Thà đơn thân nuôi con mà hạnh phúc còn hơn vội vàng tìm một người chồng tệ hại.
Tìm một người đàn ông tốt bây giờ sao quá khó. Mà tôi nghĩ, phụ nữ cũng đâu đòi hỏi gì nhiều: chỉ cần người đó có việc làm ổn định, đừng bê tha ăn nhậu quá đà, đừng có vợ rồi còn tòm tem gái gú, chỉ vậy thôi.
T
ôi không cần người ấy phải đẹp trai, phải ga-lăng chiều chuộng. Đã qua thời mơ mộng với bóng hình ai đó ôm guitar bập bùng hát bên cửa sổ hay trong những đêm lửa trại mịt mùng… Với tôi bây giờ, 27 tuổi, làm việc ổn định trong một công ty tầm trung, đang thuê nhà ở chung với nhóm bạn tại thành phố, tôi mong muốn gặp người đàng hoàng để tiến tới hôn nhân, không còn mong mỏi gì một cuộc tình lâm ly sâu nặng nữa.
Bạn cùng phòng của tôi, Hạnh, từng mê đắm trong một cuộc tình như thế. Những đêm bạn về khuya, thân xác rã rời nhưng mắt long lanh hạnh phúc. Những cuối tuần biệt tăm biệt tích tận Đà Lạt hay Nha Trang, những thương nhớ cồn cào yêu thương vô điều kiện, Hạnh chia sẻ như thể hạnh phúc đầy tràn mà cô là chiếc ly cứ được rót thêm vào, rót thêm vào mãi. Cho đến một ngày, trong chiếc ly ấy xuất hiện một mầm sống. Trễ chu kỳ kinh, cô thử que, đi khám thì cái thai đã đến tuần thứ tư. Cha đứa trẻ lập tức “ngoài vùng phủ sóng”. Bạn tôi xin nghỉ phép ở nhà, khóc lóc, khổ đau, dằn vặt, kèm theo là nôn ói vì ốm nghén, gầy rộc, xơ xác như một con ma đói. Hạnh quyết định không bỏ đứa trẻ. Tôi thở phào, một sinh mạng sẽ sống qua cơn phản bội của con người, dù sinh mạng đó có gốc rễ từ một kẻ đê tiện, nó vẫn có quyền được sống.
Nhóm bạn xúm vào lo cho Hạnh. Đứa bé ra đời, được đặt tên là Ảnh. Khi bé được hơn một tuổi thì lần lượt các dì đi lấy chồng hoặc chuyển chỗ, còn lại mẹ con Hạnh trong căn phòng trọ cũ. Lần cuối tôi về, thấy căn phòng đã có thêm một người. Hạnh nói về “hạnh phúc thật sự”, về “chia sẻ, trách nhiệm, yêu thương…”. Tôi mừng cho bạn.
Mấy tháng sau tôi ghé thăm bé Ảnh, Hạnh đã có bầu đứa tiếp theo, lại phờ phạc ốm nghén, lại nôn ói suốt ngày, chỉ khác hơn là Hạnh phải đưa đón con, chăm con, chăm cả “chồng” - gã đàn ông nồng nặc mùi bia rượu, đang chiếm cứ cái giường duy nhất trong căn phòng trọ nhỏ xíu, ngáy như sấm vào lúc bốn giờ chiều. Hạnh bảo hai người vừa đăng ký kết hôn xong thì anh ta mất việc, ở nhà ít bữa chờ tìm việc khác sau, tạm thời Hạnh lo tiền nhà, tiền ăn tiêu… Nhìn đôi mắt bé Ảnh nơm nớp lo âu, sợ mẹ mắng, sợ “ba” đánh đòn, tôi nhớ căn phòng này cách đây mấy tháng, trong trẻo thơm mát mùi phấn trẻ con, những tấm rèm cửa sổ mỏng nhẹ bay, thoáng nắng, thoáng gió, thoáng tiếng cười của mẹ con Hạnh. “Chồng” ư? Một tờ đăng ký kết hôn có đáng để phải rước về đây một gánh nặng lè nhè hôi hám, để phải khổ sở hầu hạ cơm nước giặt ủi, để phải quát con mình “dẹp đồ chơi vô không thì “ba” dậy bây giờ đó, biết không?”.
Hạnh bảo, đàn bà đã một lần lỡ dở, phải chấp nhận đừng nhìn cao quá, được vậy là tốt rồi. Tôi không hiểu rõ lắm “được vậy” là được những gì, nhưng tôi thấy rõ những gì bạn mình đã mất.
Những gì là quý giá của thời con gái, biết giữ thì sẽ không mất. Nếu đã lỡ mất, cũng đừng đổi lại bằng sự dễ dãi, để rồi đánh mất luôn cả bản thân mình. Thà đơn thân nuôi con mà hạnh phúc còn đến với con mình, đến với mình trong sự thanh thản đó. Vội vàng tìm bằng được một người chồng, để rồi phải chấp nhận hàng “thứ phẩm” thì tệ hại hơn nhiều. Tôi không nghĩ chọn lựa đơn thân đồng nghĩa với sự lỡ dở. Tôi không nghĩ những người mẹ can đảm giữ đứa con trong bụng mình lại không đáng kính trọng hơn những kẻ đã tàn nhẫn bỏ con để tìm một cơ hội lấy chồng khác. Tôi chỉ thương hại những bà mẹ đơn thân, vì muốn trốn tránh miệng tiếng thị phi của người đời, hay vì ảo tưởng về một sự che chở nào đó, mà chấp nhận hôn nhân như một sự trốn chạy, che đậy lấp liếm. Vậy đó, thà đơn thân…