MỘT Ổ GÀ ẤP TRỨNG
Hầu như các gia đình ở nông thôn của nước ta từ xưa đến nay vẫn thường nuôi vài con heo, mấy chục con gà con vịt. Bà con thường bảo nuôi cho vui cửa vui nhà. Lại nữa, ngoài việc đem ra chợ bán kiếm tiền, mỗi khi có khách từ xa tới thăm thì trong nhà đã có sẵn gà vịt, khỏi phải ra chợ, rất thuận tiện! Rồi khi nhà có giỗ chạp cưới hỏi thì đã có sẵn mấy con heo chỉ phải lo những thứ khác… đỡ được một khoản tiền coi như đã để dành từ trước. Tính tự cung tự cầu ở nông thôn vẫn còn đang diễn ra ở nhiều nơi từ đồng bằng đến miền sơn cước. Cũng chính vì thế mà đôi lúc chỉ vì con gà con chó chạy qua chạy lại mà tiếng to tiếng nhỏ, tiếng qua tiếng lại làm mất đi tình làng nghĩa xóm, mối khăng khít đằm thắm bấy lâu bị tan vỡ, thật đáng tiếc! Để giải quyết những bất hòa nho nhỏ đó thì lại diễn ra rất đa dạng, mỗi nơi một khác. Có nơi người ta đưa tới ông Trưởng tổ Trưởng ấp; có nơi đưa tới ông Thầy, ông Cha, ông cố đạo; có nơi lại đưa tới ông Tộc trưởng Bang trưởng…
Câu truyện đã xẩy ra ở một họ đạo, nơi cha H làm cha sở. Cha H coi sóc một họ đạo có hơn 400 gia đình với gần 2000 giáo dân. Hầu hết bà con giáo dân nơi đây đều làm ruộng, một nắng hai sương, chân lấm tay bùn. Vì thế cuộc sống cũng chưa được khấm khá là bao. Một buổi sáng, khi cha H đang làm việc ở phòng khách của nhà xứ thì có hai bà dòng dòng trạc ngoài bốn mươi tuổi, một bà cao hơi ốm nước da ngăm ngăm đen, một bà thấp lại mập tay bê ổ gà đang ấp trứng. Vẻ mặt hai bà lúc này trông rất căng thẳng, chạy sồng sọc vào phòng khách của nhà xứ, nơi cha H đang làm việc
- Cha coi có tức không? Con gà mái của con đang nằm ấp 18 quả trứng ở góc bếp nhà con đã được nửa tháng rồi, chỉ còn vài ngày nữa là nở, thế mà con mẹ mập này nó nhận là của nó, rồi sông vào bếp nhà con bê cả ổ gà về nhà bà ta, con đuổi theo, nó chay vào đây này. Cha giải quyết thế nào cho con đây?|bà cao hơi ốm nói|. Cha H chưa kịp nói gì thì bà mập đã vội lên tiếng:
- Thưa cha: sáng nào con vãi thóc cho gà ăn, con gà mái của nhà con đây đều về ăn, sau đó nó biến đi đâu mất. Con theo dõi nhiều ngày, hôm nay mới bắt gặp quả tang, nó đang ấp trứng trong bếp bà này. Con bắt cả ổ về, con trả lại cho bà ấy cái rổ và nắm rơm khô là cùng. Gà người ta nuôi chứ đâu phải chim sáo trời, bà làm ổ rồi đón gà của người ta à? Cha giải quyết thế nào cho con đây?
Suy nghĩ trong giây lát, cha H chậm rãi nói với bà mập
- Ổ gà này đúng thực là của bà phải không ?
- Thưa cha, đúng thực là của nhà con. Bà mập trả lời
- Nếu đúng thực ổ gà là của nhà bà thì bà vui lòng bán lại cho nhà xứ, tôi nuôi làm kỷ niệm, bà nhận 250.000 đ mua con gà khác để nuôi nhé, tôi trả 200.000đ tiền con gà mái, 50.000 tiền 18 quả trứng gà lộn đó.
- Nếu nhà xứ nuôi thì con không lấy tiền, con biếu cha.
- Không được, lúc khác bà biếu tôi lấy, hôm nay bà phải nhận tiền. Bà mập miễn cưỡng nhận 250.000đ rồi trao ổ gà cho người giúp việc nhà xứ mang xuống bếp. Bà cao ốm vẻ mặt tức giận đứng sững sờ nghe cha H phân giải từ nãy đến giờ đang định lên tiếng thì cha H quay sang bà và Ngài nói:
- Ổ gà này là đích thực của nhà bà phải không ?
- Thưa cha, ổ gà là của nhà con. Gà đang ấp trong góc bếp thì con mẹ mập này sông vào bê về nhà nó. Bà cao nói
- Nếu đích thực là của bà thì bà vui lòng bán lại cho nhà xứ để tôi nuôi làm kỷ niệm, bà nhận 250.000đ mua gà khác để nuôi nhé!
- Con biếu cha, con không lấy tiền đâu. Bà cao nói
- Bà vui lòng nhận tiền đi, khi nào vui vẻ bà biếu tôi sẽ nhận.
Bà cao ốm cũng miễn cưỡng nhận nơi cha xứ 250.000đ
- Thôi hai bà về đi, cha xứ nói.
Hai bà yên lặng ra về, bộ dạng ít căng thẳng hơn lúc mới tới nhà xứ.
Một tuần sau, tôi được biết cha H đã nhận lại 250.000đ, nhưng không biết của bà ốm hay bà mập trả lại. Ngài cũng không tìm hiểu thêm ổ gà ấp trứng là của bà cao hay bà thâp, nhưng sư thật đã được tìm thấy, sự hối cải đã trở lại..