Ngày 2/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, sau khi gửi các mẫu gửi đi kiểm tra các chỉ tiêu dư lượng kháng sinh cấm (Chloramphenicol, Bifenthrin, Trichlorfon, Histamine, lưu huỳnh) đã phát hiện một mẫu cá nục khô có dư lượng Trichlorfon 1264 microgram/kg.
Đây là hóa chất độc, khả năng thấm sâu. Loại hóa chất này diệt được nhiều loại côn trùng nhai gặm và liếm hút, được dùng trong y tế để trừ ruồi.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện chất lưu huỳnh (diêm sinh) trong sản phẩm cá khô và mực khô với hàm lượng 1,26 – 1115mg/kg. Đặc biệt là hàm lượng này quá cao trong sản phẩm mực khô.
Trước đó, sau thông tin phản ánh tiêu cực, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa cũng đã gửi 8 mẫu để phân tích nhưng đều không phát hiện có chất Bifenthrin, chất Chloramphenicol (chất bảo quản, giữ tươi) cũng như chất Trichlorfon (diệt ruồi, muỗi, côn trùng). Chỉ có một mẫu mực khô được tìm thấy có lưu huỳnh (diêm sinh) là 320 mg/kg, gấp hơn 15 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Hải sản được người dân ở Thanh Hóa phơi tràn lan dưới nền đất nhưng không có ruồi, kiến hay chuột bọ là do dùng hóa chất Trichlorfon2. Ảnh: Lê Hoàng.
Ngày 12/12, ông Nguyễn Xuân Đồng, Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa cho biết, Chi cục đã lấy một số mẫu mẫu cá (chỉ vàng, cá nục, cá ốp, cá cơm), mực khô tại các cơ sở ở huyện Tĩnh Gia gửi đi phân tích tại Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 (Hải Phòng) và Trung tâm phân tích công nghệ cao Hoàn Vũ (TP HCM).
Kết quả gửi về cho thấy, một mẫu mực khô có lưu huỳnh (diêm sinh) là 320 mg/kg, gấp hơn 15 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một mẫu cá ngừ tươi có chứa histamine với hàm lượng 1.021,8 mg/kg (là chất gây ngứa, tiêu chảy).
“Trong các mẫu trên không phát hiện ra thuốc trừ sâu Bifenthrin, chất bảo quản Chloramphenicol hay chất diệt ruồi muỗi Trichlorfon”, ông Đồng cho biết thêm.
Trước đó thì mực, cá nục khô đã bị phát hiện có thuốc trừ sâu.
Ba mẫu được chọn ngẫu nhiên để xét nghiệm là cá nục tẩm bột màu vàng, cá nục hấp, mực khô ở xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa - nơi cung cấp lượng thực phẩm khô lớn cho Hà Nội và các tỉnh phía bắc.
Kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) cho thấy, mực khô và cá nục có chứa chất Bifenthrin, một loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm hoa cúc tổng hợp. Hàm lượng Bifenthrin trong mực khô tới 1,04 mg một kg, còn trong cá nục hấp sấy khô là 0,054 mg trong một kg.
Chất này có thể gây buồn nôn, đau đầu, thậm chí ảnh hưởng đến ADN và gene, gây viêm khớp, ung thư.