Nhà báo, diễn viên Lương Mạnh Hải và người mẫu - diễn viên Tăng Thanh Hà được coi là hai người trẻ có cuộc sống sôi động và sinh động hiện nay. Như nhiều người, họ đã bước qua những ngày tháng "nhạt", tìm kiếm bản thân mình để đến ngày "tỏa sáng", được coi là "thần tượng" trong giới trẻ. Nhưng họ đã nói rằng…
| |
- “Lương Mạnh Hải và Tăng Thanh Hà à? Cặp đôi đó “hot” lắm!” – không ít khán giả trẻ sẽ thốt lên câu đó nếu nghe đến tên hai diễn viên vào các vai Trúc và Nam của “Bỗng dưng muốn khóc” và bây giờ là Quang Hy và Ngô Đồng của “Đẹp từng centimet”. Có bao giờ Hà và Hải thấy ngại ngần trước những lời khen như thế?
- Hải: Cũng ngại, bởi vì trong cái từ “hot” đó thì họ bị tác động bởi báo chí rất nhiều. Hải biết là có rất nhiều khán giả tin báo chí, thấy ai lên báo nhiều thì người đấy là “hot”. Mặc dù khi lên báo họ không có một hoạt động gì, nhưng khán giả vẫn cho là họ “hot”.
- Hà: Được khen là “hot” thì mình vui, nhưng vẫn rất thận trọng, vì không thể chỉ nghe thấy chữ “hot” mà mình ngủ quên để không biết vị trí mình đang đứng ở đâu. Sự thận trọng này luôn có trong cuộc sống của Hà, không bao giờ Hà ngủ quên trên vị trí mình đang đứng.
- Hải: Bởi khi mình “bay” quá thì mình không nhận rõ được bản thân mình thế nào, mình thực sự muốn gì, cái gì là thuộc về mình, cái gì không. "Bay" quá người ta cũng sẽ thấy việc gì tôi làm cũng đúng, cũng hay khiến dễ bị hoang tưởng về bản thân.
- Nhưng hai bạn vẫn thích được coi là “hot” chứ, đúng không?
- Hải: Thì đúng rồi! Nhưng phải tính táo.
- Hải và Hà thử giải thích xem, do đâu mà mình “hot”?
- Hà: Cái đó phải hỏi khán giả. Thường khi Hà tham gia vào một cuộc thi nào đó thì Hà có suy nghĩ làm việc thì phải làm hết mình vì chính công việc trước sẽ là đòn bẩy để người ta mời mình về sau.
Những gì mà Hà có ngày hôm nay không khiến Hà bất ngờ bởi vì mình đã cố gắng nhiều để có được nói. Còn nói vị trí Hà có được như hôm nay là do may mắn thì không thể.
Ngày xưa có nhiều người hỏi là trong công việc Hà có bao nhiêu phần trăm may mắn? Hà có thể nói, ở phim đầu tiên “Dốc tình”, Hà có 50% may mắn, vì mình đang “ngồi chơi xơi nước” mà có người đến mới mình đóng phim. Còn bây giờ thì số phần trăm ấy không nhiều như xưa nữa, chỉ 10 - 20% thôi, tất cả phải do cố gắng của bản thân mình.Vì nếu Hà làm dở ở bộ phim này thì liệu họ có mời Hà ở bộ phim tiếp theo không?
Những nụ hôn rất hot trong "Đẹp từng centimet" |
- Hải: Rõ ràng do quá trình lao động nghệ thuật của mình, người ta nói lao động nghệ thuật chứ không ai nói là trình diễn nghệ thuật. Tức là khi mình làm thì mình phải cố hết sức để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc và tất cả những sự “hot” hay tiền bạc nó sẽ đi theo mình thôi.
Khi nhận một dự án phim thì mình phải cố gắng, để sau tất cả những cố gắng đó mình được khán giả yêu mến; và như vậy những gì đến mình cũng không có gì phải ngạc nhiên. Vì nếu mình ngạc nhiên thì chứng tỏ mình không có cố gắng và chứng tỏ sự thành công đó đến với mình quá bất ngờ, mình không xứng đáng nhận sự thành công đó mà nó lại đến.
- Nếu nước có nhiệt độ sôi là 100 độ thì bây giờ hai người đang “hot” đến độ nào?
- Hải: Nếu tính nhiệt độ sôi là 100 độ thì mình phải nghĩ xem ở 100 độ bây giờ là ai, ở 80 độ bây giờ có những cái tên nào, và ở 81 độ thì sẽ là vị trí của ai đây. Như vậy thì rất là kỳ cục và bản thân Hải khi ra đường không bao giờ nghĩ xem có ai đi theo mình không.
Bởi có thể vào một khu chợ này ai cũng biết mình nhưng sang khu khác thì chẳng ai biết Hải là ai, và nếu có vậy thì cũng không có gì đáng để buồn cả. Nếu mình sôi 100 độ thì chắc chắn phải có người tắt bếp. Và khi cái bếp ấy bụp một cái, Hà và Hải sẽ xuống 0 độ!
- Hà: Khi nhận một vai diễn Hà cần thời gian để đầu tư xem vai diễn đó mình sẽ diễn thế nào chứ không có thời gian để e ngại mình sẽ “hot” hay mình sẽ “nhạt”. Hà nghĩ bỏ thời gian vào mấy cái đó phí lắm.
- Phim các bạn tham gia là dạng phim thần tượng, nếu hai bạn không đủ độ sôi thì làm sao có thể đưa tên tuổi của mình thành thần tượng?
- Hà: Giờ nói xem thế nào là một bộ phim “hot” đi. Trong thời bão hòa phim như hiện nay khi mà mọi người thấy thừa phim thì có một bộ phim được nhắc đến hoài thì tự nhiên không ai nói phim đó “hot” thì cũng biết là phim đó nổi bật trong thời kỳ này. Mà khi phim đó thành phim “hot” thì hai diễn viên trong phim mới “hot” được.
"Ở mình, phim dở cũng cứ cho phát bằng hết thì mới thôi"
- Bỗng dưng muốn khóc là “phim thần tượng” như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói, còn theo các bạn, Đẹp từng centimet có phải là phim thần tượng hay không?
- Hải: Tôi nghĩ là phim thần tượng chỉ là cụm từ chỉ cho phim truyền hình thôi chứ không nên dùng nó cho phim điện ảnh. Bởi như Brad Pitt và Angelina Jolie đóng với nhau hoài nhưng có ai gọi đó là những bộ phim thần tượng không. Bản thân họ đã là thần tượng rồi việc gì họ phải suy nghĩ xem phim của họ có là phim thần tượng hay không.
Cũng như vậy khi Hải và Hà nhận kịch bản thì chẳng bao giờ suy nghĩ rằng phim này có phải là phim thần tượng hay không thần tượng. Chúng tôi không bao giờ nghĩ vậy để hướng mình đến phải diễn một nhân vật thần tượng thì sẽ như thế nào.
- Như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói kịch bản “Bỗng dưng muốn khó”được viết đo ni đóng giày cho Hà và Hải. Với hai chữ “thần tượng” gắn với nó, hai bạn có cảm thấy áp lực gì không?
- Hải: Tôi nghĩ là nên dùng từ diễn viên được yêu thích, vì ở Việt Nam giờ không có ngôi sao điện ảnh để bán vé. Tôi thấy chúng ta nên phân biệt một bộ phim có rating cao và một bộ phim có rating thấp để cho những phim có rating cao thì quyền lợi của biên kịch đạo diễn và diễn viên sẽ khác nhau.
Bây giờ một bộ phim truyền hình ở nước ta đổ đồng từ 150 - 180 triệu/ 1 tập. Hay cũng thế mà dở cũng thế, có rating 31% cũng như 10%. Giả sử như Hàn Quốc nếu phim nào có rating cao thì catse của một số diễn viên, đạo diễn và biên kịch tăng lên tới mấy chục lần. Rõ ràng họ có tạo ra động lực để cho ê kíp làm phim cố gắng. Ở Việt Nam diễn viên chưa bị áp lực về rating.
Ở mình thì phim cứ chiếu vào giờ vàng là sẽ có quảng cáo, dù hay hay dở nhưng ở Hàn Quốc thì khi tập đầu ra mắt diễn viên và êkíp làm phim rất hồi hộp và lo lắng, ngày hôm sau họ có khi dậy từ 6h sáng để xem rating. Vì cái đó sẽ thay đổi cả cuộc đời và sự nghiệp của họ. Phim có rating thấp thì sẽ bị cho chết luôn, còn mình thì phim dở cũng cứ cho phát cho bằng hết thì mới thôi.
- Hà: Tôi cũng nghĩ chúng ta chưa có thần tượng, vì như Hàn Quốc sau khi một phim ra mắt thành công thì catse của diễn viên tăng lên rất nhiều. và từ đó họ sẽ là cái tên đảm bảo bán được vé ở rạp cho các phim sau. Chúng ta mới đang đi theo hướng đó chứ so sánh với Hàn Quốc thì thần tượng trong các bộ phim của chúng ta khác rất nhiều so với họ.
- Với tuổi teen thì để ai đó thành thần tượng rất dễ, khi mà các cuộc thi ca hát đang lạm dụng quá nhiều từ "ngôi sao", "thần tượng". Ví dụ "Thần tượng Âm nhạc", "Ngôi sao tuổi teen", "Ngôi sao Truyền hình"… Ngay như hai bạn, được xưng tụng là cặp đôi "tiên đồng - ngọc nữ" của làng điện ảnh Việt. Vậy theo Hải và Hà, phải làm gì để nâng hai chữ "thần tượng" lên đúng tầm của nó?
- Hải: Trước đây văn phong báo chí không có những cụm từ như “chân dài”, “đại gia” nhưng từ khi có phim Những cô gái chân dài thì họ bắt đầu dùng những cụm từ trên gắn chúng với nhau mang ý nghĩa mỉa mai. Hai từ “thần tượng” cũng thế. Trước đây chúng ta chỉ có từ ngôi sao nhưng gần đây trong các cuộc thi ngươi ta lại sính dùng từ “thần tượng”. Tất cả cũng chỉ là do giới truyền thông.
- Hà: Truyền thông tác động rất nhiều đến xã hội, do đó khi mà giới truyền thông dùng rất nhiều từ “thần tượng” thì cụm từ ấy sẽ trở thành một cụm từ mang tính trào lưu. Các bạn trẻ sẽ dùng nó để gọi diễn viên hay ca sĩ mình yêu thích.
- Theo hai bạn, một người xứng đáng làm thần tượng phải như thế nào?
- Hải: Theo tôi trước tiên đó phải là 1 diễn viên tài năng. Thứ hai cái tên của diễn viên đó phải là 1 cái tên gây sự chú ý và thu hút đối với khán giả khi 1 dự án phim được thực hiện. Bởi vì bạn là thần tượng nên bạn luôn được mọi người săn đón và mong chờ sự xuất hiện của bạn. Tiếp theo là bạn có được những ưu đãi, đặc cách ở mức cao nhất trong đó bao gồm việc bạn luôn là người được trả catse cao. Có như vậy mọi người mới mong muốn đạt được tới vị trí thần tượng.
- Hà: Để có một diễn viên trở thành thần tượng, không phải chỉ một đạo diễn, làm một phim là có thể tạo ra được ngay lập tức mà cần có khâu chuẩn bị tốt và ngay cả tổng thể những người đang làm phim ở Việt Nam cùng góp sức mới có thể làm được nên một trào lưu về phim thần tượng.
Chúng ta nên lấy thần tượng của các nước như ở Trung Quốc, Hàn Quốc… ra so sánh để thấy cách gọi chính xác nhất dành cho Việt Nam là diễn viên được yêu thích nhất chứ chưa phải danh xưng “thần tượng”.
Như hiện nay thì cứ thấy cứ đẹp, có đóng phim hay ca hát gì đó mà lên báo liên tục thì là… thần tượng. - Hải: Đây là chúng ta nói đến thần tượng trong phim ảnh còn thần tượng trong đời sống thì lại khác. Tôi có thể thần tượng một cô không xinh đẹp nhưng tính cách quyết liệt, thì đấy là thần tượng trong cuộc sống.
Tăng Thanh Hà trong những cảnh quay rất đẹp của bộ phim |
- Vậy Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải có “thần tượng” một ai đó không?
- Hà: Mình có thể thần tượng một ai đó nhưng chỉ là thần tượng về một mặt nào đó của con người ấy. Nhân vô thập toàn, không ai hoàn hảo hết cả. Mình nên nhìn vào điểm tốt của mỗi con người.
Như Hà rất thần tượng mẹ mình, trong gia đình Hà, mẹ Hà là người được Hà và các anh Hà rất kính trọng. Hà muốn sau này khi Hà có gia đình thì chồng Hà và các con Hà cũng sẽ yêu thương kính trọng mẹ Hà như Hà và các anh Hà đang làm.
- Hải: Thần tượng của Hải cũng chính là bố mẹ Hải. Ngày xưa thời khó khăn như thế mà không hiểu tại sao mà bố mẹ mình gánh vác được một gia đình như vậy và nhân cách của mình ảnh hưởng của ba mẹ rất nhiều.
Theo Bùi Dũng (Tuần Việt Nam)