[/size]
Động thái này diễn ra trong lúc thế giới vẫn đang nín thở trước nguy cơ Bình Nhưỡng bắn thử một loạt tên lửa trước lễ kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành ngày 15/4. Dịp này cũng trùng với chuyến công du đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới châu Á, kéo dài ba ngày kể từ hôm nay.
Đổ thêm dầu vào lửa vốn đã nóng bỏng, một cơ quan của Triều Tiên hôm nay được trích đăng tuyên bố "chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào", CNN cho biết.
Triều Tiên đã đưa nhiều tên lửa đến bờ đông, đặt lên các bệ phóng và theo tình báo Hàn Quốc thì có thể phóng tên lửa bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, các tên lửa của Triều Tiên, theo quan sát của Mỹ và Hàn Quốc, đã di chuyển liên tục ra vào các điểm chứa. Hành động này được cho là nhằm đánh lạc hướng tình báo đối phương, trong lúc quân đội của cả hai nước này cũng như Nhật Bản đều đã tăng mức độ cảnh báo trước mối đe dọa.
Hình ảnh Kim Jong-un trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo hồi tháng 12/2012 do truyền thông quốc gia Triều Tiên công bố. Ảnh: AFP. |
"Lịch sử chưa từng chứng kiến một nhà lãnh đạo theo đường lối xã hội nào như ông", cơ quan phát ngôn của đảng Lao động Triều Tiên viết.
Khủng hoảng Triều Tiên là chủ đề nóng bỏng tại hội nghị thượng đỉnh G8 tại London, nơi quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. G8 lên án Triều Tiên với những lời lẽ mạnh mẽ nhất. Họ nhắc lại quan điểm rằng các sứ quán chưa cần phải sơ tán bất chấp lời cảnh báo của Triều Tiên rằng các nhà ngoại giao nên rời đi trước ngày 10/4.
Tuy nhiên vẫn có những lo ngại rằng bầu không khí căng thẳng ngút trời hiện nay có thể châm ngòi cho một sơ suất nào đó và nó nhanh chóng bị leo thang thành xung đột. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov yêu cầu các bên không làm nóng thêm tình hình, và nhấn mạnh rằng quan điểm của Moscow và Washington về vấn đề Triều Tiên không khác biệt, theo AFP.
Triều Tiên được cho là đang sẵn sàng phóng thử nhiều tên lửa cùng lúc ở bờ đông nước này. Mỹ, Nhật, Hàn đều đã điều động các tàu có hệ thống đánh chặn, cũng như các giàn phòng không và tiêu diệt tên lửa trên bộ, đối phó nguy cơ tên lửa của Triều Tiên. Bình Nhưỡng từng đe dọa tấn công Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái bình dương, bao gồm đảo Guam. Tên lửa Musudan, loại mà Triều Tiên có thể phóng lần này, chưa từng được thử nghiệm và được cho là có tầm với 4.000 km, có thể chạm Guam.