Sigmud Freud đã viết: "Nghệ sĩ và người thường giống nhau ở chỗ cả hai cũng có ảo mộng. Nhưng nghệ sĩ khác người thường ở chỗ họ có năng lực thăng hoa để biến ảo mộng trở thành tác phẩm nghệ thuật".
Tôi rất tâm đắc với nhận định này, song nếu để chỉnh sửa nó cho hợp với thời cuộc, tôi sẽ thêm một chút nữa vào vế đầu. Đó là nghệ sĩ giống người thường ở chỗ cả hai cùng có ảo mộng và tham vọng nổi tiếng. Xét cho cùng, tham vọng nổi tiếng, tức là được công nhận, ngưỡng vọng từ cộng đồng, là một khát vọng lành mạnh, một nhu cầu thể hiện sự tự do của con người.
Thế nên, cái gọi là "thảm họa văn hóa" của những Phương My, Phi Thanh Vân hay một ABC nào đó, tôi cảm thấy bình thản và cho là lẽ thường. Dưới mắt tôi, họ chẳng khác gì một cá thể bất kỳ trong tổng số gần trăm triệu dân xứ mình với một nhu cầu có thật, một tham vọng có thật và một ảo mộng có thật.
Phương My đang "đình đám" với thảm họa Nói dối. |
Tựu trung, Phi Thanh Vân hay một cô nào đó cũng không khác gì Thanh Lam, Hồng Nhung hay Mỹ Linh ở xuất phát điểm cơ sở về tâm lý. Đó là cô ấy cũng như những diva kia đều có chung những ảo mộng, cụ thể hơn là sự đam mê và niềm tin mình có khả năng làm nghệ thuật, và những tham vọng. Song trong chiều biến thiên của thời gian, những ảo mộng kia không thể giúp Phi Thanh Vân tạo ra tuyệt phẩm như những cái tên kia và nỗ lực của cô cuối cùng chỉ tạp ra thứ chúng ta gọi là "thảm họa". Theo tôi nên gọi đúng tên là "rác văn hóa".
Một nhà văn trước khi hoàn thành tác phẩm, ông ta đã phải ném bao nhiêu trang bản thảo vào thùng rác. Và những trang bản thảo không bao giờ được công bố chính là "rác văn hóa", có điều nó khác ở chỗ cộng đồng không được phép biết đến bởi chính sự kiểm duyệt nghiêm túc của chủ thể viết ra. Từ ví dụ trên, người ta có thể bao dung cho những Phi Thanh Vân hay Phương My một nửa. Đó là họ đã có chút nỗ lực nhất định. Nhưng một nửa không thể bao dung chính là họ đã đánh mất khả năng tự kiểm duyệt.
Phi Thanh Vân luôn đứng đầu danh sách "thảm họa" nhạc Việt với Da Nâu 1, 2và Tâm hồn vĩnh cửu. |
Người ta không cần phát hành chính thức để đưa sản phẩm ra mắt công chúng, trong khi Nhà nước chỉ có thể kiếm duyệt những gì phát hành chính thức. Còn đối với sự phát hành tự thân, tự phát và phi chính thức, phi công thức, Nhà nước đành bó tay. Vậy, ngoài vai trò kiểm duyệt tự thân của chủ thể tạo ra sản phẩm, người ta còn cần vai trò kiểm duyệt nào khác để ngăn chặn sự phổ biến của rác văn hóa?
Chính những bài báo phản đối rác văn hóa lại là những bài báo khiến người ta phát tán rác văn hóa nhiều hơn khi đính kèm bài văn luôn là những clip rác theo đúng tính chất bằng chứng xác thực của báo chí.
Thị trường thế giới có hàng cao cấp, bình dân, thứ cấp, hàng giả, hàng lậu thì tất nhiên thị trường văn hóa Việt Nam cũng sẽ phản ánh đúng bản chất của thị trường nói chung. Sẽ có những sản phẩm cao cấp mà ta gọi chung là tác phẩm, tồn tại cùng những thứ hàng giải, hàng nhái.
Phương My với mái tóc màu sắc trong MV mới. |
Giữa những người xem các clip thảm họa văn hóa và nhấn "thích" với những người nhấn "không thích" có một điểm chung, đó là họ đều đã xem những thức rác văn hóa. Điều đó cho thấy ngay trong bản thân mỗi chúng ta đã tồn tạo một thứ gọi là "thảm họa". Ấy là thảm họa của thói tò mò, sự hưng phấn phát tán, truyền bá mà thiếu sự sàng lọc hay nói đúng hơn là bản thân chúng ta không biết tự miễn nhiễm với rác mà thay vào đó, đã vô tình hồ hởi tắt chế độ kiểm duyệt cá nhân để tuyền truyền cho những người khác, những bản copy cũng tiềm ẩn thảm họa trong chính bản thân mình.