Nghề làm tàu thủy và các đồ chơi bằng sắt vốn là nghề truyền thống ở làng Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội. Nhưng hiện giờ chỉ còn gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng theo đuổi nghề này.
Lần qua nhiều ngõ ngách, chúng tôi tìm đến nhà anh Hùng tại số nhà 30 ngõ 29/68 phố Khương Hạ. Đón chúng tôi trong căn nhà 5 tầng khang trang, anh Hùng chia sẻ toàn bộ cơ ngơi là nhờ làm tàu thủy. Một người hàng xóm đi ngang qua thấy đông khách dừng lại trêu: “Ông giám đốc xưởng đóng tàu lại có khách đến đặt hàng rồi.”
Trước những năm đầu thập niên 1990, tàu thủy sắt là món đồ chơi "công nghệ" gắn liền với ký ức nhiều thế hệ. Trông đơn giản, nhưng tàu thủy sắt có thể di chuyển trên mặt nước và và phát ra tiếng kêu như động cơ tàu thủy thật.
Từ những phế liệu như vỏ hộp sữa ông Thọ, đồng vụn… chiếc thuyền được người thợ làm hoàn toàn thủ công bằng tay như cắt, đục, giũa, hàn. Mỗi một chi tiết, đều đòi hỏi sự kiên nhẫn, độ chính xác cao. Nếu ráp không đúng, tàu không nổi trên mặt nước, thậm chí nghiêng, lệch.
Anh Hùng cho biết: “Bí quyết là ở cái nồi hơi và lá đồng bên trong nồi hơi, nếu làm không đúng kỹ thuật, tàu sẽ không chạy và không tạo được tiếng kêu pạch pạch như tàu thủy thật”.
Chính vì làm thủ công ti mỉ, nên nghề này khó bắt chước sản xuất đại trà được. “Ngay cả bên Trung Quốc họ cũng phải sang đây đặt hàng của tôi đem về nước bán”, anh Hùng chia sẻ.
Những năm trước đây, những con tàu đồ chơi của anh Hùng phải chật vật tiêu thụ mỗi dịp Trung thu do trẻ em bây giờ không còn thích thú với món đồ chơi truyền thống này nữa. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây, anh Hùng đã tìm được một hướng đi mới – "xuất ngoại" cho những con tàu, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình trở nên khá giả hơn.
Anh Hùng cho biết: “Năm nay, những con tàu thủy đồ chơi này sẽ không còn xuất hiện trên phố Hàng Mã nữa do không còn ai bán.” Bây giờ, anh chỉ chuyên làm tàu thủy cung cấp cho các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho người nước ngoài ở phố cổ.
Thỉnh thoảng, anh còn nhận được những đơn đặt hàng đặc biệt làm những chiếc tàu lớn trị giá từ chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Trung bình, một chiếc tàu phải làm mất 2 ngày, riêng những chiếc tàu lớn phải làm mất cả tháng.
[justify]Món đồ chơi quen thuộc này được làm dựa trên kiến thức vật lý cơ bản: đốt nóng nồi hơi bên trong tàu, nhiệt truyền vào ống dẫn nước khiến nước nóng lên tạo ra lực đẩy tàu di chuyển[/justify]
Những chiếc tàu thủy được làm bằng nguyên liệu vỏ lon
Những chiếc nồi hơi được chế tạo bằng tay
Những con tàu thủy đồ chơi đã tìm được đường ra biển lớn
[justify]Nhờ đơn đặt hàng thường xuyên, ước tính một năm anh sản xuất khoảng 3.000-3.500 chiếc tàu thủy to nhỏ các loại. Mỗi chiếc nhỏ giao buôn là 120.000 đồng, chiếc lớn 250.000 đồng nên thu nhập cũng đủ nuôi gia đình[/justify]
Chiếc tàu thủy này có giá trị bằng cả chiếc xe máy
Chiến hạm này có thể chở cả xe tăng, đại bác và những giàn pháo lớn
[justify]Cụ Nguyễn Thị Xảo, mẹ anh Hùng cho biết, cả làng Khương Hạ trước kia đều làm đồ chơi bằng thiếc. Cứ từ tháng 6 trở đi, cả làng lại rộn rã tiếng đục, tiếng hàn, tiếng cắt sắt… như ngày hội. Mỗi nhà một món đồ chơi đặc trưng, nhà làm tàu thủy, nhà làm thỏ đánh trống, nhà làm súng lục đồ chơi kêu tạch tạch, kèn, ô tô… Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề làm đồ chơi bằng thiếc ở làng Khương Hạ đã chết dần chết mòn do không cạnh tranh được với những đồ chơi hiện đại[/justify]
[justify]Anh Hùng kể, từ thời ông nội anh đã thấy làm tàu thủy, rồi truyền lại cho cha anh, giờ đến vợ chồng anh. Nhà anh có 8 anh chị em, trước kia đều làm tàu thủy, nay chỉ còn duy nhất anh trụ lại với nghề. Nhà chỉ có hai cô con gái đang đi học, nên nguy cơ nghề này sẽ mai một dần[/justify]
Giờ đây cả làng Khương Hạ chỉ còn mình anh Hùng làm tàu thủy
Mỗi con tàu đều được sơn từng chi tiết tỉ mỉ bằng tay, trung bình phải mất 2 ngày mới hoàn thiện được một chiếc
Nhờ tàu thủy, anh Hùng đã có được một cơ ngơi khá khang trang
Đơn đặt hàng quanh năm, nên anh Hùng có thể yên tâm sản xuất tàu thủy chứ không phụ thuộc vào mỗi dịp Trung thu
Những chiếc tàu thủy mang màu cờ đỏ sao vàng đang chuẩn bị "xuất ngoại"
Trung thu năm nay, những chiếc tàu thủy đồ chơi này sẽ vắng bóng trên phố Hàng Mã?