Cùng vợ đến Sài Gòn được 3 tuần, Robert Winfield, người Anh, hăm hở đăng ký thi bằng lái xe gắn máy. Anh nói với VnExpress.net: "Tôi đã lên kế hoạch đi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Khi đến Việt Nam tôi quyết định phải thi bằng lái xe gắn máy vì đây là phương tiện đi lại tiết kiệm thời gian và tiền bạc nhất".
Winfield cho biết, với vợ chồng anh, đặt chân đến Việt Nam là một chuyến thám hiểm thú vị với rất nhiều trải nghiệm mới lạ. Vợ Winfield là giáo viên làm việc tại quận 2, TP HCM, còn anh là kỹ sư. Cả hai đều cho rằng, đi lại bằng taxi quá tốn kém và bất tiện nên vẫn chuộng xe gắn máy nhất và thu xếp thời gian để thi lấy bằng lái.
"Bài thi thực hành chạy theo hình số 8 hơi khó một chút nhưng nếu tập luyện nhiều lần tôi sẽ vượt qua", Winfield nói.
Một thí sinh người nước ngoài đang thực hiện phần thi thực hành chạy vòng số 8 tại Trung tâm sát hạch lấy giấy phép lái xe cơ giới đường bộ Tân Phú. Ảnh: Vũ Lê.
Là nhân viên một hãng hàng không cũng tham dự kỳ thi sát hạch bằng lái xe gắn máy, ông Renneth Williams, cũng người Anh, cho biết ông thích cảm giác đi lại trên đường phố Sài Gòn bằng xe máy vì có thể chủ động hướng di chuyển, tiết kiệm thời gian, hơn là ngồi trong taxi hay ôtô chờ kẹt xe giờ cao điểm.
Mark Kim, đến từ Mỹ, đã sống và làm việc tại TP HCM được 3 năm. "Nhận thấy đi lại bằng xe máy tiện lợi hơn, tôi đã thi lấy bằng lái xe từ trước. Bây giờ tôi đến đây để cổ vũ cho vợ tôi. Hy vọng cô ấy sẽ vượt qua bài kiểm tra thực hành này", Kim cho biết.
Nói rồi anh Kim chỉ tay về phía chị vợ đang chăm chỉ luyện tập ngoài sân. Anh cho rằng, đi xe buýt phải chờ lâu, dùng taxi không chủ động được giờ giấc còn lái ôtô lại không biết đường nào có lô cốt mới mọc lên. Vì thế, anh và vợ quyết định chọn xe gắn máy làm phương tiện chính để đi làm và di chuyển trong thành phố.
Anh Kim chia sẻ thêm, đi lại bằng xe gắn máy tuy tiện lợi nhưng cũng có phần nguy hiểm, vì "người Việt Nam đi đường theo sở thích của họ chứ không theo quy định". Kim rút ra bài học là lái xe gắn máy phải tập trung cao độ và hết sức cẩn thận. "Dù sao tôi vẫn thấy xe máy dễ đi trên đường phố Sài Gòn và thú vị hơn, vì ôtô và taxi mà đụng phải lô cốt thì di chuyển rất khó khăn", anh nói.
Thí sinh nữ đến từ Mỹ đang thực hiện bài thi thi sát hạch chạy vòng số 8. Ảnh: Vũ Lê.
Kim tiết lộ thêm, vợ chồng anh đã học tiếng Việt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM được một năm rưỡi. Trình độ tiếng Việt của anh hiện nay có thể giao tiếp với bạn bè và một số người hàng xóm. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng đều nộp bằng lái của Mỹ để được miễn phần thi lý thuyết bằng tiếng Việt.
Theo một giám thị thi tại Trung tâm sát hạch quận Tân Phú, thông thường người nước ngoài thi lấy bằng lái xe gắn máy thường ghép bằng nước ngoài với bằng lái của Việt Nam. Vì thế, họ chỉ thi phần thực hành, lý thuyết được chuyển từ bằng lái của nước ngoài sang. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người nước ngoài biết tiếng Việt và dự thi cả phần lý thuyết.
"Điều đáng ngạc nhiên là họ vẫn thi đậu phần lý thuyết bằng tiếng Việt trong khi có nhiều người Việt Nam thi trượt lý thuyết", giám thị này cho hay.
Số người nước ngoài đăng ký dự thi sát hạch bằng lái xe gắn máy ngày càng tăng. Trước khi kỳ thi diễn ra, hầu hết những tay lái mô tô hai bánh này đều đến trung tâm để tự tập các bài thực hành như vòng số tám, đường thẳng, đường uốn lượn.
"Có lẽ vì không bị áp lực phải thi lý thuyết nên đa phần mọi người đều vượt qua phần thi sát hạch thực hành một cách dễ dàng", vị giám khảo nhận xét.