Ảnh - truyện vui 2011-11-07 01:47:57

Sự "lột xác" từ nghệ thuật tái chế đồ cũ thành... robot


Dưới đôi bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ, những món đồ cũ đã "biến thân" thành các chú robot cực kỳ dễ thương!

[justify]Bạn sẽ làm gì với những món đồ như ấm đun nước hỏng, đồng hồ “chết”, đồ chơi cũ hay vỏ hộp, vỏ lon? Chắc chắn, nhiều người sẽ chọn cách bán đồng nát hay vứt chúng đi cho khỏi chật nhà. Thế nhưng, Will Wagenaar – một nghệ sĩ tài năng người Mỹ đã biến những đồ vật tưởng như vô dụng ấy thành các chú robot đồ chơi đẹp mê ly. Hãy cùng chiêm ngưỡng và tìm hiểu những tác phẩm dưới đây để thấy sự “lột xác” kỳ diệu của đồ dùng cũ nhé!


Cậu bé robot “khoai tây chiên”.


Những khuôn mặt ngộ nghĩnh hệt như nhân vật trong phim hoạt hình.


Will Wagenaar là một nghệ sĩ tài năng sống ở thành phố Port Richie, Florida. Tình yêu với nghệ thuật tái chế của ông được khơi nguồn từ khi còn nhỏ. Đến những năm trung học, ông đã có thể tự tay biến đồ dùng hỏng thành những món đồ chơi thú vị. Kinh nghiệm và kỹ năng của Wagenaar được bồi đắp từ những năm tháng ấy. Cho đến bây giờ, khi ông đã trở thành bậc thầy lão luyện với gần 40 năm trong nghề, những vật liệu cũ được ông xử lý đã trở thành những món đồ chơi sáng bóng, không còn chút dấu vết của đồ cũ.


“Công chúa váy xòe" và "tướng quân bánh nướng”.





Những món đồ cũ được xử lý rất “ngọt” không thua gì đồ mới…


… Thế nhưng, có những món đồ lại được giữ nguyên lớp vỏ hoen gỉ, lớp sơn đã bong hay tấm giấy bọc đã mờ không còn rõ chữ nhằm tạo hiệu ứng hình ảnh đặc biệt.





Dấu ấn thời gian tạo nên nét cá tính riêng cho tác phẩm khiến chúng trông hệt như những món đồ chơi cổ.


Will Wagenaar hoàn toàn bị “mê hoặc” bởi đồ cũ. Hàng ngày, ông bỏ ra không ít thời gian để săn lùng những món đồ mà người khác bỏ đi không dùng nữa. Hễ đọc được thông tin có nơi nào rao bán đồ cũ thì ngay lập tức, ông phải tìm đến để “rinh” về cho bằng được. Ông đặc biệt thích ghé thăm gian hàng được bày trước sân nhà - nơi bán đồ dùng cũ trong gia đình, các khu chợ đồ cũ hay những quầy hàng thanh lý tài sản do chủ nhân phải chuyển nhà mà không thể mang chúng. Đến những nơi này, ông có thể tìm được các món đồ không chỉ “xưa” và “độc” mà giá cả lại phải chăng. “Tôi thích làm việc với những thứ đã nhuốm màu thời gian” - ông nói.


Chú robot có đầu là chiếc bình tưới hoa, đĩa đựng trái cây và vòng cổ bằng khung gương.


Còn chú chó này lại có hai tai được làm từ hai chiếc thìa, chiếc mũi bằng ống kính máy ảnh cũ. Rất sáng tạo phải không nào?


Bất cứ một món đồ cũ nào cũng có thể mang đến cảm hứng nghệ thuật cho ông Wagenaar, từ vỏ hộp đựng trà, mắt kính cũ, thìa, dĩa, lò xo đến những mảnh hàng rào bằng thép, các bộ phận của đồ chơi cũ hay bất cứ thứ gì có thể dùng được.


Chú robot Timer làm từ vỏ đồng hồ bằng gỗ và chân nến.


Đầu chú robot được “chế” từ đèn lồng và chân là những bánh xe ván trượt.


Đôi khi, nghệ nhân Wagenaar dựa vào ý tưởng đã có sẵn để tìm nguyên liệu rồi bắt tay vào làm, nhưng đa phần tác phẩm của ông được sáng tạo theo cách đặc biệt hơn nhiều. Khi bắt gặp những món đồ cũ hay ho, ông sẽ “chơi” với chúng, nghe chúng “nói chuyện” và không ngừng nghĩ về chúng cho đến khi ý tưởng mới xuất hiện trong đầu. Đôi lúc, khi nhìn vào món đồ nào đó, ông liền nghĩ ngay đến hình dáng thú vị của chúng khi kết hợp với một món đồ khác, thế là ý tưởng mới ra đời.


Ống nhòm, thìa, lò xo, bánh xe đồ chơi và nồi nấu bếp… những đồ vật chẳng hề liên quan với nhau được lựa chọn và kết hợp thành nhân vật vô cùng độc đáo.


Một số có thể chạy, nhảy được nhờ dùng pin hoặc lên dây cót.


Cách mà Will Wagenaar tạo ra tác phẩm cũng rất thú vị: Khi đã có ý tưởng sáng tác, ông sẽ bắt tay thật nhanh để hoàn thành những bộ phận phức tạp và “khó nhằn” trước, sau đó từ từ hoàn thành những phần nhỏ tiếp theo. Cuối cùng, ông sẽ tỉ mẩn lắp ghép chúng với nhau, hoàn thiện tác phẩm.

Mỗi khi tạo ra một sản phẩm mới, tiêu chí được ông đặt lên hàng đầu là làm sao để những món đồ cũ được tận dụng một cách tối ưu. Nhờ vậy, tất cả các tác phẩm của ông đều có ít nhất 80% là vật liệu tái chế.


Vị “Giáo sư bệ vệ” này trông như đang giảng bài ấy nhỉ!


Tác phẩm lấy ý tưởng từ chú robot “Số 5” trong vở kịch “Chuyến du hành ngắn ngủi” (Short Circuit) từ những năm 80.


Những lúc không làm việc, ông Wagenaar lại tranh thủ thời gian suy nghĩ về các ý tưởng, tìm kiếm vật liệu mới. Tái chế đồ cũ chính là cuộc sống của ông, là công việc mà ông dành trọn cuộc đời để gắn bó. Ông từng chia sẻ: “Hơn cả một công việc, đối với tôi, đó là niềm đam mê”.


Một số chú robot “bụng bự” được dùng làm hộp đựng trang sức…


… và cả bỏng ngô nữa. Trông dễ thương quá!




Những món đồ chơi ngộ nghĩnh này rất phù hợp để làm quà cho trẻ em. Thông qua món quà đặc biệt này, ta có thể dạy chúng cách dùng đồ tiết kiệm và bảo vệ môi trường nhờ tái chế đồ dùng cũ.


Chú robot Ticker với thân bằng hộp đựng thuốc lá và đầu là một chiếc đồng hồ.


“Em” rồng này cao tới 80cm và dài 115cm đấy nhé!


Gia đình robot.


Đôi mắt của chú robot này được làm từ một loại kính cầm tay để xem hình ảnh 3D, được sản xuất từ những năm 40 (tương tự như kính xem phim 3D hiện nay).


Sản phẩm “hô biến” từ tay nắm cửa tủ, ống nhòm, dĩa và túi da.



[justify]Công việc của ông Wagenaar đã gửi gắm một thông điệp rất ý nghĩa: Mọi đồ vật đều có linh hồn. Nếu ta biết đánh thức giá trị ở những đồ vật bỏ đi thì không có thứ gì là vô dụng.[/justify]
[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)