Đỏ mặt vì ai cũng “ở truồng”
Bước lên bàn đẻ, dù cơn đau đã đến mức “cắt da cắt thịt” nhưng Như Lan (Đông Anh, Hà Nội) vẫn không khỏi đỏ mặt khi nhìn thấy 2 mẹ bầu bên cạnh đang “tồng ngồng” chẳng buồn vén váy xuống. Cô cũng không khỏi giật mình khi một bác sĩ nam chẳng ngần ngại thọc tay vào “vùng kín” của cô để kiểm tra xem tử cung đã mở được bao phân. Đến lúc này Lan mới hiểu rõ được cảnh đi đẻ thế nào.
Lan kể: “Hồi mang bầu mình chưa bao giờ nghĩ đến cảnh đi đẻ lại xấu hổ thế. Xem phim ảnh, thấy người ta đi đẻ lịch sự lắm. Mỗi bà đẻ một phòng riêng, được che chắn cẩn thận còn mình đi đẻ thì 2-3 mẹ một phòng. Quần áo thì xộc xệch, tóc tai bù xù. Không chỉ có thế, hãi nhất là cảnh các mẹ chẳng ngần ngại để “tồng ngồng” cả ra. Có lẽ do đau quá nên chẳng mẹ quan tâm đến chuyện ăn mặc nữa. Mình còn nhớ mãi cảnh một chị chỉ mặc một chiếc áo rộng của bệnh viện rồi chạy theo bác sĩ nhờ đỡ đẻ vì cơn đau đẻ lên đỉnh điểm. Mặc dù rất đông người đứng ngoài hành lang nhưng chị chẳng ngượng ngùng gì. Có lẽ mọi người cũng cảm thông cho bà đẻ lúc ấy.”
Còn với Lan, tuy không đến mức như chị bạn nọ nhưng cô kể đến lúc cơn đau lên đến đỉnh điểm thì cũng chẳng quan tâm gì đến những người xung quanh nữa: “Lúc cơn đau dồn dập đến, mình chỉ mong sao bé nhanh chào đời, mỗi lần bác sĩ khám xong, chính mình cũng chẳng buồn kéo váy xuống vì để như thế cho tiện những lần khám sau (khi bé sắp chào đời thì cứ khoảng 5-10 phút là bác sĩ lại khám lại). Đến bây giờ, nghĩ lại cảnh trong phòng đẻ vẫn thấy đỏ mặt.”, Như Lan chia sẻ thêm.
Chuyện chửi cả bác sĩ trong phòng đẻ không phải là hiếm. (ảnh minh họa)
Ngất xỉu vì con quá… xấu
Dù bé Kin đã được 1 năm nhưng Hoài vẫn thỉnh thoảng “lôi” lại câu chuyện đi đẻ đáng xấu hổ của chồng để trêu anh. Vốn là hồi mang bầu, Hoài rất sợ sẽ không thể vượt qua được cơn đau đẻ, sợ cô đơn trong phòng đẻ với toàn người lạ xung quanh. Vậy nên cô đã thuyết phục anh xã tham gia ca đẻ cùng vợ. Một phần vì thương vợ, một phần vì tò mò muốn biết con yêu chào đời thế nào, chồng Hoài đã gật đầu đồng ý. Hai vợ chồng phải tìm hiểu và vất vả lắm mới tìm được một bệnh viện cho phép chồng tham gia ca đẻ cùng vợ.
Nhưng cũng tại đây, chuyện bi hài đã xảy ra. Trong quá trình Hoài đau đẻ, chồng cô phối hợp với bác sĩ khá tốt. Bác sĩ hướng dẫn anh thế nào, anh thực hiện đúng thế ấy. Cũng nhờ có chồng bên cạnh mà Hoài đỡ đau và có cảm giác yên tâm hơn rất nhiều. Những tưởng chuyện đi đẻ diễn ra suôn sẻ nhưng đến lúc con yêu vừa lọt lòng mẹ, bác sĩ gọi anh đến để cắt dây rốn cho con. Vừa nhìn thấy con, anh hét ầm lên rồi ngất xỉu. Thế là ekip đỡ đẻ hôm đó đã phải chia làm 2 ca, một ca chăm sóc mẹ con Hoài, còn 2 người phải đưa anh sang phòng cấp cứu. Khoảng 15 phút sau, chồng Hoài mới tỉnh lại. Mọi người xúm vào hỏi thì anh bảo do nhìn thấy máu quanh người con mà sốc quá.
“Giờ nghĩ lại mình vẫn còn thấy xấu hổ vô cùng. Trong ý nghĩ của mình, con chào đời sẽ đẹp như thiên thần nhưng mình đã nhầm. Những hình ảnh mình nhìn thấy trong phim hay trên báo về trẻ sơ sinh là khi bé đã được vệ sinh sạch sẽ, còn khi bé vừa lọt lòng mẹ thì hoàn toàn khác. Mình vốn là người sợ máu nên khi chứng kiến cảnh ấy, mình không thể làm chủ được bản thân nữa. Mai này con trai mà biết câu chuyện này, chắc nó sẽ buồn vì bố lắm”, chồng Hoài chia sẻ.
Các cặp đôi nên chuẩn bị tâm lý cũng như kiến thức sẵn sàng trước khi đi đẻ. (ảnh minh họa)
Chửi bác sĩ – chuyện nhỏ!
“Không biết khi vào phòng sinh, mình lấy đâu “động lực” mà to mồm thế chứ. Vì đau đẻ đến hơn 1 ngày nên mình thực sự mệt mỏi và dễ cáu gắt. Lúc đó, nhìn hay nghe thấy bất cứ điều gì bực mình là mình chửi luôn. Nhiều khi anh xã đã phải lĩnh đòn chửi của mình chẳng vì nguyên nhân gì. Nhưng chửi anh xã thì không sao vì xã có thể hiểu được mình nhưng chuyện đáng xấu hổ nhất của mình là lúc đau đẻ quá mình đã mắng cả bác sĩ. Mà đó là bác sĩ người quen của mình mới xấu hổ chứ.”, Bích Trâm (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Vì đau đẻ đến hơn một ngày mà cổ tử cung vẫn chưa mở hết nên Trâm yêu cầu bác sĩ được đẻ mổ. Thế nhưng sau khi khám, bác sĩ quyết định vẫn để cô đẻ thường vì sức khỏe mẹ và bé vẫn ổn định. Thế là cơn bực bội lên cao vì đau quá nên cứ nhìn thấy bác sĩ là cô chửi. Khi cơn đau đẻ lên tới đỉnh điểm mà thấy bác sĩ vẫn không can thiệp gì, cô liền mắng ngay: “Mắt mũi ông để đâu thế, thấy tôi đau thế này mà cứ ngồi đó à?…” Có lẽ vì đã trải qua rất nhiều ca sinh nở tương tự nên các bác sĩ cũng để kệ Trâm mắng chửi. Cho đến khi biết rằng cô đã có thể sinh được, bác sĩ vẫn rất nhiệt tình hướng dẫn cô tỉ mỉ từng cơn rặn để con dễ dàng chào đời nhất.
Những chuyện mắng chửi trong phòng đẻ, để “tồng ngồng” hay ngất xỉu khi nhìn thấy con… không phải là hiếm gặp khi đi đẻ. Tuy nhiên, để ca sinh nở được hoàn hảo, chị em nên đọc nhiều tài liệu về chuyện sinh nở trước và tham gia các lớp học tiền sản để trang bị kiến thức đầy đủ cho mình. Với những người chồng muốn có mặt trong phòng sinh cùng vợ cũng nên tìm hiểu thật kỹ để không phải rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười như vợ chồng chị Hoài.