời ra đau đớn. Nó giãy, nó kêu, âm thanh tắc ngẹn trong cuống họng. Nhưng càng giãy càng kêu lại càng đau. Chưa bao giờ nó đau đến vậy. Rồi nó bị ném phịch xuống đầu hè. Choáng váng và sợ hãi quây xiết nó. Sao lại thế này? Sao lại thế này? Nó không hiểu. Trước đây ít phút còn đang vui vẻ lắm cơ mà!!!?
Có tiếng ồn ào ngay sát bên. Tiếng cười nói, tiếng thậm thịch chày cối, tiếng bát va loảng xoảng và mùi giềng lan tỏa hăng hăng. Nó he hé mắt nhìn. Xung quanh, hai ba người đang ngồi nhìn nó. Nó hoảng, nó lại quẫy đạp giãy giụa trốn chạy. Nhưng ô hay hình như mọi người đang cười. Mà đúng là đang cười thật. Có cái gì đó quen quen. Nó bình tâm lại một chút. Tưởng ai, toàn là người quen cả. Chú Ninh, bác Cả người ngõ trên chứ ai. Lại cả cu Tý nữa này. Toàn người quen cả. Chú Ninh, bác Cả vẫn thường sang chơi, thường vỗ lưng, xoa đầu khen nó nhanh nhẹn và mau lớn. Còn cu Tý thì nó vẫn theo chân đi bắn chim suốt. Mọi người đang nhìn nó cười cười.
Nó mừng, nó mừng quá. Nó rên lên ư ử, nó vẫy đuôi rối rít lết đến. Chắc có hiểu lầm gì đây, mọi người sẽ cứu nó. Nó là con chó ngoan và trung thành cơ mà! Chú Ninh đang khuấy thìa lanh canh trong cái bát nhôm, cu Tý quần đùi chân đất háo hức ngồi bên cạnh. Bác Cả nhìn sang nói: “Chế cẩn thận kẻo tý hãm không đông” “Rồi. Bác yên tâm đi. Món tủ của em mà. Đảm bảo là đông xắn xặn”. Nó đạp chân lết lại gần, dũi mõm vào chân bác Cả cầu cứu. Bác Cả đưa tay xoa đầu nó gọi: “cu Tý lại đây”. Nó mừng quá, bác Cả gọi cu Tý lại để cứu nó đây. Có thế chứ. Có thế chứ. Bác Cả thật là người tốt. Mặt mũi bác hiền hậu thế cơ mà. Nó nhớ bác hay mặc bộ quần áo nâu, hay cho cu Tý oản với chuối. Hình như bác giữ từ ở đình làng, cạnh chùa. Mà người quét dọn đèn nước hầu hạ cho thánh thần, lại ở ngay gần cửa Phật ắt hẳn là có lòng từ bi. Nó dũi cái mũi ẩm ướt vào bác Cả, ngoáy tít cái đuôi và rên to lên với lòng biết ơn.[/size]
[size=medium] “Tẹo nữa giữ cho bác hai cái chân sau. Chắc vào đấy!” bác Cả nói với cu Tý. Rồi bác lại đưa tay xoa đầu nó. Đuôi nó vẫy càng mạnh, mắt nó ngân ngấn chứa chan. Bất chợt nó bị túm cổ lôi ra sát đầu hè. Nó đau điếng, rít lên hoảng hốt. Đầu nó nhô ra, lòng sân gạch bát đỏ tía như hắt máu. Bác Cả lại xoa đầu nó cười cười. Nó bình tâm trở lại. Bác Cả cười cơ mà. Chắc là bác trêu nó tý thôi. Nhưng đau quá. Nó lại vẫy đuôi vẫy rối rít mong chờ. Nó nghĩ: sắp được cởi trói rồi đây. Bác Cả quay sang cu Tý: “ Tý! Giữ thật chắc hai chân cho bác”. Chân nó chợt bị đè siết đau nhói, cổ nó bị túm chặt, đè gí đến nghẹt thở. Nó hoảng, nhưng rồi lại nghĩ: trói chặt thế thì tháo ra chắc cũng phải chịu đau đớn một chút mới xong. Hiểu lầm mà! Hiểu lầm mà! Nó lại vẫy đuôi, lại tưởng tượng sắp được tung tăng ủng oẳng nô đùa bên những người mà nó yêu nó quý.
Chợt nó thấy nhói ở cổ. Nhói! Nhói! Nhói!… Mắt nó hoa lên, mờ mịt chỉ thấy những túm lông bay tơi tả. Nó muốn kêu, nhưng không được. Cổ họng nó bị đè nghẹt ứ bởi một bàn tay cứng hơn thép. Ẩn hiện qua đám lông bay bay nó thấy bác Cả đang cười, khuôn mặt bác thật hiền hậu và mãn nguyện. Tiếng cười cứ dài ra, dài mãi ra, khùng khục và gầm gừ. Nó sợ, nó hoảng, nó giãy giụa. Nó kêu lên bấn loạn, những tiếng kêu ngắc ngứ tắc sâu trong cuống họng. Rồi chợt trong cái đầu u minh của nó lóe lên. Nó hiểu ra, nó nổi điên. Những người thân thiết đối xử với nó thế này sao? Thế sao??? Nó đã làm cái gì sai? Làm cái gì sai? Đầu nó ù đi mộng mị, bên tai nó những tiếng cười gầm gừ cứ loang mãi ra. Nó muốn cào cấu cắn xé, nó muốn giải thoát. Nó vùng vẫy, nó quẫy đạp, muốn cắn xé mọi thứ nhưng bất lực. Chân nó bị trói, mõm bị khóa chặt, bóp nghẹt . Tiếng tru lên căm hờn của nó rốt cuộc lại biến thành tiếng rên ư ử yếu ớt. Lùng bùng bên tai nó nghe thấy tiếng bác Cả quát: “ Tý! Giữ chặt vào. Giữ chặt vào! Cẩn thận đừng để tuột. Kìa! Kìa! Ninh đâu. Vào giữ thay cho thằng Tý kẻo sểnh”. Người nó tức khắc bị siết chặt, cứng ngắc. Cu Tý ngồi sang bên, trán lấm tấm mồ hôi với tay lấy đoạn củi gõ vào đầu nó hổn hển: “Con chó này…khỏe thật!”.[/size]
[size=medium] Nó bất lực, bất lực thật sự. Mắt nó hoa lên hoảng loạn. Từng mảng lông bị giật ra đau đớn, nghẹt thở không thể cựa được. Từ khóe mép, dòng dớt dãi nhểu lòng ròng xuống đất trong tiếng rên tuyệt vọng. Chợt thấp thoáng qua ống quần nâu bác Cả, ông chủ nó đang đi lại. Tia hy vọng lóe lên. Nó cố gắng gào to cầu cứu. Ông chủ nó thì khác. Ông chủ nó sẽ khác chứ không như đám người này. Ông chủ nó nhân từ. Nó biết, nó biết mà. Ông chủ nuôi nó từ nhỏ. Ông chủ yêu nó lắm. Nó biết mà. Những con chó khác cùng lứa với nó bị bán đi, còn nó thì không. Nó được giữ lại nuôi. Đó chẳng phải là ông chủ yêu nó sao! Lại nữa. Khi nó bị ghẻ khắp người, bị lũ ve hút mọng máu thì cũng chính ông chủ nó bắt ve, bôi thuốc, tắm táp chữa cho nó khỏi bệnh. Đấy chẳng phải là ông chủ yêu quý nó là gì?? Lại nữa. Khi xưa có lần nó lang thang ra xóm ngoài chơi bị bọn người ngoài đó lùa đánh què chân. Lê lết mãi mới chạy được về nhà với cái chân sưng u lủng lẳng, thì cũng chính ông chủ nó xoa bóp bó chân cho nó. Nó còn nhớ rõ ông chủ nó ngồi bên vừa vuốt lưng, nắn chân cho nó vừa nựng nó với giọng đầy thương cảm vừa lẩm bẩm chửi rủa: “Đ.m cái thằng nào đánh chó nhà ông. Ông mà biết ông đập cho vỡ mặt”. Nó cảm động lắm. Nó rên ư ử rồi thè lưỡi liếm tay ông chủ với đầy lòng biết ơn. Đấy chẳng phải là ông chủ rất yêu nó đúng không? Còn bằng chứng nào có thể hơn thế nữa??? Bởi thế nó cũng yêu quý ông chủ lắm lắm. Ông chủ đang đến. Ông chủ nhất định sẽ cứu nó. Nó biết, nó biết mà. Nó tin chắc là như vậy. Đuôi nó lại vẫy lên đầy hy vọng. [/size]
[size=medium] Có vệt sáng loáng qua mắt nó. Dao. Ông chủ nó cầm một con dao trên tay, lưỡi dao sắc lẻm. Vệt sáng loáng qua mắt nó vừa xong là do phần sáng lưỡi dao loáng phản vào. Ồ đúng! Ông chủ sẽ cắt dây trói cứu nó. Đích thị là như vậy rồi. Nó rên lên mừng rỡ. “Lâu không dùng, cùn quá. Mài mãi mới xong” – ông chủ nó nói. Chú Ninh hỏi: “ Anh Tuất (tên ông chủ nó) xong cả rồi. Làm thôi anh nhỉ?”. Bác Cả vội bảo: “Hượm đã. Quét đám lông đi kẻo nó bay vào bát hãm. Bẩn”.
Ông chủ Tuất ngồi xuống, đặt con dao sắc lẻm sang bên, thong thả xắn tay áo. Sống dao lạnh ngắt chạm vào mũi nó tanh tanh. Đuôi nó vẫy tít mong chờ. Cắt dây luôn đi, cắt dây luôn đi chứ còn phải xắn tay áo làm gì – nó rên lên thúc giục. Như đọc được ý nghĩ của nó, ông chủ Tuất cúi xuống đưa tay vỗ nhè nhẹ lên đầu nó cười cười. Nó mừng điên, oằn mình cố gắng ngóc đầu dũi cái mũi ươn ướt vào tay ông chủ tỏ lòng biết ơn. Thế chứ! Thế chứ! Thế mới đúng là ông chủ của nó. Chỉ tiếc là chân đang bị trói, mõm bị khóa, không thì nó sẽ nhảy cẫng lên mà liếm tay liếm chân ông chủ nó cho tỏ rõ lòng thành kính.
Bác Cả kéo đầu nó nhô ra khỏi mép hè, lòng sân gạch bát hiện ra đỏ bầm. Chú Ninh nhanh nhẹn đẩy cái bát nhôm sóng sánh nước vào ngay dưới cổ nó. Qua làn nước phản chiếu lấp lóa trong bát nó nhìn thấy một vạt da cổ bị vặt trụi lông ứa máu, thấp thoáng trong đáy bát ba bốn khuôn mặt đang nhìn nó cười cười. Nỗi sợ hãi lại bùng lên làm người nó run rẩy. Ông chủ tay cầm dao, tay vỗ vỗ vào đầu nó như muốn bảo “Mực à. Có tao ở đây mày yên tâm đi”. Thế chứ. Thế chứ, thế mới đúng là ông chủ của nó chứ. Nó lại yên tâm vẫy tít cái đuôi rồi rên lên ư ử. Tay dao ông lướt qua mũi nó lạnh và tanh. Nó nghĩ: chắc ông cắt dây cởi trói khóa mõm cho nó trước. Mau mau lên, nó đang ê ẩm hết cả hàm đây này.[/size]
[size=medium] Đầu nó đột ngột bị siết chặt và chợt thấy nhói mát ở vùng da cổ. Nó rít lên thảng thốt, cố gắng ngoái nhìn ông chủ mà không được. Nó vẫy đuôi rối rít cầu cứu. Loáng thoáng bên tai tiếng bác Cả sang sảng: “Từ từ thôi. Đừng cắt sâu vội kẻo đứt mạch thâm là hỏng bát hãm. Lần tìm cái mạch hồng ấy.” Tiếng chú Ninh gấp gáp: “Cu Tý! Đi lấy cho chú cái đũa. Mau lên”. Nó hoảng sợ gồng mình giãy giũa. Rồi nó nhìn thấy gương mắt ông chủ nó hiện ra lấp lóa dưới bóng nước trong cái bát nhôm, cạnh gương mặt bác Cả, chú Ninh. Tất cả đang cười cười nhìn nó đầy bí hiểm.
Nó rùng mình. Nó ngờ ngợ. Có cái gì nóng ấm đang rỉ ra nơi cổ… Tong! Một giọt máu đỏ thắm rơi xuống loang hồng trong nước…
Tong! Máu đỏ lênh loang khắp bát. Bóng những gương mặt ông chủ nó, bác Cả, chú Ninh với nụ cười bí hiểm chợt biến dạng, méo mó mờ ảo. Một cảm giác lạnh lẽo lan khắp thân thể làm nó run lên rùng rùng.
Tong! Tong! Những gương mặt méo mó xô đẩy vặn vẹo theo từng nhịp rỏ.
Tong! Những cặp mắt thô lố xô lại, lồi ra vằn máu nhìn nó trừng trừng.
Tong! Tong! Những cái mặt rút ra dài ngoẵng, rồi xô tới xông thẳng vào nó. Nó thấy từ miệng ông chủ, bác Cả, chú Ninh những chiếc răng cứ dài mãi ra trắng nhởn và nhọn hoắt. Rồi bỗng vỡ òa. Răng, mắt, mũi.v.v quấn xoắn lại với nhau trong tiếng cười gầm gừ khùng khục.
Nó chợt ngộ ra tất cả. Mọi sự hỗn độn mung lung trong cái đầu u mê của nó bỗng trở lên rõ ràng và rành mạch hơn bao giờ hết. Thế là hết. Hết thật rồi. Cứu tinh của nó đến không phải để cứu nó mà đưa nó về cõi chết. Nó rùng mình. Nước mắt nó ứa ra, ứa ra run rẩy.
Tong! Không phải máu. Không phải máu, mà là một giọt nước mắt. Một giọt nước mắt trong vắt rớt xuống bát nhôm. Nó khóc. Đây là lần thứ hai trong đời nó khóc. Lần đầu, khi ông chủ băng bó vết thương cho nó, nó đã khóc nghẹn ngào. Và lần này nó cũng khóc. Khóc nghẹn ngào.[/size]
[size=medium] Cu Tý chạy lại đưa cho cái đũa rồi chầu hẫu háo hức đứng bên, ánh mắt hiếu kỳ sáng lên trong veo. Ông chủ Tuất chọc chiếc đũa vào cổ nó, chỗ vừa cắt, lần tìm mạch hồng. Xung quanh lặng đi, tất cả các con mắt dồn hết lại dõi theo từng chuyển động của chiếc đũa. Một khoảng lặng căng thẳng. Không gian như tù đọng lại. Thời gian ngột ngạt trôi đi xen lẫn những tiếng rên ư ử khò khè khó nhọc. Chợt: “Kìa! Đấy! Sát ngay dưới đấy anh!” – chú Ninh kêu phấn khích. Mạch hồng đây rồi. Nó hiện ra, đập nhè nhẹ phập phồng. Ông chủ Tuất lựa tay luồn chiếc đũa ra sau mạch, từ từ kéo tách ra ngoài. Ông quay sang bảo chú Ninh: “ Chuẩn bị nhé. Chú khuấy nước hãm đi. Đều tay vào đấy”. “Rồi! Bác yên tâm”.
Một cảm giác nhói đau. Nó tru rít lên thảm thiết oằn người quẫy đạp vô vọng. Máu vọt thành tia bắn xuống bát nhôm sàu bọt, sục lên màu tươi rói. Nó giãy giụa xoắn người. Tia máu phun vọt ra khỏi bát nhôm, vấy loang lổ lên áo, lên mặt của ông chủ Tuất. Bàn tay của bác Cả và ông chủ Tuất siết chặt người nó cứng ngắc như những gọng kìm. Tuyệt vọng và kiệt sức. Những tiếng rên ư ử cứ nhỏ dần. Người nó lả đi, lả đi. Mắt nó hoa lên. Bên tai nó, tiếng thìa khuấy chạm vào thành bát lanh canh như tiếng khánh. Rồi tai nó cũng ù đi. Lùng bùng trong tai, nó nghe thấy tiếng ê a của cu Tý như tiếng kinh siêu độ:
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng…riềng.
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng…gi.i.ề..n…n…g.
…đi chợ mua tôi đồng…g.i.i..ề..n…n….n…g.
….mua tôi đồng…g..i..i…ề…n….n…..n….g.
….…..gi….i.…i…..ề…n….n…..n….g.
Kết một:
Khoảng hơn hai tiếng sau.
Mâm dọn ra. Đủ bảy món thơm lừng, nóng hôi hổi. Rượu quê sóng sánh, bát tiết đỏ au với mấy cọng húng chó xanh mướt phủ trên. Bác Cả xắn một miếng đút tọt vào miệng từ tốn nhai rồi gật gù:
- Chú Ninh đánh khá thật. Đông xắn xặn. Có vị mát của tiết, vị ngọt của nhân, vị bùi của lạc, lại có độ giòn sần sật của cuống họng và thơm mùi húng. Ngon lắm!
- Chuyện! Món tủ của em mà – Chú Ninh hào hứng nói - Nhưng công nhận con này sống dai. Đến lúc sắp cạo lông mà em vẫn thấy nó còn rên ư ử. Thế là lại phải dùng chày táng cho một phát vào đầu nữa nó mới ngỏm hẳn.
Ông chủ Tuất nâng chén rượu, vạt tay áo loang những vết máu gạt đi nói:
- Thôi nào! Uống đi anh em! Mát trời thế này, rượu cuốc lủi nhắm với thịt cầy là nhất.
Uống xong chén rượu, khà một tiếng dài khoan khoái ông kể:
- Con Mực này hồi xưa khôn lắm….
Cạnh mâm cu Tý đang nghẹt mồm với miếng chả chó ngọt lựng. Miệng nhai, tai nó dỏng lên hóng chuyện. Nó vừa nhai vừa nghĩ về buổi bắn chim chiều nay. Không có con Mực đi nhặt chim thì kể cũng tiếc. Mà thôi! Chả ngon thật. Nó thò đũa gắp thêm miếng nữa.
Kết hai:
Người nó lả đi, tai lùng bùng toàn tiếng lanh canh thìa khuấy với tiếng ê a riềng mẻ của cu Tý. Thoi thóp, thoi thóp. Nó thở dốc, hổn hển và khò khè. Cơn điên chợt bùng bùng trỗi dậy trong nó. Chết thế này sao? Chẳng lẽ chốc nữa thôi nó sẽ biến thành đĩa hấp, đĩa chả, bát xáo trên mâm rượu cho đám người bạc ác kia hể hả sao? Không! Không thể như thế được! Nó quẫy mạnh, cái quẫy sinh tử. Cũng chẳng hiểu sao mà nó lại khỏe đến vậy. Nó vùng khỏi những bàn tay tử thần. Con dao trên tay ông chủ Tuất văng ra cứa đứt sợt dây thừng khóa mõm. Nó lăn nhào xuống sân, hất tung bát máu. Máu tóe lênh láng khắp sân. Người nó bết toàn máu đỏ rực. Đám người bu quanh hốt hoảng nhảy dạt ra. Nó vật mình quẫy vung. Vệt cắt trên cổ nó ngoác ra, đồng thời những vòng dây thừng khóa mõm nó cũng tung ra nốt. Mắt vằn máu, nó nhe nanh gầm lên dữ tợn. Oằn mình trong vũng máu, những vòng dây trói nó lỏng dần, lỏng dần…
Sau phút hốt hoảng ban đầu, đám người xung quanh vội bu lấy nó. Ông chủ Tuất quát: “Cẩn thận kẻo nó sổng”. Chú Ninh nhoài người vớ lấy viên gạch. Bác Cả vơ vội cái chày giã riềng xô đến táng mạnh vào đầu nó. Lăn vòng sang bên, nó quay lại táp mạnh vào cổ tay bác Cả, đồng thời vùng mạnh. Dây trói bật tung, nó chồm dậy thế thủ. Cu Tý sợ quá chạy tọt vào trong nhà. Mấy người còn lại cầm chày cầm gạch gườm gườm quây quanh nó. Vây hãm và đối đầu. Hai bên cùng vằn mắt nhe nanh lừa thế. Ông chủ Tuất mặt loang lổ máu nhìn nó trừng trừng, khom người lựa thế từ từ tiến lại định nhặt con dao lăn lóc giữa sân. Nó trừng mắt nhìn ông chủ. Mắt đối mắt vằn lên sọng máu. Gừ gừ ừ..ừ…. nó co người từ từ lùi lại thế thủ. Máu từ vết cắt trên cổ, trên người nó nhỏ long tong. Răng nó nhe ra, những tiếng gầm gừ căm giận sục sôi trong huyết quản. Căng thẳng phút tử sinh. Chợt ông chủ Tuất nhoài người định vớ lấy con dao. Nhưng nó còn nhanh hơn. Nó nhảy vọt lên chồm người lao thẳng vào mặt ông chủ Tuất với cả khối căm hờn. Ông chủ Tuất chới với ngã ngửa người ra giữa sân. Nó vụt qua, lao nhanh ra ngõ. Đám người xô theo. Chú Ninh ném vù viên gạch sạt ngay trên đầu nó.
Nó chạy. Nó chạy với tất cả sức lực còn lại trong người. Sau lưng nó thình thịch ráo riết tiếng chân truy sát. Gạch đá veo véo vây quanh. Nó luồn hàng rào, vượt qua những bụi tre gai rậm rịt, băng ra cánh đồng mía mênh mông ven làng. Những luống mía sắp tới ngày thu hoạch ken đặc, cao vống ôm ấp chở che cho nó, cản bước kẻ thù. Nó luồn, nó lách, nó lao đi như điên bỏ lại xa dần phía sau đám người truy sát cùng những tiếng chửi rủa tục tằn…
“Xương gà, da chó”. Nắng, gió cùng bụi đất mau chóng giúp nó gắn liền vết thương. Bộ lông đẫm máu ngày nào cũng đã được thay bởi lớp lông mới mượt. Giờ đây nó trở thành một con chó hoang. Những cánh đồng, những đồi cây là nhà của nó. Tự do và phóng khoáng. Thực tế dạy thêm cho nó nhiều bài học nữa giúp nó khôn hơn, lanh hơn, mưu mẹo và đa nghi hơn. Nó thấy thoải mái và hài lòng với hiện tại. Nhưng nó vẫn sợ. Nỗi sợ đeo bám ám ảnh tâm cam nó. Đó là con người.[/size]
[size=medium] P/S: Nguồn từ 1 blogger[/size]