Những cô gái ở Trường Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình) chỉ đi làm dâu khoảng 1 - 2 tháng là có thể trở về với bố mẹ, sống một cuộc sống như bình thường.
Có dịp đặt chân đến mảnh đất Trường Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình), được tận mắt chứng kiến và cảm nhận cuộc sống của con người nơi đây với những câu chuyện đằng sau đồng ngoại hối cao như núi, tôi mới vỡ lẽ: Hạnh phúc của con người không được định nghĩa bằng nhà to, tiền nhiều!
[justify]
Thực chất là bán trinh
Không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng từ những năm 1997 - 1998 đã có một luồng môi giới lân la vào những bản làng của huyện Minh Hóa, tìm những cô gái đi lấy chồng nước ngoài, đổi lại gia đình cô dâu sẽ được nhận một khoản tiền khá lớn từ chú rể, tầm khoảng 100 triệu đồng. Điều đặc biệt là những cô gái này chỉ đi làm dâu khoảng 1-2 tháng là có thể trở về với bố mẹ, sống một cuộc sống như bình thường.
Nghe chuyện, chúng tôi rất ngạc nhiên và tò mò. Nhưng sự thực đúng như vậy. Vấn đề là gia đình các cô gái này không thể biết được sau 2 tháng đi làm dâu với người nước ngoài, con mình sẽ gánh chịu những hậu quả gì?
Để hiểu rõ hơn về việc này, chúng tôi tìm tới gia đình bà B ở trong huyện. Lý do khiến gia đình bà B phải gả con gái của mình cho ông chồng người Đài Loan là vì lúc đó họ bị xiết nợ.
Trong lúc túng bấn, một người đàn bà khoảng chừng gần 40 tuổi, thân hình mảnh mai xuất hiện và đề nghị giúp gia đình trả nợ. Người đàn bà đó nói một thôi một hồi và đưa ra giá là 60 triệu đồng.
Theo đó, cô con gái trong gia đình chỉ phải làm vợ người ta cùng lắm là 2 tháng thôi, sau đó lại về nhà, muốn lấy ai thì lấy, chứ không như các trường hợp lấy chồng Đài Loan khác sẽ phải theo về ở hẳn với họ.
Rồi người đàn bà đó móc điện thoại di động trong bóp ra gọi: “Nói với ông chủ là tôi đã tìm được hàng theo ý của ông”. Quay sang cô gái trẻ, chị ta nói như an ủi: “Hồi xưa cô mới lớn như cháu, cũng nhờ “bán” được như cháu mà có vốn làm ăn tới bây giờ. Ngày mai đi khám sức khỏe xong (để đảm bảo còn trinh trắng), mẹ cháu sẽ được nhận trước một nửa tiền”.
Mua trinh không chỉ là một hiện tượng trái với đạo đức và lương tâm của con người trong xã hội nước ta, mà còn là hành vi phạm pháp. Việc làm này xuất phát từ hai nguyên nhân:
Thứ nhất là là thú ăn chơi tàn ác của những kẻ lắm tiền, thứ hai là quan niệm được hưởng “cây trái đầu mùa” sẽ mang lại nhiều may mắn cho buôn bán, làm ăn - vốn được truyền tụng trong giới chủ người Hoa.
Chế độ ta nghiêm cấm mại dâm dưới mọi hình thức, vì vậy việc mua bán trinh (được gọi theo tiếng lóng là “mua đồng xu”) cũng bị trừng trị theo pháp luật, tuy vậy kẻ mua, người bán vẫn lén lút hoạt động.
Hiện nay, “làn sóng” kết hôn với người nước ngoài không còn tập trung hướng đến các chàng rể Đài Loan mà đã có sự chuyển dịch sang các quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Trung Quốc.
Các đường dây môi giới hôn nhân trước đây nay hoạt động chuyên nghiệp hơn và mở rộng phạm vi ở cả trong nước và nước ngoài.
Để qua mặt pháp luật và không phải lo âu phấp phỏng, cuộc mua bán được chuyển thành hôn nhân. 50% số tiền mua bán sẽ được thanh toán trước, phần còn lại “cô dâu” sẽ nhận đủ khi thực hiện xong hợp đồng.
Bọn cò “đồng xu” sẽ được hưởng 500USD từ tay người bán và gấp đôi số đó từ các ông chủ. Món lời béo bở đã cuốn vào đường dây tội lỗi rất nhiều thành phần: Một số hướng dẫn viên du lịch biến chất, các đối tượng có thể nói được tiếng Hoa…
Bọn cò thường sục sạo vào các khu lao động, các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, các gia đình đang nợ nần, khó khăn để “tấn công”. Các cô gái con nhà nghèo thường coi việc đó như trả hiếu cho bố mẹ.
Có cô trước khi lên đường “trả hiếu” đã nói dối với người yêu là đi thăm bà con ở đâu đó 1 - 2 tháng, hoàn thành xong “hợp đồng” lại trở về với tình cũ. Song làm sao giữ được hạnh phúc khi thể xác đã một lần thành món hàng và tâm lý người con gái bắt đầu chán ngắt cảnh nghèo khổ?
Có cô bán trinh song chưa đủ kinh nghiệm để biết mình có bầu. Đến lúc biết ra, thai đã lớn, đành làm “góa phụ” ôm con, dang dở một đời. Thời gian gần đây, bọn cò bán trinh thấy thị trường thành phố đã bắt đầu bão hóa món “chồng Đài Loan”, nên nhanh chân về các miền quê “tiếp thị”.
Mong “cục vàng” được lên xe hoa
Bà B cho biết: “Từ đầu năm 2009 đến nay, một số xã ở huyện này xuất hiện các bà mối đi cùng với người địa phương len lỏi vào các gia đình có con gái mới lớn để dụ dỗ “lấy chồng Đài Loan”, được món lời lớn.
Xuất phát từ cảnh nghèo, thiếu việc làm và nhận thức còn lệch lạc, nhiều gia đình có con gái ở những vùng hẻo lánh muốn đổi đời từ món tiền cưới đã nhanh chóng nhận lời.
Cô nào gật đầu xong, sẽ được bà mối hỏi nhỏ: “Còn… không”? Nếu nói “không” thì tiền cưới sẽ giảm và “đức ông chồng” sẽ do bà mối chọn. Nếu “còn”, các cô sẽ được đưa về thành phố làm giám định.
Khi kết quả báo là “din”, bà mối sẽ tươi cười cho các cô gặp “đức lang quân”. Họ nhìn nhau cười cười, bẽn lẽn, có gì cần đề đạt phải nhờ qua phiên dịch…
Hôm sau “chú rể” sẽ lên nhà “cô dâu” cùng bà mối, thỏa thuận vài điều nữa rồi kéo nhau ra nhà hàng. “Tiệc cưới” diễn ra trong vài chục phút cho có lệ, “chú rể” chở “cô dâu” về thành phố, cha mẹ “cô dâu” ôm gói tiền “bán” con về.
Qua hôm sau căn nhà đã “đổi đời”, tivi, đầu máy được mua về, một chiếc xe gắn máy chừng 5 triệu là niềm vui lớn của anh em cô dâu. Lớn nhỏ giành nhau xe, xình xịch chạy tới chạy lui suốt mấy ngày liền để hàng xóm biết mình vừa “lên hương”, rồi mướn cả băng video cải lương, kiếm hiệp về cho người già xem cho đã đời, bỏ luôn cả việc đồng áng.
Nhiều người có con gái còn nhỏ hoặc lỡ lấy chồng rồi thì chép miệng tiếc rẻ. Người còn “cục vàng” trong nhà thì mong sao bà mối ghé qua để “cục vàng” được lên xe hoa, gia đình được nở mày, nở mặt với hàng xóm.[/justify]