Câu chuyện của Nguyễn Đình Tình, chàng trai 10 năm tù oan vì tội cướp của, hiếp dâm thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng để nhường chỗ cho cảm xúc. Có lúc anh nín bặt, mắt nhìn xa xăm, vô hồn, có lúc nghẹn lại, khóe mắt ngân ngấn nước…
Chúng tôi tìm về xã Dương Nội trong một buổi chiều lấm tấm mưa phùn, con đường vào làng lầy lội, nhão nhoét bùn đất. Không khó để tìm được nhà ba chàng trai, bà bán nước ven đường nhiệt tình chỉ đường đến nhà họ kèm theo cái chép miệng đầy thương cảm: “Tội thật ba cái thằng!”
Ở nhà Kiên, Tình và Lợi cùng ba ông bố đã có mặt, nhâm nhi bên bàn trà. Họ kiệm lời, ít cười, khuôn mặt đăm chiêu, thỉnh thoảng là tiếng thở dài khe khẽ. Trong số những khuôn mặt nhuốm “đầy tâm sự” ấy, tôi đặc biệt chú ý đến chàng trai có thân hình nhỏ nhắn, tông giọng trầm và đôi mắt ẩn chứa nhiều u buồn. Trong khi những người khác tiếp chuyện chúng tôi thì anh hướng cái nhìn ra khoảng trời nho nhỏ trước sân. Thi thoảng anh gục mặt xuống bàn, 10 ngón tay đan vào nhau đầy bứt rứt. Đó là Nguyễn Đình Tình.
Không ít lần khóe mắt anh ngân ngấn nước, đỏ hoe. Ảnh: Lê Trang. |
Ngày định mệnh
Đến tận bây giờ, sau 10 năm trôi qua, Tình vẫn nhớ rõ mồn một cái ngày kinh hoàng ấy. Vừa kể, giọng anh vừa run lên bởi cố gắng kìm nén sự xúc động. “Hôm đó là ngày 13/12/2000, vào khoảng 7 giờ tối, tôi đi làm về thì thấy bố mẹ đang ngồi uống nước với phó CA xã và một người lạ. Người ấy bảo tôi lên viết tường trình về việc tối ngày 24/10 tôi đi đâu, làm gì”, Tình kể, câu chuyện của 10 năm trước hiện về như cuốn phim quay chậm.
Sau khi viết xong tường trình ở UBND xã, Tình đứng dậy đi về nhưng bị giữ lại. Khoảng 1h sau, Phó công an xã cùng một số người đi vào đọc lệnh bắt khẩn cấp. Quá bàng hoàng không hiểu chuyện gì xảy ra với mình, anh chỉ chắc chắn một điều mình không làm điều gì phạm pháp. Vì thế, trước khi bị giải đi, anh chỉ xin nói một lời cuối: “Bây giờ các chú đang làm nhiệm vụ cháu không chống mà cũng không chống lại được. Sau này sự việc sáng tỏ cháu yêu cầu các chú trả lại danh dự cho cháu và gia đình cháu. Thế thôi!”.
Đêm đó là một đêm kinh hoàng mà Tình tâm sự rằng: “Có chết cũng không thể nào quên”. Sau màn hỏi cung, cái lạnh cắt thịt đêm đông tháng 10 và màn đêm đặc quánh càng làm Tình thêm cô đơn sự hãi, lần đầu tiên anh cay đắng nghĩ đến cái chết để thoát khỏi nỗi nhục mang tội.
“Ông Nguyễn Đăng Nước đã sinh ra tôi lần thứ hai”
Sau lá thư viết bằng máu gửi Kiên và Lợi đòi “trả lại cho tao sự thật”, cái ý nghĩ muốn chết để thoát khỏi tủi nhục cứ giằng xé tâm can Tình, nhất là khi nghĩ đến bố mẹ phải đối mặt với dư luận, mang tiếng với xóm làng vì có thằng con phạm tội “tày đình”. Vậy là, sau khi nhận hết tội, trong một lần hỏi cung tháng 1/2001, Tình đã dằng lấy cái bút của hai cán bộ, đâm vào bụng nhưng bị giữ lại. Anh lập tức lao đầu vào hẻm cửa để tự vẫn, nhưng không thành.
Cứ thế, hai suy nghĩ sống và chết cứ giằng xé chàng trai trẻ. Anh muốn sống để đòi lại công bằng cho mình nhưng lại muốn chết để thoát khỏi những nỗi đau đớn tột cùng, cả thể xác lẫn tinh thần.
Sau lần anh phản cung không nhận tội, Tình bị cắt tiếp tế, quần áo cả tuần không được thay. Thấy vậy, quản ngục lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Lanh đã đưa cho Tình một bọc quần áo do tù nhân khác bỏ lại để dùng. Thế nhưng, thay vì lấy đống quần áo mặc tạm vượt qua cái giá buốt buổi cuối đông, Tình lại dùng răng cắn áo và dây màn tết thành dây, đốt quần kaki lấy nhựa để bện dây… treo cổ. Tình đã chuẩn bị “chết” như thế cả tuần vào lúc đêm khuya khi người bạn tù đang say giấc.
“Có lẽ giờ này tôi đã không còn ngồi trước mặt chị nếu người bạn tù ấy không phải là ông Nguyễn Đăng Nước. Ông ấy đã sinh ra tôi lần thứ hai”, Tình nở một nụ cười hiếm hoi khi nhắc đến “ân nhân” đã cứu mạng mình. Tình kể, ông Nước chắc đã đoán biết được ý định tự tử của Tình nên đã tìm cách khuyên giải anh.
Nghe tâm sự của con, ông Nguyễn Đình Nghĩa không kìm nổi nước mắt. Ảnh: Lê Trang. |
Quãng thời gian sau đó, Tình chăm chỉ tìm đọc sách luật trong thư viện nhà tù, cẩn thận chép lại những bài báo viết về mình, ghi lại đầy đủ những trường hợp bị tù oan và được minh oan. “Được sống đến ngày hôm nay, tôi biết ơn chú Nước nhiều lắm”, Tình trầm ngâm.
“Tôi muốn khép lại quá khứ”
Tình bảo, từ ngày về nhà đến giờ anh như kẻ mất hồn, vô cảm, không thấy vui, không thấy buồn, lúc nào cũng như kẻ trên mây. Hiện giờ anh chỉ mong chờ đến phiên tòa ngày 26/5 công bằng, khách quan và trả lại danh dự cho anh.
“Những năm tháng đấu tranh trong tù khiến tôi mệt mỏi lắm rồi. Giờ đây tôi chỉ mong chuyện này sớm kết thúc để kéo bức màn quá khứ lại. Làm gì có tương lai khi chưa quên được quá khứ”, Tình bâng khuâng triết lý như kẻ ngộ đạo.
Khi tôi hỏi Tình về bạn gái anh, anh lắc đầu nguầy nguậy, đôi mắt đỏ hoe, ngấn nước. “Tôi không muốn nhắc về cô ấy. Giờ đây người ta đã có gia đình yên ấm rồi”. Tình cười buồn: “Người như tôi giờ làm sao dám nhắc đến chuyện tình yêu nữa. 30 tuổi, người ta có công danh, sự nghiệp. Còn tôi, hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không bằng cấp, nhìn cái máy tính, cái di động còn bỡ ngỡ như đứa trẻ lên ba”.
Rồi như nhớ ra điều gì, anh bật cười: “Trước cái hôm bị bắt ấy, tôi ngồi bàn với bố đổi đất để đầu năm 2001 mở xưởng dệt. Hai ba năm sau ổn định công việc rồi lấy vợ. Năm ấy tôi 20 mà, nhiều mơ mộng và lắm dự định lắm…”