Mỗi một lần Arsenal bị nghi ngờ về khát vọng chinh phục danh hiệu thì lại có một trụ cột đồng ý gia hạn hợp đồng với CLB. HLV Arsene Wenger liên tục sử dụng chiêu thức cũ rích này để khơi dậy niềm tin nơi người hâm mộ. Nhưng ở thời điểm này mọi thứ đang trở nên vô vọng, bởi ngôi sao sáng nhất của “Pháo thủ” là Robin Van Persie đã công khai từ chối ký tiếp và nối gót những Cesc Fabregas, Samir Nasri chia tay sân Emirates.
Những hứa hẹn của Wenger về danh hiệu giờ đã trở thành câu chuyện tiếu lâm trong bóng đá. Một HLV chỉ ưa dùng nội lực, không thích shopping, ham làm giàu cho đội bóng chủ quản thì đến bao giờ mới gặt hái được thành công. Chuyện các trụ cột cứ lần lượt ra đi âu cũng theo lẽ tự nhiên và Giáo sư cũng đừng ngồi đó khóc than cho số phận hẩm hiu của mình.
Không chỉ cố chấp, Wenger còn đang biến mình thành kẻ lạc lõng với xu hướng bóng đá hiện đại. Ông thẳng thừng chỉ trích lối chơi của Tây Ban Nha (!?), đội bóng chơi đẹp nhưng hiệu quả gấp bội so với một Arsenal hữu danh vô thực.
Wenger là hình mẫu cho sự bảo thủ
“Họ (TBN) đã phản bội lý tưởng của mình và biến nó trở thành một thứ tiêu cực. Bình thường họ tấn công để giành chiến thắng, nhưng bây giờ họ tấn công để không bị thua”, Wenger phát biểu rất hùng hồn.
Biết đâu lối chơi tiqui-taca của TBN đã bị bắt bài và họ buộc phải có những điều chỉnh để khắc chế những đối thủ đã nghiên cứu mình rất kỹ lưỡng. “Bò tót” có thể thi đấu thất thường nhưng họ luôn đảm bảo được mục tiêu cuối cùng là chiến thắng. Arsenal chỉ được một nửa như TBN, đó là chơi đẹp nhưng khả năng sát thương bằng 0.
Ngay cả cậu học trò cưng Cesc Fabregas cũng không tin ông thầy người Pháp lại chỉ trích lối chơi của đội tuyển quê hương mình. “Tôi không thể tin Wenger lại nói như vậy về TBN”, Fabregas tỏ ra ngán ngẩm.
Các trụ cột cứ lũ lượt đòi rời Emirates
Wenger quên mất lý do Fabregas cương quyết chia tay Arsenal để trở về Barca và chấp nhận một suất dự bị thay vì chiếc băng đội trưởng tại sân Emirates. Tất cả chỉ vì triết lý bóng đá quá khô cứng của Giáo sư, người đang cố gắng áp dụng thứ chiến thuật tiqui-taca nửa vời. Đơn giản, với Fabregas, chơi bóng chỉ biết cống hiến mà thiếu hiệu quả thì cũng coi là vứt.
Người ta gọi Wenger là “người đàn ông của ngày hôm qua” vì sự bảo thủ của ông. Wenger quá lạc hậu so với xu hướng phát triển chung của bóng đá hiện đại. Trong lúc các CLB đang cố gắng giữ chân những ngôi sao sáng nhất bằng mức thu nhập hậu hĩnh thì ông lại khư khư giữ lấy mức lương trần, bất chấp BLĐ Arsenal sẵn sàng móc hầu bao để mua lại lòng trung thành của các trụ cột.
Một đội bóng chỉ được nhớ đến nếu giành được danh hiệu, còn kẻ chiến bại dù xuất sắc đến mấy sớm muộn cũng bị chìm vào quên lãng. Wenger thừa hiểu điều đó nhưng ông không chấp nhận mình đang sai. Sự cố chấp của Giáo sư sẽ nối dài cơn khủng hoảng của “Pháo thủ”. Đó là điều tất yếu.
http://bongda168.com/bong-da/tin-tuc/bong-da-quoc-te/11793/su-bao-thu-cua-wenger-dang-giet...-arsenal.html