Bây giờ, bánh không chỉ phong phú kiểu, mà cái hộp đựng bánh cũng đa dạng, cầu kỳ không kém. Mỗi hộp thông thường 4 cái hình vuông, nhưng hầu như chẳng có cái nào giống cái nào. Màu sắc, kiểu cách thiết kế, hình ảnh, hoa văn thôi thì đủ kiểu. Chẳng hạn như, trung thành màu đỏ đến quen mắt và cả ngán ngẩm như bánh trung thu Kinh Đô , hoặc chọn tông màu gần màu rượu chát của một nhãn hiệu bánh ngọt đã nổi tiếng từ trước giải phóng như Brodard.
Bây giờ, đố hòng kiếm ra mấy cái bánh trung thu của mấy nhãn hiệu bánh trung thu từ Nam về Trung hay ra Bắc mà không có trứng, thậm chí là lúc nào cũng hai trứng -dĩ nhiên là không kể bánh chay rồi. May ra nếu có chăng thì là ở mấy cơ sở làm bánh không tên, những chiếc bánh trung thu không biết đựơc mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm đến mức nào, nhưng giá cả thì luôn mềm. Những chiếc bánh trung thu bình dân từ lâu đã không còn nằm trên kệ bánh ở các quầy bánh, tạp hóa ở các quận trung tâm thành phố.
Từ ngày xửa ngày xưa tới bi chừ, nó vẫn chỉ thích ăn mỗi bánh thập cẩm. Cái lệ là người ta cứ phải tặng, hay mua một hộp 4 cái với 4 loại bánh khác nhau, nên lắm khi cho phép mình mơ mộng tham lam kiểu con nít thưở nhỏ, chỉ toàn bánh thập cẩm, để rồi tự cười mình! Nhận bánh tặng, trân trọng cảm ơn người cho bằng cả sự xúc động, nhưng thật tình thì, rồi lại tìm cách cho lại ai đó mà nó nghĩ có nhu cầu hơn. Hoặc gửi người quen, bạn bè cho các chương trình vui trung thu với trẻ em nghèo.
Hồi đó, con nít mỗi mùa trung thu tới, hầu như đứa mô cũng có 3 niềm vui chung lớn: Đó là đi coi múa lân, chơi lồng đèn và ăn bánh trung thu. Cái thời bao cấp khốn khó chung ấy, cái bánh trung thu cũng là thứ hàng xa xỉ dù nó không cầu kỳ và mắc tiền như giờ. Với nó, bánh trung thu thuộc loại sang xịn là bánh trung thu nhưng thập cẩm, bánh này với nó là ngon nhất, nhưng thường là mắc tiền. Mấy cái bánh thông dụng khác dễ mua khi xin tiền của ngoại là bánh trung thu con heo đủ các kích cỡ lớn nhỏ.
Cả một đàn heo bằng bột nướng vàng nằm chen chúc giương đôi mắt làm bằng hột đâu đen mà dòm, mà mời gọi. Bánh này thì hầu như đứa trẻ mô cũng được ăn nhiều như nó, vì thời nớ, cái loại ni là loại rẻ tiền nhứt, hay được mua làm qùa để tổ dân phố phát qùa cho đám con nít trong tổ. Nhà mô có con nít cũng có quà. Và cứ mỗi năm dịp quốc tế thiếu nhi và trung thu, đứa mô không đựơc cho quà, thì có nghĩa là đã lớn rồi.
Cứ tới tối 14 hay 15 tháng tám theo lịch thông báo trước, đám con nít rần rần kéo về nhà ông tổ trưởng tổ dân phố, xôn xao, chí chóe, chòng ghẹo nhau chờ nhận quà. Quà luôn là bánh kẹo các loại, và dĩ nhiên nhật vật chính là mấy cái bánh trung thu con lợn đó. Rồi xong, đám con nít mới bắt đầu sân si và gạ gẫm nhau: "Mày đổi cho tao con lợn kia đi, nó to hơn con tao, bù cho mày cây kẹo…".
Bánh thường chỉ bày bán khoảng chừng 10 ngày hoặc nửa tháng trước rằm tháng 8, cũng chẳng có in ghi ngày sản xuất gì cả. Thế mà nhanh ăn không biết trời thương hay sao mà chưa lần nào bị Tào Tháo ghé thăm. Giờ, thiên hạ còn chưa chuẩn bị cùng cô hồn đã thấy các quầy bánh trung thu mọc lên khắp nơi rồi. Rồi tới sát ngày rằm thì tha hồ khuyến mãi đại hạ giá, mua 1 tặng 1, tặng 2…ì xèo. Đồng Khánh, Kinh Đô, Long Xưởng, Bibica, Phạm Nguyên…gì cũng đại hạ giá ráo!
Đây là mùa của bánh trung thu đại hạ giá, ừ, cũng lâu quá lâu rồi không được ăn cái bánh trung thu đại hạ giá nào. Hồi sinh viên, nó có một thằng bạn, nghèo lắm, cũng từ miền Trung vô Sài Thành trọ học. Bao lần nó đi ngang qua mấy dãy bán bánh trung thu mà nén cái thèm. Hồi nớ cầu Thị Nghè hay có mấy cái xe ba gác chỉ xuất hiện sau rằm tháng 8 với tấm bảng bánh trung thu đại hạ giá. Bánh rẻ, đâu chừng 2-3-5 ngàn một cái.
Nhưng với túi tiền còm mỗi tháng chỉ dám xài 200-300 ngàn của bạn nó là điều đáng suy nghĩ. Thế rồi thằng bạn cũng chơi sang, mua liền 4 cái, tưởng bạn ăn cho đã thèm, ai ngờ bạn đi xin thêm cái hộp, rồi quyết định gửi về quê làm quà cho bà và lũ em. Bạn cười ngượng nghịu: "Thôi kệ, chắc là không sao, tiếng là ở Sài Gòn mấy năm rồi mà chưa có món quà chi gửi về, mà mấy đứa em ở nhà cũng có biết bánh trung thu là cái chi mô. Mình có thèm thì mấy năm sau ăn cũng được".
Bữa sau, ngồi nói chuyện với bạn bè, ai đó cứ ra rả điệp khúc người ta hay bị ngộ độc thực phẩm với bánh trung thu qúa đát, thằng bạn cứ thấp tha thấp thỏm. Suốt cả tuần liền nó chờ thư nhà - quê xa lúc ấy điện thoại không phải ai cũng có. Rồi thì cũng có thư, đọc thư nhà mặt bạn giãn ra! May quá! Ơn trời! Thấy bạn mừng rưng rưng…
Theo Hanhphuclangthang"blog