Tin tức - pháp luật 2011-08-14 03:22:42

tàu sân bay Nhật - Mỹ tử chiến


TT - Ngân sách dành cho hải quân Nhật năm 1921 đã chiếm đến 32% ngân sách quốc gia Nhật.



Hai chiến hạm của Mỹ USS West Virginia, USS Tennessee trúng bom và bốc cháy tại Trân Châu cảng - Ảnh tư liệu


Khi khởi sự cuộc chiến Thái Bình Dương, hải quân Nhật đã có trong tay đến mười tàu sân bay để phục vụ cho thế trận Kantai kessen mà đô đốc Satō Tetsutarō đã vạch ra là cứ để cho hạm đội Mỹ thong dong trên Thái Bình Dương, sau đó lấy tàu ngầm đánh tỉa (kinh nghiệm hải quân Đức), rồi đánh một trận sinh tử.

Cùng lúc với đóng hàng loạt tàu sân bay, hải quân Nhật cho sản xuất hàng loạt máy bay tiêm kích A6M Zero chuyên sử dụng trên các tàu sân bay, máy bay phóng pháo (oanh tạc) Misubishi G3M. Phi công hải quân Nhật đã được rèn luyện trong các cuộc chiến tranh Trung - Nhật trong thập niên 1930 và ngay cả vào tháng 12-1940 khi tấn công vào quân Pháp ở Hải Phòng.

Trân Châu cảng

Trận đánh sinh tử đó chính là trận đột kích Trân Châu cảng của Mỹ sáng 7-12-1941 nhằm triệt hạ hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, không cho Mỹ can thiệp vào công việc của Nhật tại Đông Nam Á. Nước cờ “tiên hạ thủ vi cường” này của hải quân Nhật là phản ứng của Nhật trước việc Mỹ di chuyển hạm đội Thái Bình Dương từ cảng San Diego (bờ tây California) sang đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương, tức đến gần Nhật Bản và Đông Nam Á hơn.

Thật ra lúc đó hai nước chưa giao chiến, vẫn còn quan hệ ngoại giao, tuy tình thế đã chuyển sang giai đoạn “bằng mặt mà không bằng lòng”. Tình hình càng sôi sục hơn sau khi Mỹ ngừng xuất khẩu dầu hỏa cho Nhật vào tháng 7-1941. Bị cắt dầu hỏa từ Mỹ, Nhật càng thêm quay quắt, nhất định chiếm cho được thuộc địa Đông Ấn của Hà Lan (Indonesia) theo kế hoạch bảo vệ “khu vực tài nguyên phía nam”. Đô đốc Isoroku Yamamoto được giao nhiệm vụ chỉ huy hạm đội.

Thật ra kế hoạch đột kích Trân Châu cảng này mượn ý từ trận đột kích hạm đội Ý trên cảng Taranto của hải quân Anh đêm 11-11-1940, mà mũi nhọn chính là tàu sân bay HMS Illustrious cùng các máy bay phóng pháo Swordfish từ khoảng cách 200 hải lý.

Trong đợt tấn công đầu tiên các máy bay này thả ngư lôi, qua đợt tấn công thứ nhì mới thả bom. Hải quân Ý thiệt hại phân nửa trong trận mưa thủy lôi và bom này. Hải quân Nhật giao cho đại úy Minoru Genda điều nghiên để chuẩn bị cho một trận đột kích không thể tránh khỏi vào hạm đội Mỹ.

Nếu ở trận Taranto hải quân Anh chỉ có vỏn vẹn một tàu sân bay làm vốn lận lưng, thì ở trận Trân Châu cảng hải quân Nhật huy động đến sáu chiếc để đánh một trận “xả láng”, nhất định tiêu diệt hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Các phi công hải quân Nhật đã được lệnh ráo riết luyện tập từ đầu năm 1941, cho dù mãi đến ngày 5-11 Nhật hoàng Hirohito mới thuận tình sau bốn cuộc họp cơ mật.

Lệnh hành quân đến 1-12 mới được Nhật hoàng ban bố, song từ ngày 26-11 một lực lượng gồm sáu tàu sân bay Akagi, Kaga, Sōryū, Hiryū, Shōkaku và Zuikaku rời các cảng ở miền bắc nước Nhật trực chỉ hướng tây bắc Hawaii.

Trong khi đó, phía Mỹ cũng chuẩn bị phòng thủ, báo động, song lại nghĩ rằng Nhật sẽ tấn công vào Philippines, thuộc địa lúc đó của Mỹ, với các căn cứ hải quân và không quân có sẵn sẽ biến thành “chướng ngại vật” cản trở lưu thông trên Thái Bình Dương.

Trở lại với lực lượng đặc nhiệm hải quân Nhật vượt khoảng cách gần 4.000 dặm với sáu tàu sân bay chở theo 408 máy bay sẵn sàng ra tay (360 máy bay ném bom, 48 máy bay hộ tống) rõ ràng đây là một nỗ lực lớn lao mà chỉ có hải quân Mỹ mới đủ lực để sánh ngang (chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ huy động sáu tàu sân bay trong vịnh Ba Tư và biển Đỏ).

So với bốn chiếc của vụ xuất kích đầu tiên năm 1914 từ tàu vận tải Wakamiya, thì con số 408 chiếc cho trận Trân Châu cảng cho thấy hải quân Nhật đã phát triển tàu sân bay vũ bão như thế nào chỉ trong vòng 27 năm!

Từ Trân Châu cảng đến trận biển san hô và trận Midway

Không may cho Nhật là tình báo đã không phát giác cả ba tàu sân bay của hạm đội Thái Bình Dương lúc đó là các chiếc Enterprise, Lexington và Saratoga, mục tiêu hàng đầu nhắm đến, không có mặt ở Trân Châu cảng vào lúc Nhật tấn công. Cho dù máy bay Nhật đã đánh chìm cả chục tàu chiến Mỹ, hủy trên phi đạo trên trăm máy bay Mỹ, song để sổng mất các tàu sân bay Mỹ, chính là mối hậu họa mà hải quân Nhật sẽ phải gánh chịu sáu tháng sau đó trong trận Midway: chỉ trong đầu giờ chiều, bốn tàu sân bay Nhật Bản bị đánh chìm, đổi lấy chỉ được một tàu sân bay Mỹ!

Một sai lầm lớn của hải quân Nhật trong trận Trân Châu cảng là các máy bay Nhật chỉ nhắm vào tàu chiến và máy bay Mỹ mà hủy diệt, song lại “chê” các mục tiêu khác là kho xăng dầu, căn cứ tàu ngầm, xưởng đóng tàu…

Song, trước khi đến “trận cuối là trận này” ngoài khơi đảo Midway, hai bên đụng độ một trận thật sự “cách không đả tử” bằng tàu sân bay trong hai ngày 7 và 8-5-1942. Trong trận đó, Nhật tung ra ba tàu sân bay để hỗ trợ cuộc đổ bộ chiếm cảng Moresby ở New Guinea và đảo Tulagi. Mỹ tung hai tàu sân bay Yorktown và Lexington vào cuộc. Ngày 7-5, máy bay Mỹ đánh chìm chiếc Shoho, chiếc tàu sân bay thật sự đầu tiên của Nhật đã từng “gây nợ máu” ở Thượng Hải năm 1932. Qua hôm sau, 8-5, máy bay Mỹ đánh bị thương nặng chiếc Shōkaku, chiếc Lexington của Mỹ cũng thế, còn chiếc Yorktown bị thương nhẹ. Do không còn tàu sân bay nữa, hai bên đành “chia tay”.

Trận này mang ý nghĩa then chốt đối với hải quân Mỹ: có thể chặn đứng được hải quân Nhật, nhất là đã loại hai chiếc tàu sân bay cộm cán của Nhật ra khỏi vòng chiến, “nhẹ gánh” hơn trong trận đánh Midway một tháng sau đó. Một trận “cách không đả tử” nữa với quy mô lớn hơn khi mỗi bên hầu như tung hết lực lượng tàu sân bay hiện có vào trận, rình rập, tìm kiếm nhau suốt ba ngày trước khi bên này (Mỹ) phát giác tàu sân bay bên kia và ra đòn chí tử.

Mất thêm bốn chiếc tàu sân bay nữa trong trận Midway, hải quân Nhật mất ưu thế không lực. Cuộc chiến Thái Bình Dương sang ngã rẽ khác từ đấy.

Trang web của người Nhật về lực lượng tàu sân bay của hải quân Nhật (WWII Imperial Japanese Naval Aviation Page) ngày nay vẫn còn đầy tự hào: ”Hải quân Thiên hoàng đã sáng tạo không lực hải quân đầu tiên trên thế giới. Máy bay Nhật ít nhất cũng sánh ngang với bất cứ máy bay nào của phương Tây, thậm chí còn tốt hơn hẳn như trường hợp máy bay Zero. Phi công Nhật được đào tạo tuyệt vời, được thử lửa trong xung đột ở Trung Quốc vào cuối những năm 1930.

Khi chiến tranh nổ ra ở Thái Bình Dương năm 1941, không lực hải quân Nhật không có đối thủ. Thành ra không bất ngờ gì khi các phi công Nhật chiến thắng vang dội trong sáu tháng đầu của cuộc chiến. Chỉ sau khi bại trận biển san hô và thảm họa Midway, lực lượng này mới có thể thật sự bị thách đố một cách bằng vai phải lứa”.

Lực lượng tàu sân bay Nhật vừa là nỗi hận xưa, vừa là nỗi thèm khát phấn đấu của ai đó ngày nay.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)