[justify]Tên bài thuốc được lấy từ tên già làng Ama Kông (tên thật là Y Prông Ê Ban - PV), dũng sĩ săn bắt voi rừng nức danh.
Cũng nhờ sức khoẻ tráng kiện của người nghĩ ra bài thuốc (già làng Ama Kông thọ 102 tuổi, 4 đời vợ - PV) mà Ama Kông vang tiếng xa gần về hiệu quả phòng the. Hiện nay, Ama Kông được bày bán khắp trong Nam, ngoài Bắc với giá rất “mềm”. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, thành phần của bài thuốc này chủ yếu là những thảo dược quý hiếm, chỉ còn mọc trong những cánh rừng sâu, và để có được một thang Ama kông, không thể dễ và rẻ đến thế…
Già làng Ama kông nổi tiếng nhờ gắn liền với 3 huyền thoại (vợ, săn voi và thuốc Ama kông). Ảnh: Internet
Đặc sản của núi rừng Tây Nguyên
Già làng Ama Kông vốn được mệnh danh là người có sức mạnh kỳ diệu và dẻo dai nhất của vùng núi rừng linh thiêng Tây Nguyên. Ai cũng ngưỡng mộ trước sức mạnh của ông, một người bình thường mà có thể săn được những chú voi khổng lồ, to khỏe. Trong những chuyến đi săn voi, băng rừng, lội suối, Ama Kông đã khám phá ra được công dụng của nhiều loại thảo dược quý và kết hợp chúng thành những bài thuốc hữu hiệu. Bài thuốc “bổ thận, tráng dương” mang tên chính “Vua voi” bắt nguồn từ bố vợ ông. Tuy nhiên, trong nhiều năm gắn bó với núi rừng hùng vĩ, ông đã thêm vào đó một số loại thảo dược nữa để nó có tác dụng hoàn hảo.
Theo như công thức bào chế của già làng Ama Kông thì thành phần của bài thuốc quý này gồm ba loài thảo dược chính là Tom NgLeng - lá của một loài Micromelum đã xác định, thuộc họ Cam (Rutaceae); Nam Dong - thân rễ của một loài Smilax đã được xác định, thuộc họ Kim can (Smilaceae), Tom Trong Nenso - thân của một loài Urceola đã được xác định, thuộc họ Trúc Đào (Apocynaceae). Trong đó, Tom Trong Nenso đã được đồng bào Tây Nguyên sử dụng làm thuốc từ lâu với tên thường gọi là cây Tơm trơng.
Cây Tơm trơng (tên đầy đủ: Tơm trơng Atao Nenso - PV) là loại cây bụi leo, thân gỗ, có nhựa trắng, lá mọc đối hình xoan hay xoắn bầu dục thon, có nhiều lông mềm. Cây Tơm trơng được chú ý đặc biệt sau khi có ghi nhận tích cực về việc đồng bào Tây Nguyên đã sử dụng nhằm nâng cao thể trạng, tăng khả năng làm việc của thận. Sau đó, nghiên cứu sâu của trường Đại học Huế cũng đưa ra những kết quả bất ngờ về tính chất dược lý của loại thảo mộc này. Nghiên cứu được bắt đầu tiến hành năm 2002 khi UBND tỉnh Đắk-Lắk mời các nhà khoa học nghiên cứu về cây Tơm trơng - vị thuốc chủ đạo trong nhiều bài thuốc của đồng bào Tây Nguyên. Gần 30 nhà khoa học, cán bộ của Đại học Huế đã thực hiện dự án này với đề tài “Sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học một số cây thuốc của dân tộc bản địa tỉnh Đắk-Lắk”.
Cây Tơm trơng - loại thảo dược chính trong bài thuốc Ama Kông đã được các nghiên cứu chỉ ra là rất tốt cho thận.
Định lượng alcaloid, phytosterol cho thấy, thành phần phytosterol trong cây Tơm trơng có một số tác dụng quan trọng như làm giảm acid uric và cholesteron máu, chống oxy hoá, chống loét, chống nấm, chống xơ vữa động mạch, làm bất hoạt những chất độc tế bào, điều hoà miễn dịch, kháng ung thư, cải thiện lưu thông tuần hoàn và mạch vành tim, gan… Phân tích hàm lượng các nguyên tố đa lượng và vi lượng, các nhà nghiên cứu xác định 15 thành phần vô cơ và nguyên tố vi lượng hữu ích như canxi, nhôm, kali, sắt… Trong đó, magie cực kỳ cần thiết cho quá trình đường phân; kẽm, giúp tăng sinh lực… Sau đó, một công trình nghiên cứu độc lập khác về Tơm trơng Atao Nenso tiến hành tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho ra kết quả tương tự. Như vậy, qua kết quả nghiên cứu và qua thực tiễn lâm sàng, người ta thấy rằng Tơm trơng quả thật có tác dụng bổ thận đáng ngạc nhiên do có chứa phytosterol. Chất này sẽ giúp khả năng đào thải acid uric của thận được phục hồi, duy trì sự ổn định và giúp cơ thể người bệnh thận trở lại cân bằng.
Hai thành phần chính khác trong bài thuốc Ama Kông là Tom NgLeng và Nam Dong cũng đã được xác định các thành phần dược lý qua nghiên cứu khoa học của Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh từ năm 2006 - 2009. Theo kết quả thì Tom Ngleng có chứa tinh dầu (1,1%), thành phần tinh dầu gồm anethol (lên đến 83,13%)… Tinh dầu có tác dụng rõ nét là tạo mùi thơm đặc trưng, kích thích tiêu hóa, tăng chuyển hóa, hưng phấn thần kinh… Nam Dong thì có chứa 2 loại chất flavonoid gồm taxifolin và taxifolun-3-O-a-L-rahamno-pyranosid có tác dụng bảo vệ cơ thể, điều hoà miễn dịch. Với thí nghiệm trên chuột bơi Brekhman, các bác sĩ đã chỉ ra rằng, bài thuốc Ama Kông có thể giúp chống mệt mỏi và cải thiện sức chịu đựng của cơ thể.
“Bảo bối” của Ama Kông đang cạn kiệt
Là người từng lăn lộn trong rừng các khu rừng Tây Nguyên để kiếm thuốc chữa bệnh cho đồng đội, bác sĩ Hồ Việt Sang – nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội y học dân tộc Đắk Lắk rất tâm đắc với các bài thuốc cổ truyền, nhất là của đồng bào các dân tộc. Bác sĩ Sang cũng đã cùng các chuyên viên nghiên cứu của Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu bài thuốc bổ thận tráng dương này trong nhiều năm. “Qua nghiên cứu khoa học và trên thực tế là nhiều người sử dụng bài thuốc Ama Kông, chúng tôi thấy rằng thuốc không có tác dụng phụ, cải thiện tình trạng sức khỏe, sinh lực, cường tráng dương sự… Bài thuốc gồm thành phần chính là 3 loại thảo dược quý hiếm của núi rừng Tây Nguyên, đặc biệt là cây Tơm trơng vốn được đồng bào sử dụng làm thuốc từ cách đây rất lâu. Nếu được hoàn thiện bằng các bước nghiên cứu tiếp theo (nghiên cứu độc tính, hóa học, chiết xuất, nghiên cứu dược lý cơ bản đầy đủ…) thì Ama Kông có thể là một bài thuốc quý, tạo ra những chế phẩm thích hợp như rượu thuốc, viên nang…”, bác sĩ Sang cho biết.
Từ các nghiên cứu khoa học, hiện nay bài thuốc gia truyền của già làng Ama Kông đã được lưu truyền và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều vấn đề nan giải, nhất là nạn khai thác bừa bãi các cây thảo dược quý hiếm và tình trạng “loạn thần dược” không biết đâu là thật, đâu là giả. Chỉ lướt qua các khu du lịch, hàng quán ở Buôn Đôn (nơi già làng Ama Kông sinh sống – PV) đã có thể đếm được hàng chục điểm bày bán thuốc Ama Kông, với giá bán từ 40.000 - 120.000 đồng; người mua được hướng dẫn là đem về ngâm với 8 lít rượu để uống cho… bổ thận, cường dương.
Về vấn đề này, bác sĩ Sang chia sẻ: “Từ khi bài thuốc Ama Kông nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc, nhiều người tìm mua thì người dân cũng đổ xô vào rừng tìm kiếm các loại thảo dược để chế biến bài thuốc này. Cũng chính vì vậy mà 3 thành phần chính trong bài thuốc, đặc biệt là cây Tơm trơng vốn có rất nhiều trong các khu rừng Tây Nguyên cũng đang dần cạn kiệt. Từ đây, việc bào chế cũng bị “tam sao thất bản” trong đồng bào rất nhiều, phần vì nguyên liệu quý hiếm, phần vì đây là bài thuốc gia truyền nên không phải ai cũng có công thức đúng như bài thuốc gốc của cụ Ama Kông. Vì việc khai thác, chế biến, buôn bán thuốc Ama Kông còn chưa được thực hiện nghiêm túc nên tôi cũng chỉ biết khuyên người tiêu dùng nên tỉnh táo, tìm tới những cơ sở có uy tín, chất lượng để không mua phải thuốc giả”.
[/justify]